Ấn Độ lên kế hoạch “trừng phạt kinh tế” với Trung Quốc
Cập nhật: 18/06/2020
Mỹ lên án Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo
Mỹ, Nhật Bản tăng cường hợp tác song phương, thảo luận các vấn đề nóng
VOV.VN - Sau vụ đụng độ Ấn-Trung, làn sóng phản đối Trung Quốc đang nổi lên tại Ấn Độ, trong đó mặt trận kinh tế có thể là nơi chịu nhiều tác động nhất.
Báo chí Ấn Độ ngày 18/6 đồng loạt đưa tin, Bộ Thương mại nước này đang chuẩn bị trình chính phủ các biện pháp phản ứng nhanh nhằm làm giảm lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Kế hoạch này có thể sẽ sớm được Thủ tướng Narendra Modi thông qua. Theo đó, Ấn Độ sẽ tiến tới thắt chặt hơn nữa việc nhập khẩu 371 mặt hàng của Trung Quốc, bao gồm đồ chơi, đồ dùng bằng nhựa, đồ thể thao, và nội thất… Tổng giá trị của các mặt hàng bị xem xét là 127 tỷ USD. Ấn Độ đồng thời cũng sẽ tìm kiếm các nhà cung cấp khác để thay thế.
Biểu tình bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở New Delhi. Ảnh: Bloomberg |
Bên cạnh đó, hàng điện tử, thuốc, hàng may mặc và đồ dùng lâu bền từ Trung Quốc cũng sẽ sớm được đưa vào danh sách hạn chế nhập khẩu. Để hạn chế hàng hóa Trung Quốc, Ấn Độ chuẩn bị ban hành các tiêu chuẩn hàng hóa, khuyến khích sản xuất trong nước cũng như yêu cầu các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn hàng từ các nước khác.
Trong kế hoạch trình lên Chính phủ, cơ quan chức năng Ấn Độ cũng đề cập khả năng đánh thuế nhóm 100 mặt hàng Trung Quốc có giá trị nhập khẩu lớn nhất. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Ấn Độ không ủng hộ việc tăng thuế do lo ngại điều này sẽ tác động trực tiếp tới lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc đang và sẽ kinh doanh tại Ấn Độ cũng đã được đưa vào tầm ngắm. Theo tờ Indian Express, Công ty đường sắt Ấn Độ nhiều khả năng sẽ hủy một hợp đồng thiết bị quan trọng với một doanh nghiệp cơ khí hàng đầu của Trung Quốc là Tập đoàn Tín hiệu và Thông tin đường sắt Trung Quốc (CRSC). Hợp đồng này nằm trong dự án xây dựng Hành lang Vận tải Hàng hóa Đường sắt phía Đông của Ấn Độ. Năm 2016, CRSC đã thắng thầu hợp đồng lắp đặt hệ thống thông tin tín hiệu cho hơn 400 km đường sắt tại Ấn Độ.
Bộ Viễn thông Ấn Độ (DoT) cũng đã yêu cầu 2 doanh nghiệp viễn thông thuộc sở hữu nhà nước là Bharat Sanchar Nigam Ltd (BSNL) và Mahanagar Telephone Nigam (MTNL) không sử dụng các thiết bị do Trung Quốc chế tạo để nâng cấp hệ thống di động 4G trong thời gian tới. Yêu cầu này được đặt ra với lý do cơ quan chức năng đang xem xét lại độ an toàn và an ninh của các mạng lưới có tích hợp thiết bị viễn thông của Trung Quốc. Sự xuất hiện của hai cái tên là Huawei và ZTE được coi là nguyên nhân khiến Ấn Độ lo ngại về độ an toàn sau khi nâng cấp mạng lưới viễn thông.
Bên cạnh đó, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các doanh nghiệp start-ups Ấn Độ cũng sẽ phải đối mặt với các rào cản lớn hơn, cả trực tiếp và gián tiếp. Hiện tại, các nhà đầu tư Trung Quốc như Alibaba, Tencent, Xiaomi đang có nhiều hoạt động đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp Ấn Độ như Paytm, Ola, BigBasket, Byju’s, Dream11, MakeMyTrip, và Swiggy./.Từ khóa: trừng phạt kinh tế, căng thẳng Ấn Trung, đụng độ quân sự, xung đột biên giới, chiến tranh Ấn Trung
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN