Anh muốn giảm căng thẳng, ra điều kiện thả tàu chở dầu của Iran
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt thông báo tàu chở dầu của Iran bị Anh bắt giữ ngoài khơi vùng lãnh thổ Gibraltar cách đây 10 ngày có thể được thả.
Trong một nỗ lực nhằm giảm căng thẳng giữa Anh và Iran tại khu vực vùng Vịnh, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt, ứng viên chạy đua chức Thủ tướng thay thế bà Theresa May, thông báo tàu chở dầu của Iran bị Anh bắt giữ ngoài khơi vùng lãnh thổGibraltar cách đây 10 ngàycó thể được thả nếu Tehran đưa ra cam kết chủ sở hữu của chiếc tàu này từ bỏ kế hoạch chở dầu mỏ tới Syria.
Ngoại trưởng Jeremy Hunt. Ảnh: Sputnik. |
Tờ Guardian dẫn lời Ngoại trưởng Jeremy Hunt ngày 15/7 cho biết, căng thẳng leo thang tại Trung Đông và thất bại trong việc thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran có thể gây ra “mối đe dọa hiện hữu” cho nhân loại. Theo tờ báo này, trước thềm một hội nghị của Liên minh Châu Âu tại Brussels, ông Jeremy Hunt sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận hạt nhân mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút khỏi vào tháng 5/2018.
Guardian cho biết, Ngoại trưởng Jeremy Hunt nói rằng: “Khu vực Trung Đông là một trong những khu vực bất ổn nhất trên thế giới, nhưng nếu các bên liên quan khác nhau được trang bị vũ khí hạt nhân thì điều này sẽ tạo ra một mối đe dọa hiện hữu cho nhân loại. Tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn điều đó xảy ra. Tôi sẽ xây dựng vai trò dẫn đầu của Anh, phối hợp với Pháp và Đức khi chúng tôi thực thi những công việc cần thiết để duy trì thỏa thuận hạt nhân và nỗ lực làm việc nhằm khuyến khích Iran tuân thủ thỏa thuận này”.
Liên quan đến việc bắt giữ tàu chở dầu của Iran tại Gibraltar, ông Jeremy Hunt cho biết thêm: “Như tôi đã nói với người Iran hồi cuối tuần qua, việc bắt giữ tàu Grace 1 của Iran, là sự thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên minh Châu Âu đối với Syria. Hành động này phải được thực hiện”.
Trước đó, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif hôm 13/7, ông Jeremy Hunt đã nỗ lực hạ nhiệt tình hình căng thẳng giữa Anh và Iran tại vùng Vịnh đồng thời tuyên bố tàu chở dầu của Iran sẽ được thả nếu có sự đảm bảo từ phía Tehran rằng nó sẽ không tới Syria.
Sau cuộc điện đàm với ông Jeremy Hunt, Ngoại trưởng Javad Zarif khẳng định Iran nên được cho phép bán dầu mỏ tới bất cứ quốc gia nào mà họ muốn, đồng thời nhấn mạnh việc Anh bắt giữ tàu dầu Grace 1 “không gì khác là hành động cướp bóc”, bởi các nguồn tin từ chính phủ Iran khẳng định, chiếc tàu này không tới Syria.
Ba quốc gia Châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran gồm Anh, Đức, Pháp đã ban hành một tuyên bố chung trước hội nghị của Liên minh Châu Âu, hối thúc Iran tuân thủ thỏa thuận. Tuyên bố này cũng đề cập những rủi ro đối với tất cả các bên liên quan, khẳng định rằng đã đến lúc phải hành động có trách nhiệm.
“Chúng tôi lo ngại nguy cơ thỏa thuận hạt nhân sẽ bị xói mòn hơn nữa dưới ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt do Mỹ áp đặt và sau khi Iran quyết định không còn thực thi một số điều khoản trung tâm của thỏa thuận này”, tuyên bố có đoạn.
Về phần mình, Iran nói với Châu Âu rằng nước này sẽ không thay đổi quyết định tăng cường làm giàu uranivượt quá hạn mức quy định trong thỏa thuận hạt nhân 2015, cho đến khi nào Tehran đạt được “toàn bộ quyền hạn” trong quan hệ kinh tế với EU theo thỏa thuận.
Trong bài phát biểu trên kênh truyền hình hôm 14/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tái khẳng định lập trường của quốc gia này: “Chúng tôi vẫn tin tưởng vào các cuộc đối thoại…nếu họ dỡ bỏ trừng phạt, chấm dứt gây sức ép về kinh tế và quay trở lại thỏa thuận”.
Ông Rouhani cũng cảnh báo, Anh phải đối mặt với những hậu quả chưa lường trước vì việc bắt giữ tàu chở dầu của Iran./.
Từ khóa: Anh, Iran, tàu chở dầu, Anh ra điều kiện thả tàu chở dầu Iran, lãnh thổ Gibraltar,
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN