Ảnh: Chuyện tình cổ tích của vợ chồng cụ ông U90 sống trên sông Hồng
Cập nhật: 25/09/2019
Thành đoàn Cần Thơ kể chuyện truyền thống “Ngòi pháo chín tháng giêng”
VOV đang nỗ lực thực hiện chủ trương tinh gọn theo đúng lộ trình
VOV.VN -"Ông ấy có thể sống thiếu tôi nhưng tôi không thể sống không có ông ấy, tôi chỉ mong ông trời thương cho ông ấy luôn mạnh khỏe", vợ ông Thành chia sẻ.
Khu tập thể dục của một câu lạc bộ cựu chiến binh ở xóm Phao, xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, Hà Nội là nơi ở của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thành (83 tuổi, quê Thanh Hóa) - người được mệnh danh là "kẻ cướp cơm của Hà Bá" khi vớt hàng trăm thi thể người chết đuối trên sông Hồng. Ngôi nhà nổi lụp xụp, chắp vá dưới chân cầu Long Biên là trốn cư ngụ của ông Thành và vợ là bà Nguyễn Thị Thủy (82 tuổi, quê Thái Bình) suốt nhiều năm nay.
"Khoảng hơn chục năm về trước, vợ chồng tôi chuyển đến đây sinh sống trong chiếc bè lợp mái lá. Sống ở đây, tôi thấy có xác người trôi dạt trên sông Hồng nên tôi ra đưa họ vào bờ và báo chính quyền. Nhiều xác chết thối rữa nhưng tôi không ngại vì mình làm bằng cái tâm nên không sợ gì cả", ông Thành chia sẻ. Không chỉ vớt xác người chết, ông Thành còn nhiều lần cứu những người nhảy cầu tự tử và sau này họ coi ông là ân nhân.
"Ngày 26/9/1965 là một ngày ý nghĩa của cuộc đời tôi, khi tôi gặp bà Thủy đang nhặt gạo rơi vãi ở sân ga mang về nấu ăn. Sau đó, chúng tôi trò chuyện và bà ấy đồng ý về chung sống với tôi mà không có giấy tờ kết hôn hay đám cưới linh đình. Sau đó, tôi đi xăm ngày tháng quan trọng của cuộc đời mình lên cánh tay", ông Thành giơ cánh tay xăm hình và mỉm cười khi kể về cái ngày định mệnh của hai vợ chồng.
Những năm tháng lang bạt kiếm sống, hai vợ chồng ông Thành không có một mái nhà riêng để che nắng, che mưa, tối đến họ lại vạ vật dưới gầm cầu, nhà ga... Tuy nhiên, ông trời thương nên cho họ luôn có sức khỏe và hạnh phúc. "Chúng tôi sống trong thiếu thốn, đói nghèo nhưng chả bao giờ ốm đau. Hai vợ chồng sống với nhau dù không có con cái nhưng ông ấy vẫn luôn quan tâm, chăm sóc tôi đến tận bây giờ", bà Thủy tâm sự về chồng.
Ông Thành vui vẻ xách 2 cốc chè về nhà, rồi gọi bà Thủy ra dùng bữa trưa. Khi được hỏi "Bà có còn yêu ông không?", bà Thủy cười to, nhìn chồng trìu mến và nói "Yêu gì ông ấy, vừa xấu vừa già".
Ông Thành cho biết, mỗi khi đi ra khỏi nhà, ông phải đóng kín hết cửa vì sợ bà loạng choạng rồi lại ngã xuống sông. "Buổi tối tôi đạp xe đi nhặt phế liệu từ 20h tối đến 2h sáng hôm sau. Trước khi đi, tôi phải đóng kín hết các cửa sổ và khóa trái cửa vì sợ bà ấy loạng choạng ngã xuống sông thì khổ", ông Thành chia sẻ và cho biết mỗi tối ông kiếm được khoảng 20-30 nghìn đồng từ việc nhặt phế liệu. Ngoài ra, hai vợ chồng ông bà cũng được các nhà hảo tâm giúp đỡ, khi thì cho tiền khi lại cho gạo.
Gắn bó với nhau đến nay cũng khoảng 50 năm nhưng họ chưa bao giờ cãi nhau hay giận dỗi dù cuộc sống luôn thiếu thốn. "Tôi cũng không hiểu bọn trẻ sao giờ chúng cưới nhau, có nhà cửa tiện nghi đầy đủ, rồi có con cái với nhau nhưng chỉ được một thời gian là lại ly thân, ly hôn", ông Thành chia sẻ.
Ông Thành vừa đấu dây điện để thắp sáng bóng đèn vừa kể: "Vợ chồng tôi được đoàn từ thiện tài trợ bình ắc quy và pin năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, khi tôi vắng nhà, kẻ xấu liền vào trộm bình ắc quy làm cuộc sống của hai vợ chồng phải sống trong bóng tối".
Chiếc đài chạy bằng pin này cũng là của một đoàn từ thiện tặng ông Thành để nghe tin tức.
Cành hoa mai cùng chú chim nhỏ được các bạn sinh viên tình nguyện làm tặng vợ chồng ông Thành vào dịp Tết Nguyên đán.
Mọi sinh hoạt cá nhân của hai người già từ ăn ngủ, nấu nướng cho đến tắm giặt đều diễn ra trên chiếc bè rộng khoảng hơn chục mét vuông này.
Hai vợ chồng ông Thành có sở thích là hút thuốc lào, khi thấy vợ muốn làm bi thuốc cho thư giãn, ông Thành liền châm lửa giúp vợ vì gió ở sông thổi vào rất mạnh. "Ông ấy có thể sống thiếu tôi nhưng tôi không thể sống không có ông ấy. Tôi chỉ mong ông trời thương cho ông Thành luôn mạnh khỏe, còn tôi ra đi trước thì tôi mới an lòng", bà Thủy trải lòng.
Từ khóa: chuyện tình cổ tích, người cướp cơm hà bá, sông hồng, vợ chồng già,
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN