Ấn tượng những quần thể tâm linh trên núi cao khắp thế giới
Cập nhật: 23/03/2021
Bắc Ninh ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm dịp Tết
Giá vàng hôm nay 23/1: Vàng miếng và vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh
VOV.VN - Những công trình kiến trúc tâm linh không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà còn là minh chứng lịch sử cho “kỳ tích” chinh phục thiên nhiên của con người.
Toạ lạc ở địa thế hiểm trở, trên những đỉnh núi có độ cao từ 3.000m so với mặt nước biển, những công trình kiến trúc tâm linh này không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà còn là minh chứng lịch sử cho “kỳ tích” chinh phục thiên nhiên của con người.
Quần thể tâm linh trên núi Nga Mi (Tứ Xuyên, Trung Quốc)
Núi Nga Mi (còn gọi Đại Quang Minh sơn) nằm ở tỉnh Tứ Xuyên, là một trong 4 ngọn núi Phật giáo thiêng liêng nhất Trung Quốc. Đỉnh cao nhất của Nga Mi sơn là Vạn Phật, cao 3.099 m.
Trải dài từ chân núi đến Đỉnh Vạn Phật, quần thể tâm linh núi Nga Mi gồm khoảng 26 ngôi chùa và miếu, trong đó Kim Đỉnh - nơi toạ lạc tượng Phật vàng Phổ Hiền Bồ Tát ở độ cao 3.079m được coi là biểu tượng của núi Nga Mi. Tượng Phật bằng đồng mạ 20 kg vàng cao 48m với 4 mặt hướng 10 phương, tự tại trên đài sen, cưỡi trên 4 con voi lớn, dõi ánh mắt từ bi xuống nhân gian, phổ độ chúng sinh.
Ứng với câu nói “Nơi có Phật Phổ Hiền, vạn Phật ở xung quanh”, chùa Vạn Phật cao 21m với quả chuông lớn treo trang trọng trên mái chùa đã được xây dựng trên Đỉnh Vạn Phật. Tương truyền rằng du khách và Phật tử hướng sang Kim Đỉnh cầu nguyện Phật Phổ Hiền, và đánh chuông ở chùa Vạn Phật thì sẽ được sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.
Từ trên đỉnh cao này, du khách còn có thể tận mắt chứng kiến 4 hiện tượng thiên nhiên kỳ thú mang màu sắc tâm linh huyền hoặc gồm Nhật xuất (mặt trời mọc), Vân hải (biển mây), Phật quang (hào quang của Phật) và Thánh đăng (đèn Thánh). Trong đó Thánh đăng là hiện tượng kì bí nhất khi vào mỗi đêm tối không trăng xuất hiện hàng vạn chấm tròn sáng màu xanh lục nhấp nháy như những chòm sao dày đặc.
Không chỉ là “thế gian đệ nhất cảnh”, núi Nga Mi với quần thể tâm linh có giá trị quan trọng về lịch sử và tôn giáo đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1996.
Quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan (Sa Pa, Việt Nam)
Nằm trên “Nóc nhà Đông Dương”, ở độ cao hơn 3000m, quần thể tâm linh Fansipan tại Sa Pa, Việt Nam cũng là một trong những thiền môn có cao độ lớn nhất thế giới.
Quần thể gồm 12 công trình tâm linh mang dáng dấp những ngôi chùa Việt cổ Bắc Bộ từ thế kỷ 15-16, trong đó nổi bật nhất là Đại tượng Phật A Di Đà cao 21,5m ngự trên đài sen, được làm từ hàng vạn miếng đồng mỏng 5mm ốp trên một khung sắt có thể tích khoảng 1000m3.
Từ chốn thiền tịnh trên đỉnh Fansipan, du khách và Phật tử cũng sẽ được chiêm ngưỡng những hiện tượng thiên nhiên vi diệu như Nhật xuất, Vân hải và Phật quang. Đặc biệt, hiện tượng Phật quang thường xuyên xuất hiện tại khu vực Đại tượng Phật A di Đà và toà Bảo tháp 11 tầng trước Kim Sơn Bảo Thắng Tự, được cho là đem lại nhiều may mắn cho những ai có may mắn nhìn thấy.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã từng nhận xét: Quần thể tâm linh Fansipan toạ lạc ngay trên đại huyệt mạch của quốc gia, suối nguồn linh khí dân tộc, có khả năng khơi dậy nguồn tâm linh dồi dào, đem đến sự an lạc cho tất cả mọi người. Đỉnh Fansipan cũng được những nhà nghiên cứu phong thuỷ thế giới coi là một trong những điểm mốc trên ĐƯỜNG KINH MẠCH LINH THIÊNG trông giống hình con Rồng lớn, đi từ “Nóc nhà Thế giới” đến Vịnh Mindanao – Philippines.
Từ khi đi vào hoạt động năm 2018, quần thể tâm linh Fansipan đã trở thành nơi hành hương, chiêm bái cầu an, cầu tài của hàng triệu du khách trong và ngoài nước mỗi năm. Nhiều hoạt động Phật sự lớn như đại lễ cầu an, đại lễ Phật đản Vesak cũng được tổ chức tại đây. Trong hai năm liên tiếp 2019, 2020, nơi đây đã được giải thưởng Du lịch thế giới- World Travel Awards vinh danh là “Điểm du lịch văn hoá hàng đầu thế giới”.
Thiền viện Paro Taktsang (Bhutan)
Bhutan là một đất nước Phật giáo tập trung khá nhiều các công trình kiến trúc đặc trưng, nhưng nổi tiếng nhất là Thiền viện Paro Taktsang, nơi gắn liền với quá trình tu tập và hành đạo của ngài Kim cương Thượng sư Liên Hoa Sinh.
Thiền viện nằm ở độ cao hơn 3.120m, cheo leo trên một vách núi đá nhìn xuống thung lũng Paro với 4 ngôi đền chính và 4 phía đều được trang trí các bức bích họa miêu tả Đức Phật, các vị á thần chiến đấu với quỷ, tạo cảm giác về sự vĩ đại của đạo Phật. Theo truyền thuyết, Kim cương Thượng sư Liên Hoa Sinh - người được dân Bhutan gọi là đức Phật, đã cưỡi hổ bay đến thiền định 3 năm trước khi truyền bá đạo Phật vào Bhutan. Thế nên thiền viện này còn có tên gọi khác là Hổ Huyệt Tự (tức nơi hổ ẩn náu) và được coi là chốn linh thiêng bậc nhất của vương quốc Bhutan.
Thiền viện được xây dựng năm 1962, đến năm 1998, một biến cố xảy ra đã khiến Paro Taktsang bị thiêu rụi trong một đám cháy. Phải mất 7 năm, thiền viện mới được phục hồi trở lại như xưa với sự đóng góp bằng hiện vật, tài chính và công sức của gần như mọi người dân vương quốc Bhutan.
Để đến được thiền viện, bạn sẽ mất khoảng hai tiếng leo núi qua những rừng thông xanh bạt ngàn. Thiền viện linh thiêng này cũng là một trong những Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.
Thiền viện Key Gompa (Ấn Độ)
Key Gompa ngự tọa ở độ cao 4.166m so với mực nước biển, nằm trong thung lũng Spiti của tiểu bang Himachal Pradesh, Ấn Độ. Ở vị trí gần như biệt lập với thế giới văn minh, đây là nơi tu luyện và học tập của hơn 300 tu sĩ Phật giáo Tây Tạng.
Thiền viện có tuổi đời ít nhất 1000 năm, được thành lập bởi Dromtön - một học trò của vị đạo sư nổi tiếng Atisha Thế kỷ XI. Key Gompa đã không ít lần bị tàn phá bởi quân đội Mông Cổ, các trận hỏa hoạn và động đất, dẫn đến thiền viện phải thường xuyên đổi mới và xây dựng lại, không còn giữ được cấu trúc ban đầu. Ngày nay, thiền viện trông như một pháo đài với các toà nhà chồng lên nhau, sở hữu những hành lang nhỏ hẹp, kết cấu không theo một thiết kế đồng nhất.
Các bức tường được trang trí bằng tranh thangka là điểm nhấn ấn tượng nhất của Key Gompa. Bên cạnh đó còn có một bộ sưu tập vũ khí mà có lẽ đã được sử dụng để bảo vệ thiền viện khỏi những kẻ tấn công. Thiền viện cũng còn lưu giữ rất nhiều nhạc cụ cổ, vẫn được sử dụng trong những hoạt động tâm linh, dịp lễ lớn. Năm 2000, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến đây dự lễ kỷ niệm thiên niên kỷ của thiền viện./.
Từ khóa: Gun Group, tâm linh, công trình phật giáo, chinh phục thiên nhiên, thiền viện
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN