ASEAN phải đoàn kết thúc đẩy thực thi luật pháp quốc tế trên Biển Đông

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Trước những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, các chuyên gia cho rằng, ASEAN phải đoàn kết thúc đẩy thực thi luật pháp quốc tế.

Vụ Trung Quốc cử nhóm tàu Địa chất Hải dương 8 tiến hành hoạt động thăm dò trái phép gần bãi Tư Chính, vốn nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam ở phía Nam Biển Đông đã thu hút sự quan tâm của dư luận và cộng đồng quốc tế. Trao đổi với phóng viên VOV, PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đã chỉ rõ những mục tiêu cũng như hành động phi pháp của Trung Quốc thời gian qua.

asean phai doan ket thuc day thuc thi luat phap quoc te tren bien dong hinh 1
PGS.TS Vũ Thanh Ca.

PV: Từ đầu tháng 7 vừa qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc có các hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Theo ông, mục tiêu của Trung Quốc là gì?

PGS. TS Vũ Thanh Ca:Ở thời điểm hiện nay, các nước ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Vì thế, Bắc Kinh muốn áp dụng chiến thuật gây sức ép tối đa với các nước bên trong ASEAN mà Trung Quốc cho là có tranh chấp chủ quyền với họ, ép các nước này chấp nhận các điều khoản theo ý Trung Quốc trong COC.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, trước khi có phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện của Philippines với yêu sách "đường 9 đoạn" củaTrung Quốc, Bắc Kinh đã thực hiện nhiều chiến thuật, thứ nhất là “tằm ăn lá dâu” - tức là từng bước gặm nhấm và chiếm trọn Biển Đông, thứ hai là “cây bắp cải” tức là huy động rất nhiều lực lượng theo các lớp khác nhau để bao vây và vô hiệu hóa lực lượng chấp pháp của các nước quanh Biển Đông mà Trung Quốc cho là có tranh chấp chủ quyền với họ. Cuối cùng là “chiến lược vùng xám” được hiểu là hoạt động gây hấn, cưỡng chế, làm gia tăng căng thẳng nhưng lại duy trì nó ở dưới ngưỡng xung đột quân sự thông thường.

Lần này Trung Quốc sử dụng chiến thuật “cây bắp cải” và “vùng xám” để o ép Việt Nam bởi Việt Nam đang đứng đầu nhóm nước đấu tranh, bảo vệ chủ quyền kiên quyết và mạnh mẽ nhất, cả về ý chí và thực lực. Trung Quốc muốn vô hiệu hóa và cô lập Việt Nam, lấy Việt Nam làm gương cho các nước khác nhằm đạt lợi thế trong đamg phán COC và tạo điều kiện cho Trung Quốc thúc đẩy các hoạt động phi pháp của nước này trên Biển Đông.

PV:Ông có thể phân tích những nguy cơ đặt ra cho khu vực liên quan đến hành vi điều tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 đến Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam?

PGS. TS Vũ Thanh Ca: Dù nước này xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam nhưng lại vu cáo Việt Nam xâm phạm vùng biển của họ. Mục tiêu chính của Trung Quốc là muốn loại Việt Nam ra khỏi cuộc chơi, ép Việt Nam thực hiện theo yêu sách phi lý của họ và mục tiêu cuối cùng là chiếm trọn Biển Đông.

Hành động này của Bắc Kinh đặt ra những nguy cơ rất lớn, không chỉ phá hoại các nỗ lực đàm phán COC mà còn gây ảnh hưởng đến an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông, ảnh hưởng toàn khu vực, thậm chí toàn thế giới vì Biển Đông là tuyến đường hàng hải đông đúc thứ hai trên thế giới với gần 50% lượng hàng hóa thương mại vận chuyển bằng đường biển phải đi qua khu vực này. Sự gián đoạn của luồng hàng hóa đi qua Biển Đông sẽ gây bất ổn kinh tế trong khu vực, thậm chí dẫn đến suy thoái toàn cầu.

asean phai doan ket thuc day thuc thi luat phap quoc te tren bien dong hinh 2
Tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc. Ảnh: Cục Khảo sát địa chất Trung Quốc.

PV: Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, trước đó Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981. Ông đánh giá thế nào mức độ vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc lần này?

PGS. TS Vũ Thanh Ca: Lần này khu vực Trung Quốc vi phạm cách xa cực nam đảo Hải Nam của Trung Quốc tới 600 hải lý. Theo Điều 76 của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), một quốc gia ven biển có thể có tối thiểu 200 hải lýthềm lục địavà mở rộng vượt quá giới hạn đó nếu rìa lục địa tự nhiên kéo dài xa hơn. Tuy nhiên, dù được xác định như trên, giới hạn tối đa của thềm lục địa cũng không được vượt quá 350 hải lý. Thêm vào đó yêu sách đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị Tòa trọng tài ra phán quyết bác bỏ năm 2016. Do vậy Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở để nói rằng đây là vùng biển đang tranh chấp. Có thể nói, hành động lần này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, làm phức tạp tình hình.

Dù bên ngoài Trung Quốc luôn luôn nói rằng Biển Đông đang hòa bình, ổn định nhưng thực chất Bắc Kinh luôn tìm cách gây leo thang căng thẳng trên Biển Đông để phục vụ cho những lợi ích riêng của nước này.

PV: Các quốc gia trong khối ASEAN như Việt Nam, Malaysia, Philippines… cần phải phối hợp như thế nào để đối phó với các hành vi “bắt nạt” của Trung Quốc hiện nay?

PGS. TS Vũ Thanh Ca: Yêu sách “Đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tự ý vẽ ra vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia khác xung quanh Biển Đông như Malaysia, Philippines, Brunei. Do đó nếu các quốc gia khác không đoàn kết với Việt Nam trong việc chống lại những yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông thì sau này họ cũng dễ rơi vào tình huống tương tự.

Tôi cho rằng các nước trong khối ASEAN phải nhận thức được vấn đề này và cùng nhau hợp tác để yêu cầu thực thi luật pháp quốc tế trên Biển Đông và chỉ có sự hợp tác giữa các nước ASEAN thì công cuộc đấu tranh chống lại những hành động phi pháp, những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông mới thành công. Tôi cho rằng, Việt Nam khá mạnh về ý chí và thực lực, đủ khả năng để giữ vững vùng biển của mình. Tuy vậy Việt Nam vẫn cần sự hỗ trợ của các nước khác. Bản thân cuộc đấu tranh của Việt Nam cũng góp phần hỗ trợ các quốc gia khác bảo vệ chủ quyền quốc gia và lãnh thổ trên biển.

PV: Ông đánh giá thế nào về khả năng khởi kiện những hành vi trái phép của Trung Quốc?

Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác hoàn toàn có thể khởi kiện Trung Quốc. việc lập một liên minh pháp lý ASEAN là vấn đề rất khó khăn vì bản thân nội khối ASEAN có nhiều chia rẽ. Trên thực tế, Việt Nam vẫn ưu tiên giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình nhưng trong trường hợp Trung Quốc hành động quá mức, chúng ta vẫn có đầy đủ bằng chứng để kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế. Và tôi tin rằng nếu khởi kiện Việt Nam sẽ chiến thắng bởi chúng ta có các bằng chứng xác thực và thực hiện đúng luật pháp quốc tế.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Từ khóa: ASEAN, Trung Quốc, biển đông, chuyên gia, Vũ Thanh Ca,

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập