Asanzo họp báo tự "minh oan", tuyên bố hoạt động trở lại
Cập nhật: 25/09/2019
“Cơn sốt” Bitcoin chưa dừng lại, các nhà đầu tư chờ đợi quyết định của FED
Meey Map Ver 3.0: Thêm nhiều tính năng mới cho từng nhóm khách hàng chuyên biệt
VOV.VN - Đại diện Asanzo bày tỏ hy vọng doanh nghiệp được "minh oan" nhờ vào sự khách quan, tôn trọng pháp luật của các đoàn kiểm tra.
Sau 3 tháng vướng “lùm xùm” bởi nghi vấn gian lận xuất xứ hàng hóa và gần 1 tháng thông báo ngừng hoạt động, sáng 17/9, Công ty CPTập đoànAsanzođã tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng và thông tin về việc hoạt động trở lại của doanh nghiệp này.
Chia sẻ với báo giới, ông Phạm Văn Tam,Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Asanzo cho hay, từ ngày 21/6, khi một số báo đồng loạt cáo buộc Asanzo giả xuất xứ hàng hóa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính…khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh về vụ việc Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác, nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường.
Đại diện Asanzo cũng khẳng định, đơn vị không sai phạm về xuất nhập khẩu. Bằng chứng là Tổng cục Hải quan đã cử Cục Kiểm tra sau thông quan tiến hành kiểm tra đối với Asanzo. Sau khi kiểm tra tài liệu xuất nhập khẩu hàng hóa, đối chiếu hồ sơ chứng từ, tiếp nhận giải trình của doanh nghiệp, ngày 15/8, Cục Kiểm tra sau thông quan đã có kết luận: Tại thời điểm kiểm tra chưa phát hiện sai phạm về khai báo hải quan đối với hàng hóa tại 1 tờ khai hải quan xuất khẩu, 26 tờ khai hải quan nhập khẩu.
“Kết luận kiểm tra của ngành Hải quan đối với Asanzo cho thấy, Asanzo không sai phạm về xuất nhập khẩu”, đại diện Asanzo cho biết.
Ông Phạm Văn Tam,Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Asanzo tại buổi họp báo. |
Đối với việc kiểm tra việc ghi nhãn hàng hóa của Asanzo, trong quá trình làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường, Asanzo đã giải trình đầy đủ, căn cứ theo các quy định của pháp luật và thực tế sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp về vấn đề xuất xứ hàng hóa.
Cụ thể, đối với các sản phẩm do Công ty thiết kế sản phẩm, thiết kế bo mạch điện tử, sau đó đặt hàng các nhà cung cấp linh kiện theo tiêu chuẩn chất lượng mà Asanzo kiểm soát rồi lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh thì Asanzo ghi xuất xứ Việt Nam. Đối với các sản phẩm do Asanzo đặt hàng các doanh nghiệp khác sản xuất và nhập khẩu, Asanzo ghi xuất xứ nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc.
“Ngày 1/8, Tổng cục Quản lý thị trường có văn bản gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 để báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh đối với Asanzo. Theo báo cáo này, Tổng cục không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hóa, sau khi đã kiểm tra việc ghi nhãn hàng hóa của doanh nghiệp”, đại diện Asanzo nêu rõ.
Đối với việc xác minh vấn đề ghi xuất xứ hàng hóa của Asanzo, đại diện doanh nghiệp này cho biết, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thành lập Tổ công tác để xác minh vấn đề ghi xuất xứ hàng hóa của Asanzo.
Sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa, đối chiếu với thực tế sản xuất của doanh nghiệp, Tổ công tác kết luận: "Đối với các “sản phẩm điện tử Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam”, hoặc “chế tạo tại Việt Nam”, “nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật”.
Đối với phản ánh của báo chí cho rằngCông ty CP Tập đoàn Asanzo có hành vi lừa dối người tiêu dùng khi sử dụng slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”, Asanzo cho biết đã xin phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM và được sự đồng ý.
Mặt khác, Asanzo có hợp tác với Sharp Roxy là Công ty con tại Hong Kong (Trung Quốc) của Tập đoàn Sharp (Nhật Bản). Ngày 12/9/2019, Sharp Roxy có văn bản nêu rõ đang có hợp đồng kinh doanh với Asanzo, bao gồm bán linh kiện điện tử, chuyển giao phần mềm, công nghệ và cách làm cùng với các dịch vụ liên quan. Cho đến bây giờ, hợp đồng vẫn đang có hiệu lực.
Mặc dù không có bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào có mặt tại buổi họp báo và có kết luận cuối cùng với những nghi vấn của Asanzo, song sau khi đưa ra những bằng chứng cho rằng doanh nghiệp “được minh oan”, ông Tam chia sẻ, trải qua chuỗi ngày khó khăn vừa qua đã nhìn thấy hy vọng Asanzo được minh oan nhờ vào sự khách quan, tôn trọng pháp luật của các đoàn kiểm tra cũng như các cơ quan báo chí. Doanh nghiệp này cũng thông tin với báo chí sẽ quay trở lại hoạt động, tiếp tục sản xuất. Thậm chí, trong tháng 10 tới, doanh nghiệp sẽ khai trương thêm 1 nhà máy tại TP HCM.
Liên quan đến việc tổ chức họp báo, trao đổi với luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Hà Nội), luật sư cho hay, theo quy định, việc họp báo là quyền của cơ quan và tổ chức cá nhân.
Nhưng việc tổ chức họp báo với mục đích thông tin những thông tin “nóng” khi chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhằm dẫn hướng dư luận khi chưa có kết luận chính thức đã thể hiện việc Công ty Asanzo muốn lấp liếm những khuất tất trong chuỗi hành vi gian lận.
“Đối với hồ sơ của cơ quan thanh kiểm tra, những chứng cứ, kết luận khi chưa được công khai theo quy định là những thông tin tài liệu thuộc loại bí mật nhà nước và những hồ sơ này được coi là tài liệu mật. Việc tổ chức họp báo của Asanzo một lần nữa đã thể hiện thái độ không những không tôn trọng đạo đức kinh doanh mà còn coi thường quyền lợi của người tiêu dùng và lấp liếm dư luận”, luật sư Hoàng Tùng chỉ rõ./.
Kết luận ’Asanzo không gian lận xuất xứ hàng hóa’, Chủ tịch VCCI nói gì?
Từ khóa: Asanzo, Asanzo họp báo, Asanzo sai phạm, kết luận về Asanzo, minh oan
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN