APEC 2020: Mục tiêu Bogor là động lực cho tăng trưởng và tự do hóa

Cập nhật: 17/11/2020

VOV.VN - Năm 2020 là thời hạn chót để các nền kinh tế thành viên APEC cán đích việc thực hiện mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư.

Được thông qua năm 1994, mục tiêu Bogor xác định APEC là một khu vực tự do và mở cửa về thương mại - đầu tư. Mục tiêu này đã trở thành định hướng cho hợp tác APEC trong suốt hơn 2 thập niên qua và trở thành kim chỉ nam cho việc xây dựng một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC đang diễn ra tại Malaysia, trên cơ sở những thành tựu của mục tiêu Bogor, các nhà lãnh đạo APEC sẽ hoàn thành xây dựng một tầm nhìn xa hơn, phù hợp với tình hình mới hiện nay.

Hơn 2 thập niên qua, mức độ tự do hoá thương mại và đầu tư, mở cửa thị trường hiện nay của APEC đã vượt xa rất nhiều so với thời điểm mục tiêu Bogor được đưa ra và đưa APEC trở thành một trong những khu vực năng động nhất thế giới.

Nhiều rào cản về thuế quan, hành chính được dỡ bỏ, nhiều tiêu chuẩn được hợp nhất và nâng cao. Nhiều chương trình hợp tác kỹ thuật được định hình đã giúp cho các nền kinh tế hội nhập và liên kết ngày càng tốt hơn, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, góp phần đưa các doanh nghiệp xích lại gần nhau.

Mức độ tự do hoá sâu rộng của APEC còn thể hiện ở sự gia tăng nhanh chóng các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các hiệp định thương mại khu vực (RTA). Nói cách khác, APEC chính là chất xúc tác cho ra đời rất nhiều hiệp định thương mại. Hơn 2 thập niên qua, số lượng các FTA/RTA đi vào thực thi trong APEC tăng từ 22 lên gần 160.

Tiến sỹ Alan Bolard, Giám đốc Ban thư ký APEC quốc tế cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng APEC đã không từ bỏ quyết tâm thực hiện mục tiêu Bogor đúng thời hạn: “Trong nhiều năm nay, quá trình thực hiện Mục tiêu Bogor tương đối khó khăn. Nhưng đây luôn là mục tiêu hàng đầu của APEC, với sự đồng thuận của các nền kinh tế thành viên hướng tới một môi trường thương mại tự do và mở cửa. Trong suốt 2 thập niên, APEC vẫn đang nỗ lực hết sức từ cải cách thể chế, cơ chế, hợp tác biên giới… để hoàn thành mục tiêu này một cách thành công”.

Diễn đàn APEC có thể xem là nơi để những sáng kiến, những ý tưởng về hội nhập gắn với phát triển ra đời. Trong khuôn khổ APEC, các đối thoại quan trọng ở nhiều cấp độ đã góp phần vào việc đảm bảo ổn định an ninh chính trị của khu vực, hướng tới mục tiêu vì sự thịnh vượng chung của khu vực. Có thể nói, mục tiêu Bogor là yếu tố truyền cảm hứng và đưa APEC đến được với vị trí và uy tín hiện nay.

Việt Nam với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của APEC, đã luôn đề cao các ưu tiên về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng, đặc biệt là ủng hộ thương mại đa phương, tự do hóa toàn cầu phù hợp với các giá trị của Mục tiêu Bogor. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, các ưu tiên của Việt Nam được đánh giá là sáng tạo, bởi đã hiện thực hóa việc đưa các chính sách của APEC từ trên bàn làm việc của các nhà lãnh đạo xuống từng doanh nghiệp, từng người dân.

“Việt Nam muốn cụ thể ở hai cấp độ: đó là ý tưởng, chính sách, sự hợp tác và chia sẻ. APEC là không phải câu chuyện ở trên trời, hay chỉ là câu chuyện của các nhà hoạch định chính sách nói chuyện với nhau mà cuối cùng chuyển thành sự vận động của thị trường, sự vận động của xã hội, sự vận động của doanh nghiệp, gắn với thực tế đang diễn ra để làm sao sự năng động của APEC, thực tiễn và cơ hội ấy gắn với từng người dân từng doanh nghiệp”, TS. Võ Trí Thành nói.

Không chỉ hiện thực hóa các mục tiêu của APEC, Việt Nam cũng chính trị hóa ở mức cao nhất các cam kết về thúc đẩy một khu vực APEC tự do, rộng mở. Cùng với các nền kinh tế thành viên APEC, Việt Nam sẵn sàng cán đích mục tiêu Bogor và tìm hướng đi cho sau 2020.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Về mục tiêu Bogor, Việt Nam sẽ cùng các thành viên xây dựng tầm nhìn sau năm 2020, tức là đi vào giai đoạn thập kỷ thứ 4 hình thành APEC từ năm 1989 đến nay. Thực hiện được mục tiêu Bogor, vậy gì điều gì xảy ra sau Bogor?”.

Điều gì sẽ xảy ra sau khi các mục tiêu Bogor cán đích? Khi đặt ra câu hỏi này, các nền kinh tế thành viên của APEC cũng như toàn cầu đang phải đối mặt với một cuộc khủng lớn chưa từng có. Đại dịch Covid-19 đã gần như xóa bỏ nhiều thành quả phát triển của nhân loại. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, trong vòng 25 tuần, Covid-19 đã đẩy lùi sự phát triển xuống 25 năm. Dịch Covid-19 đang trở thành thách thức với APEC, đồng thời cũng trở thành chất xúc tác đối với khu vực trong việc thích ứng với các tiêu chuẩn mới, đẩy nhanh các thành tựu của cuộc cách mạng Cộng nghiệp 4.0 cho những nỗ lực hậu phục hồi kinh tế.

Hội nghị thượng đỉnh APEC 2020 sẽ là cơ hội để các nhà lãnh đạo APEC đã xây dựng một Tầm nhìn sau 2020 với những tiêu chí mới phù hợp với tình hình mới và sẽ trở thành kim chỉ nam cho phục hồi kinh tế, thương mại, đầu tư và hợp tác khu vực./.

Từ khóa: APEC, Hội nghị thượng đỉnh APEC, mục tiêu Bogor, tự do hoá thương mại

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập