Ảnh vệ tinh tiết lộ chi tiết mới về hoạt động sản xuất tên lửa của Nga
Cập nhật: 5 ngày trước
Mẹ ném con 3 tháng tuổi xuống mương nước
Xung đột Nga-Ukraine có nguy cơ đẩy thế giới vào thế chiến III?
VOV.VN - Ảnh vệ tinh cho thấy có sự mở rộng đáng kể tại 5 khu phức hợp sản xuất động cơ tên lửa nhiên liệu rắn của Nga. Điều này có nghĩa là Moscow đang lên kế hoạch tăng mạnh sản lượng tên lửa trong bối cảnh xung đột ở Ukraine đã kéo dài hơn 1.000 ngày.
Các bức ảnh vệ tinh do Maxar Technologies chụp vào tháng 7, tháng 9 và tháng 10 cho thấy thảm thực vật đã được dọn sạch và có nhiều công trình xây dựng mới tại 5 khu phức hợp sản xuất động cơ tên lửa nhiên liệu rắn của Nga.
Nhà nghiên cứu Fabian Hinz tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Berlin, Đức đã xác định được các khu phức hợp nói trên dựa trên thông tin mà truyền thông Nga đăng tải cũng như các tài liệu giải mật của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) thời Chiến tranh Lạnh trong đó có liệt kê các cơ sở mà Liên Xô sản xuất động cơ tên lửa nhiên liệu rắn.
Các địa điểm này nằm ở Cộng hòa Altai ở Siberia, Rostov ở miền Nam nước Nga, ngoại ô Moscow và St. Petersburg, cũng như Perm ở miền Tây của Nga.
Kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu tăng ngân sách để mở rộng sản xuất quốc phòng.
“Hình ảnh vệ tinh cho thấy sản xuất động cơ tên lửa nhiên liệu rắn dường như là một trọng tâm”, ông Hinz viết trong báo cáo công bố trên Military Balance Plus, một trang blog của IISS.
Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa bình luận về thông tin trên.
Theo Reuters, Nga có kế hoạch tăng chi tiêu cho quốc phòng cho năm 2025 lên 6,3% GDP, mức cao nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (NSC) từ chối xác nhận liệu Washington có biết về việc Nga mở rộng cơ sở sản xuất động cơ tên lửa hay không nhưng cho biết Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các thực thể và tổ chức tài chính của Nga để hạn chế khả năng sản xuất vật liệu quốc phòng của nước này.
Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ hiện chưa bình luận.
Những phát hiện của ông Hinz được đưa ra khi Nga được cho là đang phải tìm đến các đối tác nước ngoài để bổ sung kho tên lửa đã cạn kiệt sau gần 3 năm xung đột với Ukraine.
Nga không công bố số lượng tên lửa nước này đã sử dụng trong xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, hồi tháng 8, một viên tướng hàng đầu của Kiev nói rằng, Moscow đã phóng hơn 9.600 tên lửa kể từ tháng 2/2022.
Theo giới chức Ukraine, việc mở rộng sản xuất động cơ tên lửa nhiên liệu rắn có thể giúp Điện Kremlin đáp ứng được nhu cầu của cuộc xung đột mà không phải tìm đến các nhà cung cấp bên ngoài.
So với vũ khí nhiên liệu lỏng, tên lửa nhiên liệu rắn thường dễ vận hành và an toàn hơn, đặc biệt là trên chiến trường. Tên lửa nhiên liệu rắn có khả năng sẵn sàng phóng cao hơn, giá rẻ hơn, thời gian có thể lưu trữ lâu hơn và khâu hỗ trợ hậu cần cũng đơn giản hơn.
Pavel Podvig, một nhà phân tích quốc phòng tại Geneva, Thụy Sĩ cũng có nhận định tương tự ông Hinz sau khi xem xét các bức ảnh vệ tinh. Ông cho rằng, Nga có kế hoạch tăng cường sản xuất tên lửa nhiên liệu rắn để cung cấp vũ khí cần thiết các hoạt động ở Ukraine, chẳng hạn như tên lửa đất đối đất.
“Khi họ sản xuất nhiên liệu đẩy, họ chắc chắn sẽ sử dụng đến nó. Điều đó cho thấy sản lượng tên lửa sẽ tăng lên”, ông nhận định, đồng thời nói thêm rằng ông không thấy cách giải thích nào khác hợp lý hơn.
Ông Podvig không cho rằng Nga đang có kế hoạch tăng cường sản xuất tên lửa nhiên liệu rắn cho lực lượng hạt nhân chiến lược vì tỷ lệ sản xuất loại vũ khí này “khá ổn định”.
Tuy nhiên, hồi tháng 5, một nhà ngoại giao cấp cao của Nga nói rằng Nga sẽ phải tăng cường toàn bộ kho vũ khí tên lửa của nước này vì Moscow đang trong cuộc đối đầu công khai với Mỹ và các đồng minh của nước này.
Theo chuyên gia Hinz, các bức ảnh vệ tinh không cung cấp manh mối nào về các loại động cơ tên lửa nhiên liệu rắn mà Nga có thể đang có kế hoạch tăng cường sản xuất.
Thực tế, Nga sản xuất nhiều loại tên lửa nhiên liệu rắn, bao gồm Grad và Uragan phóng từ bệ phóng di động, tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không S-300 và S-400 tiên tiến, cũng như tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M.
Kho vũ khí hạt nhân của Nga cũng bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu rắn, chẳng hạn như Topol-M phiên bản cơ động phóng từ mặt đất và Bulava phóng từ tàu ngầm. Việc triển khai chúng vẫn bị hạn chế cho đến khi New START, hiệp ước kiểm soát vũ khí cuối cùng còn lại giữa Nga và Mỹ hết hạn vào tháng 2/2026.
Ông Hinz cho rằng, bất kỳ kế hoạch nào của Điện Kremlin nhằm thúc đẩy sản xuất tên lửa đạn đạo đều có thể gặp phải những rào cản đáng kể. Họ sẽ làm cách nào để lách lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu của phương Tây nhằm có được các công cụ máy móc công nghệ cao và liệu Moscow có các nguyên liệu thô cần thiết cho nhiên liệu rắn hay không?
“Họ có đủ nguồn cung trong nước không hay đang lấy ở nơi khác, tôi không hoàn toàn chắc chắn về điều này”, ông nói.
Ngoài ra, Nga cũng đang thiếu hụt lao động có tay nghề cao. Một số quan chức Nga đã nêu rõ tình trạng thiếu hụt lao động là vấn đề đáng lo ngại nhất đối với nền kinh tế nước này.
Từ khóa: Nga, Tên lửa của Nga, động cơ tên lửa, Nga cạn kiệt tên lửa, vũ khí Nga, xung đột Nga-Ukraine
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả: hoàng phạm/vov.vn (biên dịch)
Nguồn tin: VOVVN