Áp dụng cabin tập lái thế nào để không gây quá nhiều xáo trộn cho các trung tâm ĐTLX?
Cập nhật: 24/12/2022
Cách đỗ ô tô ngày Tết văn minh, lịch sự, hợp phong thủy, tránh thất thoát tài lộc
Thuê xe tự lái ngày Tết: Nhiều người chọn phương án thuê xe có lái
VOV.VN - Theo quy định của Bộ GTVT, từ 1/1/2023, tất cả các trung tâm đào tạo lái xe phải trang bị cabin điện tử. Trong khi cả nước có hơn 380 đơn vị đào tạo lái xe nhưng đến thời điểm này cả nước mới chỉ có 2 đơn vị được chứng nhận hợp quy, đủ điều kiện cung cấp cabin tập lái.
Thời hạn cuối chỉ còn 1 tuần, liệu các trung tâm đào tạo có kịp trang bị cabin tập lái? Việc trang bị cabin tập lái cần được áp dụng thế nào để đảm bảo mục tiêu, nhưng không gây quá nhiều xáo trộn cho các các đơn vị đào tạo và cho cả học viên?
Cabin học lái, nơi đã đầu tư, nơi còn nghe ngóng
Dù chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là đến hạn cuối phải trang bị cabin tập lái theo Thông tư 04 của Bộ GTVT, tuy vậy, hiện Trung tâm dạy nghề Thái Việt (Hà Nội) vẫn chưa mua thiết bị nào theo quy định.
Giải thích về điều này, ông Nguyễn Cao Cương, Giám đốc Trung tâm cho biết, thời gian qua, riêng khoản đầu tư thiết bị giám sát hành trình đã lên đến gần 3 tỷ đồng, chưa kể các khoản đầu tư để đáp ứng yêu cầu đào tạo và thi bằng lái theo quy định mới, nên việc thêm khoản tiền đầu tư cho cabin là rất khó khăn.
"Mỗi tháng Trung tâm tuyển thêm khoảng 1.000 học viên, như vậy cần khoảng 8-10 cabin điện tử, mỗi cabin theo báo giá cũng tầm 400-500 triệu thì cũng ngót 5 tỷ" - ông Nguyễn Cao Cương cho biết thêm.
Tương tự, Trung tâm dạy nghề đào tạo lái xe ô tô Âu Lạc (Bắc Ninh) cũng chưa trang bị cabin nào. Ông Nguyễn Thái Lĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm cho hay, theo lưu lượng được cấp hơn 1.000 học viên, cần trang bị khoảng 10 cabin tập lái, là một khoản kinh phí rất khó đáp ứng vào thời điểm này.
Theo ông Nguyễn Thái Lĩnh, Phó Giám đốc rung tâm dạy nghề đào tạo lái xe ô tô Âu Lạc (Bắc Ninh): "Nếu trang bị, tôi cũng phải hơn chục chiếc, tổng khoảng 5-6 tỷ. Giờ loại bình dân nhất cũng khoảng 400 triệu".
Theo tìm hiểu của VOVGT, hiện tại, Trung tâm đào tạo lái xe thuộc Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (Hà Nội) đã trang bị cabin tập lái.
Trung tá Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm cho biết, đơn vị đã trang bị 3 cabin tập lái, nhưng đó là từ thời điểm các đơn vị cung cấp chưa được cấp chứng nhận hợp quy.
Trung tá Nguyễn Thành Trung chia sẻ: "Năm 2023 đơn vị sẽ phải trang bị khoảng 10 ca bin, giá thành là trên 4 tỷ đồng. Đây là đang lắp đặt thử nghiệm, về phía trung tâm đang phối hợp với nhà cung cấp sản xuất góp ý, viết lại các bài làm sao phù hợp với sân sát hạch của mình để cho học viên trong quá trình đào tạo để sát với thực tế, sát với sân sát hạch".
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, đến thời điểm này, chưa có đơn vị nào trang bị thiết bị này theo quy định.
Ông Nguyễn Hồng Đạt, Phó trưởng Phòng quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Hà Nội cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp phải thực hiện đầu tư nhiều hạng mục theo lộ trình quy định tại Thông tư 4 như: nâng cấp hệ thống máy tính, cài đặt phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông; lắp đặt thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên… đòi hỏi nguồn kinh phí lớn nên các đơn vị còn chậm đầu tư. Thêm vào đó, việc mới có 2 đơn vị cung cấp thiết bị nên các đơn vị khó thực hiện theo lộ trình.
"Các cơ sở đào tạo đã nắm bắt được thông tin này rồi, tuy nhiên, còn đang xem xét và nghiên cứu, tham khảo giá cả, chất lượng sản phẩm, lúc đấy các cơ sở đào tạo mới quyết định đầu tư. Chúng tôi cũng thường xuyên động viên, đôn đốc, theo dõi các cơ sở đào tạo chấp hành các quy định của Nhà nước nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe" - ông Đạt cho biết.
Theo tìm hiều của VOVGT, tình trạng chậm trễ, chờ đợi trong việc trang bị cabin tập lái không chỉ diễn ra tại Hà Nội, mà ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Giá cao, loạn giá, chất lượng chưa biết thế nào, các trung tâm hoa mắt trước thị trường cabin
Giải thích lý do vẫn nghe ngóng, dù thời điểm cuối để trang bị cabin tập lái đã cận kề, ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Trung tâm dạy nghề lái xe ô tô Đức Thịnh (Hà Nội) cho biết, do mới có 2 đơn vị được chứng nhận hợp quy, đủ điều kiện cung cấp cabin tập lái nên giá thành còn cao. Do vậy, đơn vị đang chờ có thêm đơn vị cung cấp để có thể “mặc cả”.
Ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Trung tâm dạy nghề lái xe ô tô Đức Thịnh (Hà Nội) bày tỏ: "Mới có 2 đơn vị được công nhận đủ tiêu chuẩn hợp quy, nên đang chờ có thêm những đơn vị để có thêm giá cả để có sự mặc cả để cho hợp lý. Chứ bây giờ giá nó cao quá, chào giá bây giờ khoảng 430-440 là quá cao bởi vì bằng một chiếc xe Matiz, trong khi xe này theo cabin mà nó đắt thế, nên là cũng đang chờ".
Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch HĐQT Trung tâm dạy nghề lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) cũng cho biết đơn vị cũng chưa trang bị thiết bị cabin tập lái nào. Với lưu lượng hơn 1.000 học viên/tháng, Trung tâm đào tạo lái xe Đông Đô phải trang bị hơn 10 cabin tập lái với mức giá đang được chào bán đều khoảng 400-500 triệu đồng khiến nhiều trung tâm khá băn khoăn.
"Một là mẫu mã, hai là độ bền vì cái này chạy nó cũng rung giật nó cũng là cả vấn đề. Ba là giá cả, tiền nong các thứ, nhưng đều trên dưới 400 triệu cả. Đang phải nhờ các anh em làm “chuột bạch” xem dùng loại nào cho phù hợp" - ông Trần Văn Toản, Chủ tịch HĐQT Trung tâm dạy nghề lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) chia sẻ.
Lãnh đạo một trung tâm đào tạo lái xe tại Hà Nội xin được giấu tên cũng cho hạy, do lưu lượng của đơn vị được cấp chỉ dưới 1.000 học viên, nên đơn vị chỉ cần trang bị khoảng 5-7 chiếc cabin. Do số lượng ít nên đang bị các đơn vị cung cấp chào giá khá cao, lên đến gần 500 triệu đồng/chiếc.
Theo vị lãnh đạo này: "Đối với một cái cabin như thế mà chúng tôi phải sắm cỡ khoảng 500 triệu, tương đương một chiếc xe ô tô bình thường mà chúng tôi đầu tư cho tập lái. Như vậy, về mặt tài chính cũng là một băn khoặn của chúng tôi. Để có được điều này chúng tôi cũng phải tính toán về mặt tài chính, tính toán về công nghệ, lựa chọn nhà sản xuất nào cho phù hợp để khi áp dụng vào thì học viên thấy đây là một cái có lợi cho họ".
Một số ý kiến cũng cho rằng, dù hạn cuối để trang bị cabin tập lái đã cận kề, song việc chỉ có 2 đơn vị được chứng nhận hợp quy, đủ điều kiện cung cấp cabin tập lái khiến các đơn vị có rất ít sự lựa chọn.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết: "Số đơn vị được chứng nhận hợp quy còn ít, thứ 2 là giá chào bán khá cao, 450-500/một cái cabin. Cái này về phía cơ quan quản lý nhà nước cũng không sát sao chỉ đạo, có phần chủ quan, dẫn đến sự chậm trễ này".
Một số ý kiến cũng cho rằng, đối với các đào tạo lái xe công lập, thủ tục đầu tư đòi hỏi phải có từ 3 đơn vị chào giá cạnh tranh, thì việc không đủ số đơn vị chào bán khiến các trung tâm đào tạo công lập rất khó thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục đầu tư công, dẫn đến khó khăn khi thực hiện./.
Từ khóa: cabin điện tử, cabin học lái, công nghệ xe, trung tâm dạy lái xe, thi bằng lái ô tô, trung tâm đào tạo lái xe phải trang bị cabin điện tử
Thể loại: Ô tô - Xe máy
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN