An Giang lấy hợp tác xã làm nòng cốt liên kết sản xuất cây ăn trái xuất khẩu

Cập nhật: 24/09/2024

VOV.VN - Ngày 24/9, UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị "Liên kết và Xúc tiến, tiêu thụ cây ăn trái tỉnh An Giang 2024".

Đây là dịp để đánh giá tiềm năng, lợi thế cũng như thực trạng sản xuất và định hướng phát triển lĩnh vực cây ăn trái tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030; đồng thời cũng để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác liên kết từ cung ứng vật tư đầu vào chất lượng đến tổ chức sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. 

Theo UBND tỉnh An Giang, hiện nay, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh An Giang khoảng 20.00ha, với tổng sản lượng cả năm ước đạt hơn 350.000 tấn và đã được Bộ NN-PTNT cấp 446 mã số vùng trồng xuất khẩu. Trong đó, chủ lực gồm: hơn 225.000 tấn xoài, 14.000 tấn chuối, 2.500 tấn nhãn, 11.000 tấn cây có múi, 3.600 tấn sầu riêng và 22.500 tấn mít. Ngành nông nghiệp đã hỗ trợ hình thành nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung, hỗ trợ cấp hơn 500 mã số vùng trồng nội địa và xuất khẩu sang các thị trường: Hoa Kỳ, New Zealand, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, số lượng xuất khẩu của địa phương này vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng.

Theo đánh giá tại Hội nghị này, thời gian qua, việc sản xuất cây ăn trái liên tục tăng trưởng về diện tích, sản lượng. Đặc biệt, bên cạnh thị trường truyền thống là Trung Quốc, cũng là thị trường lớn nhất; nhiều loại trái cây nước ta đã thâm nhập được vào các thị trường lớn, khó tính khác như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU... với với giá trị xuất khẩu vượt trên 100 triệu USD/thị trường trong năm 2023.

Các đại biểu cho rằng, trước mắt An Giang cần phải tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả lớn, tập trung. Ưu tiên phát triển một số cây ăn quả có lợi thế, có thị trường tiêu thụ và khả năng chế biến tốt như xoài (12.300ha), mít (2.400ha), sầu riêng (850ha)...

Triển khai sản xuất cây trái rải vụ, tránh  thu hoạch tập trung chính vụ với sản lượng lớn khó khăn trong tiêu thụ, phát triển nhanh các vùng sản xuất an toàn được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP...được cấp mã số vùng trồng. Áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản sản phẩm. Đồng thời các đại biểu cũng đã thảo luận đưa ra các giải pháp để tổ chức sản xuất, liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị cây ăn trái.

Theo ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng: “Quan trọng nhất là tổ chức lại sản xuất. Hình thành vùng sản xuất cây ăn trái chủ lực tập trung; gắn với các nhà máy chế biến và có bảo quản….để liên kết tiêu thụ ra thị trường. Ví dụ như địa phương có diện tích xoài lớn thứ 2 so với các tỉnh khu vực ĐBSCL, mà trong cây xoài thì có cây xoài keo. Nghiên cứu, xây dựng tìm một số cây trái giống mới, nhằm nâng cao giá trị, đa dạng hóa các loại hình trái cây”.

 Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, qua những ý kiến trao đổi tại Hội nghị này, thời gian tới, An Giang sẽ tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, lấy HTX, tổ hợp tác làm nòng cốt để tổ chức sản xuất, liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị cây ăn trái trên địa bàn tỉnh. Thúc đầy việc hình thành mối liên kết giữa nông dân và nông dân để thành lập các nhóm sản xuất như: HTX, tổ hợp tác... từ đó, tạo thế mạnh cho việc sản xuất, tiêu thụ cây ăn trái và hạn chế các rủi ro trong khâu tiêu thụ trái cây tại các địa phương.

Triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển cây ăn trái bền vững theo mô hình sản xuất an toàn VietGAP, GlobalGAP. Mở rộng quy mô chứng nhận theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đề nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, đặc biệt hướng đến kế hoạch mục tiêu 50% diện tích cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng giai đoạn 2025-2030.

Tập trung thu hút các doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái, liên kết tiêu thụ với nông dân, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các loại trái cây để gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết thêm: “Do đó sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp, căn cứ vào lợi thế, đánh giá kỹ lưỡng để mình tăng diện tích trồng cây ăn trái. Đây cũng là điều kiện để mời gọi các nhà đầu tư, và cũng thực hiện đúng cái định hướng của tỉnh về mở rộng vùng sản xuất chuyên canh tập trung, có quy mô lớn thì sẽ mang lại hiệu quả một cách bền vững hơn. Hội nghị hôm nay cũng đã tìm ra giải pháp, đồng thời tháo gỡ khó khăn đi đến ký kết được hợp tác trong sản xuất, tiêu thị trái cây trên địa bàn tỉnh An Giang”.

Từ khóa: an giang, an giang, hợp tác xã, cây ăn trái xuất khẩu, trái cây xuất khẩu

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: phan ánh/vov-đbscl

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập