Áp thuế VAT phân bón 5%: Đại biểu nói không nên, doanh nghiệp nói cần
Cập nhật: 29/10/2024
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
Cần thiết phải có cơ chế thúc đẩy “tài chính xanh” tại Việt Nam
VOV.VN - Dưới góc độ của Hiệp hội phân bón, nếu áp thuế VAT phân bón 5% sẽ có lợi ngay trước mắt cho các nhà sản xuất mặt hàng này, nhưng có lợi lâu dài cho người nông dân.
Sáng 29/10, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Trong khi nhiều đại biểu tán thành với đề xuất chuyển từ diện không chịu thuế GTGT sang diện chịu thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Tuy nhiên cũng có đại biểu nêu quan điểm nên giữ như quy định hiện hành, nghĩa là không đánh thuế 5% với mặt hàng phân bón vì cho rằng người nông dân sẽ phải gánh khoản thuế này. Liên quan đến nội dung này, PV Đài TNVN phỏng vấn TS. Phùng Hà - Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam về nội dung này.
PV: Thưa ông, đã có ý kiến ĐBQH đề nghị không nên đánh thuế 5% với mặt hàng phân bón, vì cho rằng người nông dân sẽ phải gánh khoản thuế này. Dưới góc độ đại diện cho các DN sản xuất phân bón, xin ông cho biết cụ thể vì sao Hiệp hội lại cho rằng phân bón chịu thuế GTGT 5% lại tốt hơn là không chịu thuế?
TS Phùng Hà: Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi ban hành một số điều của các luật về thuế (có hiệu lực từ ngày 01/1/2025). Ngay khi Luật ra đời thì rất nhiều các cơ quan, các hiệp hội đã kiến nghị là đưa phân bón trở lại từ diện không chịu thuế GTGT trở thành mặt hàng chịu thuế GTGT 5% giống như trước khi Luật 71 có hiệu lực.
Bất kể một chính sách mà đặc biệt là liên quan đến thuế thì chắc chắn sẽ gây ra những tranh luận khác nhau. Trước hết, về góc độ các nhà sản xuất, Hiệp hội nhìn thấy vấn đề cụ thể khi DN sản xuất không nhận được 5% thuế GTGT đầu vào của nguyên liệu, dịch vụ dẫn tới 2 thiệt hại.
Thứ nhất, DN sẽ giảm lãi hoặc là phải tăng giá. Thứ hai là vì không nhận lại được 5% thuế đầu vào, nên DN không đầu tư các dự án mới. Khi mà áp thuế GTGT 5%, Hội Tư vấn thuế cũng đã đưa ra định lượng: Nếu áp thuế 5% bên sản xuất phân bón là nhà nước vẫn thu được phần thuế VAT. Giai đoạn đầu người nông dân sẽ bị thiệt một chút, nhưng sẽ hưởng lợi về lâu dài.
Bởi khi các DN sản xuất phân bón thu được 5% thuế đầu vào sẽ tái đầu tư và tìm cách giảm giá thành. Sắp tới đây, khi chúng ta phải dùng các loại phân bón hiệu suất cao, nếu các nhà đầu tư không nhận được 5% thuế đầu vào của thiết bị… hiệu suất đầu tư sẽ bị giảm nên sẽ không đầu tư, nhất là khi chúng ta phải thực hiện Netzero vào năm 2050. Phân bón là 1 trong những ngành cũng gây ra phát thải khí nhà kính khá lớn, bắt buộc phải đầu tư các dự án mới để sản xuất các loại phân bón thế hệ mới, công nghệ cao để làm sao giảm thải nhà kính.
Cho nên dưới góc độ Hiệp hội phân bón, chúng tôi cho là nếu áp thuế 5% sẽ có lợi ngay trước mắt cho các nhà sản xuất mặt hàng này, nhưng có lợi lâu dài cho người nông dân. Thêm nữa là khi sản xuất trong nước có hiệu suất đầu tư lớn hơn, sẽ tăng phần sản xuất trong nước, giúp giảm nhập khẩu nên lâu dài người nông dân sẽ có lợi.
PV: Nhiều DN phân bón cho rằng, DN sản xuất phân bón nội địa đang chịu sức ép cạnh tranh thiếu công bằng với phân bón nhập khẩu, quan điểm của Hiệp hội như thế nào về thực tế này?
TS Phùng Hà: Hiện nay các DNsản xuất phân bón trong nước không nhận được 5% thuế VAT/GTGT đầu vào. Trong khi đó, các DN nhập khẩu phân bón lại không bị áp thuế này, điều đó đương nhiên sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Tính toán cho thấy, nếu chúng ta áp thuế 5% đầu vào đối với phân bón nhập khẩu có thể góp phần làm tăng giá phân bón nhập khẩu. Nhưng hiện nay, sản lượng phân bón sản xuất trong nước đã đạt khoảng 6,5 - 7 triệu tấn các loại, trên tổng số nhu cầu khoảng 10 triệu tấn nên phần sản xuất trong nước vẫn lớn hơn nhập khẩu, nên nhìn chung lại giá vẫn không tăng.
PV: Theo ông chính sách thuế đối với mặt hàng phân bón cần sửa đổi như thế nào so với quy định hiện hành, để vừa có lợi cho người dân và DN, vừa đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các thành phần kinh tế?
TS. Phùng Hà: Liên quan đến ngành phân bón đã có nhiều đề xuất nhiều, nhưng riêng về thuế VAT, Hiệp hội chỉ có đề xuất liên quan đến thuế suất. Sau khi Luật 71 có hiệu lực, Hiệp hội phân bón Việt Nam kiên trì kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước đưa lại phân bón từ diện không phải chịu thuế GTGT về diện chịu thuế GTGT 5%. Hiện nay đề xuất này đã được Bộ Tài chính trình Quốc hội để xem xét, phê duyệt vào Kỳ họp Quốc hội lần này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Từ khóa: vat phân bón, vat phân bón, nông dân, doanh nghiệp, đầu vào,kỳ họp thứ 8
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: nguyên long/vov1
Nguồn tin: VOVVN