Anh và EU gặp nhiều trắc trở trong đàm phán thương mại
Cập nhật: 26/02/2020
VOV.VN - Ngày 2/3 đến ngày 5/3 tới, Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại tại Brussels.
Giới quan sát nhận định, những quan điểm đối nghịch nhau của hai phía cho thấy giai đoạn đàm phán về quan hệ thương mại tương lai giữa nước Anh và EU có thể gặp nhiều trắc trở như quá trình đàm phán Brexit vốn kéo dài ba năm qua.
Vòng đàm phán chính thức đầu tiên về thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU sẽ diễn ra vào ngày 2/3 tới tại Brussels (Bỉ).(Nguồn: ABDN). |
Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier hôm qua (25/2) cho biết, ngoài vòng đàm phán dự kiến được tổ chức vào tuần sau, vòng đàm phán thứ hai sẽ diễn ra tại London vào cuối tháng 3, với chương trình nghị sự gồm thương mại, an ninh, chính sách đối ngoại cùng nhiều lĩnh vực khác. Trưởng đoàn đàm phán thương mại phía Anh sẽ là ông David Frost,Cố vấn về châu Âu của Thủ tướng Anh.
Tuy nhiên, ông Michel Barnier khẳng định sẽ không tìm cách kết thúc đàm phán "bằng bất cứ giá nào" bởi với khung thời gian rất hạn chế, các bên sẽ không thể hoàn tất mọi yêu cầu. Ông cũng cảnh báo tiến trình thương lượng sẽ phức tạp, khắt khe và vô cùng khó khăn.
“Trong thời gian (đàm phán) rất ngắn này, chúng tôi không thể hoàn thành mọi thứ. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức nhưng lần này áp lực đối với cuộc đàm phán này không phải do chúng tôi áp đặt. Đó là chính phủ Anh (tìm cách đạt được thỏa thuận trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp vào cuối năm 2020). Do đó, đây là một cuộc đàm phán phức tạp, đòi hỏi cao, thậm chí rất khó khăn, chỉ có thể thành công nếu được thực hiện với sự tin tưởng”, ông Michel Barnier nói.
Phía Anh ngay lập tức cáo buộc EU đã rút lại cam kết trước đó về việc đạt được thỏa thuận thương mại tự do. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson, ông James Slack nói rằng, EU đang đòi hỏi những cam kết “nặng nề” từ Vương quốc Anh. Theo người phát ngôn James Slack, Thủ tướng Johnson và các bộ trưởng đã nhất trí về cách tiếp cận của nước này trong đàm phán thương mại với EU, theo đó sẽ đảm bảo sự độc lập của Anh về kinh tế cũng như chính trị và dựa trên trên các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) hiện hành giữa EU và các nước khác. Ông nhấn mạnh, Anh sẽ không chấp nhận bất kỳ yêu cầu nào về việc tuân theo các quy tắc của EU, giống như việc nước này không mong đợi EU chấp nhận luật pháp của mình.
Với những quan điểm có phần trái ngược của cả hai bên, các nhà quan sát nhận định các cuộc đàm phán thương mại thời hậu Brexit vẫn có rủi ro dẫn đến khả năng nước Anh sẽ ra đi trong hỗn loạn và không có bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với EU. Điều này sẽ khiến hoạt động kinh doanh tại khu vực này trở nên tốn kém và khó lường hơn.
Theo một giai đoạn chuyển tiếp đã được thống nhất, nước Anh phải tuân thủ các quy tắc của EU cho đến ngày 31/12. Song nước Anh đã từ chối tuân thủ các quy tắc của EU, viện dẫn lý lẽ rằng việc nước này được tách khỏi những quy tắc trên là một nguyên nhân chính của Brexit.
Trong khi đó, EU có quan điểm rằng, nếu Anh muốn một thỏa thuận thương mại tốt nhất có thể, họ sẽ phải tuân thủ nhiều quy tắc khác nhau, từ các khoản hỗ trợ của chính phủ đến tiêu chuẩn môi trường và cho phép các tàu đánh cá của EU khai thác trên vùng biển nước này.
Vấn đề về thời gian biểu cho đàm phán cũng khiến giới quan sát lo ngại. Thời gian chuyển tiếp vốn có thể được kéo dài thêm tối đa hai năm. Nhưng Thủ tướng Johnson tuyên bố, thời gian chuyển tiếp chỉ kéo dài đến cuối năm nay để nước Anh rời khỏi thị trường chung và liên minh hải quan của EU. Với việc ông Johnson từ chối kéo dài thời gian chuyển tiếp, quỹ thời gian để đàm phán là rất hạn chế vì hầu hết các thỏa thuận thương mại thường phải mất nhiều năm để hoàn tất./.
Sau giờ phút chia tay, Anh và EU lại “đụng độ không khoan nhượng”
Dư luận báo chí Anh và EU về ngày Brexit
Anh và EU đạt thỏa thuận đột phá về Brexit
Từ khóa: Anh, EU, đàm phán thương mại, Brexit, giai đoạn chuyển tiếp
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN