Anh cử tàu chiến tới vùng Vịnh để cùng Mỹ chống lại Iran?
Cập nhật: 25/09/2019
Nhật Bản: Cháy rừng tại Yamanashi tiếp tục lan rộng ngày thứ ba liên tiếp (20/1/2025)
Bạo lực tại Seoul gây thiệt hại nặng nề cho tòa án Hàn Quốc (20/1/2025)
VOV.VN - Anh cử tàu chiến HMS Kent tới Vịnh Ba Tư ngày 12/8 để tham gia vào sáng kiến của Mỹ nhằm đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền đi lại ở khu vực này.
Mỹ đã đề xuất thành lập một liên minh quốc tế nhằm đảm bảo an ninh hàng hải trên Vịnh Ba Tư giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran ngày càng phức tạp và những sự cố tàu thuyền trên vùng Vịnh liên tục xảy ra. Anh - một đồng minh của Washington đã cử tàu chiến HMS Kent tới Vịnh Ba Tư ngày 12/8, tham gia vào Sứ mệnh An ninh Hàng hải do Mỹ dẫn đầu.
Anh cử tàu chiến tới vùng Vịnh. Ảnh: AP |
Theo đó, Hải quân Hoàng gia Anh sẽ hợp tác cùng Hải quân Mỹ trong nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các tàu thương mại đi qua Eo biển Hormuzz khi mà căng thẳng giữa Washington và Tehran ngày càng leo thang.
"Trọng tâm của chúng tôi tại vùng Vịnh là giảm leo thang căng thẳng trong tình hình hiện tại. Chúng tôi cam kết sẽ bảo vệ sự tự do hàng hải và sự di chuyển quốc tế qua khu vực này. Đó là mục tiêu mà các hoạt động của chúng tôi hướng tới", Andy Brown, chỉ huy tàu HMS Kent khẳng định.
Tàu chiến Kent được cử tới để hỗ trợ thêm cho tàu Duncan của Anh đã hoạt động trong khu vực này từ trước.
Ngày 5/8, Anh đã tham gia vào sứ mệnh hộ tống tàu chở dầu của Mỹ, tuy nhiên, các quan chức Anh nhấn mạnh, London sẽ không thay đổi chính sách với Tehran và động thái trên không đồng nghĩa với việc Anh sẽ tham gia cùng Mỹ trừng phạt Iran.
"Đảm bảo tự do cho tất cả tàu thuyền quốc tế đi lại trên Eo biển Hormuz mà không bị gián đoạn là điều cần thiết. Việc điều Hải quân Hoàng gia tới đây là một dấu hiệu cho cam kết của chúng tôi với những tàu thuyền treo cờ Anh và chúng tôi mong rằng có thể hợp tác với Mỹ cũng như các nước khác tìm ra giải pháp cho các vấn đề trên Eo biển Hormuz", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết.
Dù vậy, ông Wallace cũng khẳng định: "Hướng tiếp cận của chúng tôi với Iran không thay đổi. Chúng tôi vẫn giữ nguyên cam kết hợp tác với Iran và các đối tác quốc tế nhằm làm giảm căng thẳng và duy trì thỏa thuận hạt nhân". Bộ Quốc phòng Mỹ hoan nghênh quyết định của Anh,
Giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran có nguy cơ khiến vùng Vịnh trở nên bất ổn, Washington đề nghị thành lập một liên minh quốc tế nhằm đảm bảo an ninh hàng hải trong khu vực, đồng thời mời một số nước châu Âu như Đức, Pháp và Anh cùng với một số quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia cùng tham gia.
Khi Mỹ chính thức đưa ra đề nghị này với Đức, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã tuyên bố Đức coi "những nỗ lực ngoại giao làm giảm căng thẳng" là một ưu tiên. Do đó, "tham gia vào chiến lược gây sức ép tối đa của Mỹ là điều không thể xảy ra".
Một số nghĩ sĩ trong cả đảng SPD và đảng CDU của Thủ tướng Angela Merkel đều bác bỏ việc tham gia này.
Các động thái này diễn ra sau khi lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của Iran (IRGC) bắt 1 tàu chở dầu của Anh là Stena Impero gần Eo biển Hormuzz với cáo buộc vi phạm các quy định hàng hải quốc tế. Vụ việc xảy ra sau khi Anh bắt 1 tàu chở dầu của Iran là Grace 1 gần Gibraltar ngày 4/7 trước đó với cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt của EU với Syria.
Căng thẳng Mỹ - Iran bùng phát năm 2018 khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Tehran,
Ngày 8/5/2019, Iran thông báo sẽ dừng một số cam kết trong thỏa thuận này. Đáp lại, Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Trung Đông trong cái mà Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton gọi là "một thông điệp rõ ràng gửi tới chính phủ Iran" qua việc cử tàu chiến, tên lửa Patriot, máy bay ném bom B-52 và các chiến đấu cơ F-15 tới khu vực này./.
Mỹ-Iran căng thẳng tới cao trào, song khó chiến tranh?
Từ khóa: Anh cử tàu chiến tới vùng Vịnh, Eo biển Hormuz, Vịnh Ba Tư, Hải quân Hoàng gia Anh, chống lại Iran
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN