VOV.VN - Bồn bồn ngày nay đang là “cây kinh tế” của một bộ phận người dân Cà Mau. Trước đây, bồn bồn chủ yếu được dùng làm dưa nay bồn bồn còn được chế biến thành chè.
Bồn bồn là loại rau sạch được ưa chuộng ở Cà Mau. Chúng có sức sống dẻo dai, phát triển tốt cả ở đất nhiễm mặn, phèn nên người trồng không cần dùng thuốc trừ sâu
Những năm gần đây, một bộ phận người dân tại vùng đất rừng U Minh hạ trồng lúa không hiệu quả đã chuyển qua trồng bồn bồn. Mỗi ha bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng cho thu nhập cao gấp 3 - 5 lần trồng lúa
Tuy nhiên, vùng đất giúp thương hiệu bồn bồn Cà Mau được biết đến rộng rãi là huyện Cái Nước - địa phương trồng bồn bồn nhiều nhất tỉnh
Sản phẩm bồn bồn Cái Nước, Cà Mau được Cục Sở hữu - Trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ công nhận nhãn hiệu tập thể vào năm 2017
Bồn bồn được trồng để thu hoạch lấy thân non. Chúng thường được dùng để ăn lẩu, xào, đặc biệt tại Cà Mau rất phổ biến món dưa bồn bồn
Người dân Cái Nước còn chế biến ra những món ăn khác từ “cây kinh tế” của mình. Gần đây, xuất hiện món chè bồn bồn độc lạ được khá nhiều người ưa thích
Chị Phạm Thị Dung (ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước) là người đầu tiên chế biến ra món chè bồn bồn
Chị Dung có cửa hàng kinh doanh các sản phẩm bồn bồn.
Chị đã thử dùng bồn bồn nấu chè để tăng giá trị kinh tế của chúng
Thân bồn bồn chỉ được cắt lấy những khúc non, ngâm muối, ướp qua các màu sắc được làm từ lá dứa, lá cẩm, gấc… Sau đó, bồn bồn được lăn lớp bột trước khi cho vào nấu chè
Chè được nấu theo cách thông thường, trong chè có thêm đậu xanh, hạt sen nhưng bồn bồn đã sơ chế vẫn là thành phần chính
Chè bồn bồn có vị ngọt của đường phèn, béo của nước cốt dừa, bùi của hạt sen, đậu xanh và những “viên bồn bồn” giòn giòn, quyện lại với nhau
Món chè bồn bồn đủ màu sắc, bắt mắt và ăn sựt sựt đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Hiện chị Dung còn bảo quản lạnh và bán chè bồn bồn online đi nhiều nơi
Bồn bồn trước đây là loài cây dại nhưng theo thời gian đã dần trở thành “cây kinh tế”
của một bộ phận người dân Cà Mau
Từ khóa: bồn bồn, bồn bồn, cây kinh tế, thu lãi, chế biến, cà mau