Áp lực của những kỹ sư cấp thoát nước
Cập nhật: 02/11/2021
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
[VOV2] - Nước gắn liền với nhu cầu cấp thiết của mọi người, mọi nhà. Bởi vậy, các dự án cấp thoát nước luôn nhận được sự quan tâm của cả xã hội. Điều đó đã tạo ra sự áp lực về sự chỉn chu, chuẩn xác trong công việc của những kỹ sư cấp thoát nước.
Nhọc nhằn “nghề” nước
Nguyễn Quang Hải, kỹ sư thiết kế cấp thoát nước và các đồng nghiệp ở Công ty cổ phần nước và môi trường Việt Nam nhận được một dự án mới. Họ bắt đầu khảo sát hiện trường để bước vào các công đoạn tiếp theo.
Khảo sát hiện trường là công đoạn nắm bắt nhu cầu sử dụng nước sạch, thoát nước thải của người dân để tính toán nhu cầu hiện tại và tương lai. Từ đó lập các bảng tính toán nhu cầu sử dụng nước sạch, kích thước công trình nhằm đáp ứng quy mô, công suất xử lý lượng nước theo yêu cầu.
“Công việc này thường bắt đầu bằng thiết kế ý tưởng và kết thúc bởi việc thiết kế chi tiết nhằm đưa ra các giải pháp phục vụ mục đích thi công, xây dựng công trình…”, Hải chia sẻ.
Cũng là kỹ sư cấp thoát nước nhưng nếu văn phòng là địa điểm làm việc chính của Hải thì công trường lại là nơi làm việc của Đặng Công Thành. Anh là cán bộ thi công tại Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư phát triển kiến trúc đô thị.
“Lên tiến độ thi công, hôm nay sẽ làm khu phố nào, lên vật tư các tổ đội. Đó là dự kiến từ hôm trước, còn ra công trình thì sẽ bám theo hiện trạng của hiện trường, báo vật tư, tổng hợp, xuất phiếu về kho, báo tổ đội ra lấy, tiến hành làm”.
Đội thi công chia thành 2 ca, ca đêm làm ống nước phân phối lớn, ca ngày làm những đường ống dịch vụ cấp nước vào nhà, nước chạy qua đồng hồ.
Gần 23h đêm Thành mới từ chỗ làm về nhà, hôm nay công trình phát sinh một số vấn đề cần xử lý gấp.
Những phát sinh trong quá trình thi công, cải tạo các dự án cấp thoát nước không phải là chuyện hiếm gặp với kỹ sư Đặng Công Thành.
Đó có thể là tình huống hy hữu như tổ đội thi công quên chưa mở lại van hoặc đồng hồ tắc trong quá trình đào lấp khiến nhà dân mất nước. “Dù đã khuya nhưng vẫn phải xúc xả lại để trả lại nguồn cấp nước sạch cho từng hộ dân”.
Phát sinh trong khi thi công cũng có thể xuất phát từ việc phải cải tạo một công trình có tuổi đời rất lâu. Ví dụ, trước đây khi thiết kế đường ống lắp khác nhưng sau này công trình có nhiều thay đổi qua quá trình sử dụng. Do đó khi cải tạo dự án mới, có khi đội thi công phải rất vất vả để dò tìm xem đồng hồ nhà này ăn theo tuyến nào. Rất có thể mặt tiền ở ngõ này nhưng đồng hồ nước ăn ở ngõ khác.
Để đuổi kịp tiến độ dự án, họ có thể làm việc 10-12h mỗi ngày, sức khỏe là yếu tố cần với một kỹ sư cấp thoát nước. “Nhưng có lẽ độ vất vả trong nghề cấp thoát nước nặng về xử lý nước thải. Với những dự án có đường ống chạy trong lòng cống nước thải anh em không thể tránh khỏi phải ngâm mình trong lòng cống.
Nghề gắn với trách nhiệm cao
Nước gắn liền với nhu cầu cấp thiết của mọi người, mọi nhà. Bởi vậy, các dự án cấp thoát nước luôn nhận được sự quan tâm của cả xã hội. Điều đó đã tạo ra sự áp lực về sự chỉn chu, chuẩn xác.
Dự án nâng cấp nhà máy nước sông Đà giai đoạn 2 là một trong những dự án lớn nhưng cũng đầy áp lực mà Nguyễn Quang Hải từng tham gia thiết kế. Theo đó, dự án nâng cấp nhà máy nước sông Đà giai đoạn 2 nâng công suất từ 300.000m3/ngày đêm lên 600.000 m3/ngày đêm.
Trước đó, giai đoạn 1 dự án đã xảy ra sự cố vỡ đường ống nước truyền dẫn từ nhà máy nước Hòa Bình về Hà Nội, sự cố nguồn nước thô nhiễm dầu thải dẫn đến tình trạng một số cư dân ở Hà Đông, Hà Nội không có nước sạch sử dụng.
“Những sự cố trong giai đoạn 1 của dự án đã tạo ra áp lực không nhỏ cho những kỹ sư thiết kế giai đoạn 2. Phải thiết kế, thi công làm sao đảm bảo tuyệt đối an toàn của cả hệ thống, tối ưu hóa, khắc phục những nhược điểm của giai đoạn 1”.
Để một dự án thực hiện đúng tiến độ, bên cạnh chuyên môn thì khả năng đàm phán cũng là một yếu tố cần có của một kỹ sư cấp thoát nước.
“Một lần thực hiện dự án trên trên phố Yên Lạc, nhà người ta mới làm lại gạch vỉa hè nên khi được đề nghị đục lên để phục vụ công trình, họ rất xót, họ cản trở. Sau quá trình thuyết phục, cam kết hoàn trả lại cảnh quan ban đầu thì người dân đã hợp tác vui vẻ. Thuận lòng người dân là đội thi công làm rất là nhanh”, Đặng Công Thành kể.
Ngày lăn lộn ngoài công trường nhưng đêm về những kỹ sư cấp thoát nước trẻ như Thành, như Hải vẫn miệt mài đọc tài liệu. Bởi một kỹ sư giỏi sẽ không bao giờ ngừng học.
Nguyễn Quang Hải cho rằng, với một kỹ sư cấp thoát nước điều quan trọng nhất là sự ham học hỏi, trau dồi chuyên môn và kinh nghiệm của những người đi trước. Đặc biệt, khả năng ngoại ngữ tốt là một điểm cộng. Ngành nước dù là ngành lâu đời nhưng công nghệ áp dụng trong ngành này luôn cập nhật, đổi mới. “Nếu bạn có vốn ngoại ngữ tốt, bạn có thể đọc các tài liệu nước ngoài, các công nghệ cập nhật mới nhất hiện nay để trau dồi chuyên môn của mình”.
Ngành “khát” nhân lực chất lượng cao
Hiện nay, cùng với tốc độ đô thị hóa, nhiều cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại Việt Nam, nhân lực cho ngành cấp thoát nước ngày càng cần thiết cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê của Hội cấp thoát nước Việt Nam, đến năm 2021 nước ta cần khoảng hơn 8000 kỹ sư, chuyên gia về Kỹ thuật Cấp thoát nước để thiết kế, vận hành và thi công các cơ sở hạ tầng trong ngành thoát nước, phân phối nước và xử lý nước thải. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, lượng kỹ sư có chuyên môn được đào tạo mỗi năm không nhiều.
Theo PGS.TS Đoàn Thu Hà, bộ môn Kỹ thuật Cấp thoát nước, Trường ĐH Thủy Lợi quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đòi hỏi hệ thống hạ tầng cấp thoát nước được nâng cấp, phát triển. Cùng với đó, tình trạng nguồn nước cạn kiệt, ô nhiễm môi trường, ngập lụt, biến đổi khí hậu...cũng đặt ra những vấn đề đòi hỏi nhân lực ngành cấp thoát nước cả về số lượng và chất lượng để giải quyết những bài toán phức tạp hơn trước đây.
Hằng năm, theo khảo sát của nhà trường, trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp, trên 90% sinh viên ngành cấp thoát nước có việc làm liên quan đến lĩnh vực này.
Tuy nhiên, những năm gần đây không riêng ngành cấp thoát nước mà các ngành truyền thống chưa thu hút được học sinh tương ứng với nhu cầu của xã hội.
“Chúng tôi nhận thấy rằng học sinh hiện đang chạy theo trào lưu của xã hội muốn hướng đến ngành hot, những việc đơn giản hơn. Trong khi đó kỹ sư cấp thoát nước đòi hỏi có tư duy. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong ngành cấp thoát nước”, PGS.TS Đoàn Thu Hà nhận định.
Để thu hút sinh viên, PGS.TS Đoàn Thu Hà cho biết, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, các thiết bị thí nghiệm thủy lực hóa, xử lý nước, các giảng viên của nhà trường được đào tạo ở nước ngoài, trường ĐH Thủy lợi ký kết hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức phối hợp đào tạo sinh viên.
Theo đó, các doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận sinh viên thực hành, thực tập để các em tiếp cận thực tế việc làm. Các doanh nghiệp cũng sẵn sàng cung cấp học bổng cho sinh viên. Thậm chí, khi còn ngồi trên ghế giảng đường nhiều sinh viên đã có việc làm tại doanh nghiệp.
Nghe chương trình tại đây:
Từ khóa: Cấp thoát nước, kỹ sư, nhọc nhằn, trách nhiệm, áp lực, nhu cầu, nhân lực, VOV2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2