Anh-Pháp bắt tay tìm giải pháp ứng phó “kế hoạch Ukraine” của ông Trump

Cập nhật: 1 ngày trước

VOV.VN - Thủ tướng Anh Keir Starmer đang có chuyến thăm Pháp dự lễ kỷ niệm Ngày đình chiến ở Paris. Chuyến công du được cho là nhằm thể hiện sự đoàn kết của châu Âu – chỉ vài ngày sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ.

Theo giới quan sát, chuyến thăm của Thủ tướng Anh Keir Starmer tới Pháp được đánh giá là cơ hội quan trọng đối với Pháp và Anh - hai cường quốc châu Âu hàng đầu của NATO, trong bối cảnh nhiều câu hỏi đang đặt ra về cách ứng xử của ông Donald Trump dành cho liên minh xuyên Đại Tây Dương cũng như Ukraine khi trở lại Nhà Trắng.

Lý do Anh-Pháp tìm đến nhau

Kết quả bầu cử Mỹ có ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình chính trị ở châu Âu. Các nguyên thủ quốc gia đã đặt gia nhiều giả thuyết và khi có tình huống cụ thể, bây giờ là lúc triển khai.

Trên thực tế, các nhà lãnh đạo Anh và Pháp đã thống nhất được với nhau về các tình huống có thể xảy ra. Mối quan hệ giữa London và Paris đã được cải thiện nhiều kể từ khi ông Keir Starmer lên nhậm chức. Các vấn đề bất đồng đã phần nào được đả thông. Chuyến thăm Pháp gần đây của Tân Thủ tướng Anh mang ý nghĩa khẳng định lại những gì mà nguyên thủ song phương đã bàn trước đó.

Tuy nhiên, vấn đề của Anh và Pháp không chỉ gói gọn trong công cuộc ủng hộ Ukraine mà còn liên quan đến các vấn đề an ninh, kinh tế của toàn bộ châu Âu, nhất là trong bối cảnh chính trường Đức đang gặp nhiều khó khăn và chủ nghĩa bảo hộ có thể trở lại với nước Mỹ.

Trước tình hình tương lai đầu tầu châu Âu chưa được xác đinh, 2 nguyên thủ Anh và Pháp buộc phải đứng ra để đề xuất và dẫn dắt châu Âu tiếp tục đi đúng hướng. Bởi không chỉ về vấn đề kinh tế, mà vấn đề an ninh của châu Âu, liên quan đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương hiện cũng chưa được xác định.

Việc củng cố châu Âu, qua đó tạo tiền đền cho việc phát triển mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang là ưu tiên hàng đầu của 2 nhà lãnh đạo. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã chủ động đến thăm Pháp để tạo niềm tin vững chắc cho tương lai của toàn bộ lục địa già. Vấn đề Ukraine chỉ là một góc trong bức tranh tổng thể của toàn châu Âu.

Bảo vệ sườn phía Đông châu Âu

Ngay sau khi biết tin ông Donald Trump thắng cử và nhiều khả năng Mỹ sẽ cắt giảm hỗ trợ cho Ukraine. Cả Tổng thống Pháp Macron lẫn Thủ tướng Anh Starmer đều nhận thức được thời gian giành cho Kiev đã không còn nhiều.

Các nguồn tin từ Chính phủ Anh cho biết họ đang nỗ lực tận dụng thời gian còn lại trước khi chính quyền mới của Mỹ nhậm chức. Trong chuyến thăm Pháp lần này, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang lên kế hoạch vận động Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Đây được coi là một trong những “nỗ lực cuối cùng” của 2 nhà lãnh đạo nhằm cứu vãn tình thế vào tạo tiền đề cho tương lai của Kiev.

Trước đó, Ukraine tuyên bố rằng họ có thể lật ngược tình thế trên chiến trường bằng cách tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga bằng vũ khí tầm xa của phương Tây. Dù vậy, các chuyên gia địa bàn vẫn gữi nguyên quan điểm, bất chấp những nỗ lực của Kiev khi cố gắng phóng hàng chục máy bay không người lái cảm tử vào Moscow, Ukraine không gây ra thiệt hại nào đáng kể cho phía Nga. Và kể cả khi sử dụng các vũ khí tầm xa của phương Tây, kết quả vẫn sẽ hết sức giới hạn, chỉ đủ để Kiev có thêm chút lợi thế trên bàn đàm phán với Nga trong thời gian tới.

Tuy nhiên, quyết định này của ông Macron và ông Starmer cũng sẽ đẩy châu Âu vào thế căng thẳng với Washington, khi ông Trump có thể xem đây là nỗ lực phá hoại chính sách đối ngoại của Mỹ. Thế nên, cả Anh và Pháp sẽ cần cân nhắc cẩn thận trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Mối quan hệ xuyên Đại Tây dương vốn đã gặp nhiều “trắc trở” trong nhiệm kỳ trước của ông Trump, nay lại bắt đầu với những chính sách không đồng thuận từ hai phía. Các chuyên gia vẫn khẳng định một khởi đầu thống nhất về quan điểm sẽ giúp mối quan hệ xuyên lục địa “thuận lợi hơn” trong thời gian 4 năm tới. 

Phản ứng về kịch bản lập vùng đệm giữa Nga-Ukraine

Hiện nay nhiều nguồn tin đang nhắc tới một kịch bản ông Trump đề xuất thiết lập một “vùng đệm phi quân sự” dọc theo tiền tuyến hiện tại giữa Nga và Ukraine dài hơn 1.200km và được lực lượng của Anh và EU đảm bảo an ninh. Tiếp đó là các bước đàm phán kèm theo các điều kiện khả thi hơn trước để hai bên có thể nhượng bộ.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, kịch bản thiết lập một “vùng đệm phi quân sự” dọc theo tiền tuyến hiện tại giữa Nga và Ukraine không phải là một biện pháp khả thi.

Đầu tiên, phương án này đồng nghĩa với việc EU thừa nhận Ukraine là một phần của Liên minh, bởi đến thời điểm hiện tại, EU chỉ có thể triển khai quân sự trong trường hợp một thành viên của khối bị “đe dọa”. Trong bối cảnh Ukraine mới chỉ bắt đầu quá trình đàm phán để gia nhập Khối, việc triển khai quân đội sẽ khiến nhiều thành viên Liên minh, trong đó có Hungary kịch liệt phản đối.  

Thêm vào đó, điều này đồng nghĩa với việc đẩy EU đương đầu trực tiếp với Nga, dấy lên nguy cơ căng thẳng leo thang, từ một cuộc xung đột giữa hai quốc gia thành một cuộc chiến ở quy mô lục địa. Chưa kể đến, hiện Khối 27 vẫn chưa có những quy định hay điều lệ cho phép triển khai quân sự trong tình huống cụ thể này. Việc thống nhất quan điểm sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức. Dù kết quả có ra sao đi chăng nữa thì tình hình thực tế của Ukraine cũng không đảm bảo đủ thời gian để triển khai các biện pháp tiếp theo. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chuẩn bị bước sang năm thứ 4 và tình hình thực thế đang cực kỳ khó khăn cho Kiev.

Cả châu Âu lẫn Ukraine hiện đang trông chờ vào sự giúp đỡ của Washington, và theo những gì đang diễn biến, kịch bản về việc cắt giảm hỗ trợ quân sự từ phía Mỹ sẽ xảy ra. Thế nên, điều lý tưởng lúc này đó là Kiev và Moscow có thể cùng ngồi vào bàn đàm phán, trước sự bảo lãnh của Washington, để cùng tìm ra một giải pháp chung có lợi cho song phương.

Tất cả các kịch bản kéo theo sự tham dự của EU hay NATO đều sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ và tăng cao nguy cơ mất kiểm soát, nhất là trong bối cảnh tình hình Trung Đông ngày một phức tạp với nhiều diễn biến khó lường.

Từ khóa: Trump, Anh, Pháp, kế hoạch Ukraine, vùng đệm giữa Nga-Ukraine

Thể loại: Thế giới

Tác giả: anh tuấn/vov-paris

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập