Ấn Độ chuẩn bị giáng đòn mới vào Trung Quốc, nhằm vào Viện Khổng Tử?
Cập nhật: 10/08/2020
Hari Won tiết lộ Trấn Thành quyến rũ nhất khi đang ngủ
Vietnam Airlines among world’s top 25 safest: AirlineRatings
VOV.VN - “Cuộc chiến” Ấn Độ-Trung Quốc đang lan sang địa hạt văn hóa-giáo dục. Ấn Độ đang chĩa mùi dùi vào các lớp tiếng Hoa và có thể cả các Viện Khổng Tử.
Đại dịch Covid-19 và vụ đụng độ biên giới chết người vào ngày 15/6/2020 đã làm xấu đi thái độ của người Ấn Độ đối với Trung Quốc, từ đó có thể làm ảnh hưởng đến cả trao đổi học thuật giữa 2 nước.
Một nhóm người dân Ấn Độ bày tỏ ủng hộ chính phủ nước này cấm các ứng dụng của Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Gạt bỏ việc dạy tiếng Hoa ở trường phổ thông, cân nhắc “xử” cả Viện Khổng Tử
Bộ Giáo dục Ấn Độ đã bỏ các lớp học tiếng Hoa tại các trường trung học của Ấn Độ, xuất phát từ chính sách quốc gia của nước này trong lĩnh vực giáo dục. Bộ này cũng sẽ đánh giá các thỏa thuận giữa các trường đại học của nước này với các Viện Khổng Tử của Trung Quốc.
Năm 2019, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc từng đăng một bài báo cổ xúy cho việc đẩy mạnh trao đổi giáo dục giữa Trung Quốc và Ấn Độ, trong có nói tới ích lợi của việc học tiếng Trung Quốc. Bài viết cũng được đăng trên website của Hanban – cơ quan thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc chuyên giám sát hoạt động của các Viện Khổng Tử (có nhiệm vụ quảng bá tiếng Hoa và văn hóa Trung Quốc ra toàn cầu).
Nhưng vào thời điểm này, bài báo đó đã được gỡ khỏi website Hanban trong bối cảnh thái độ của người Ấn Độ với Trung Quốc xấu đi.
Cho tới nay, Ấn Độ đã cấm hàng chục ứng dụng công nghệ thông tin của Trung Quốc. Căng thẳng Ấn-Trung giờ lan sang cả lĩnh vực hàn lâm. Truyền thông Ấn Độ cho hay, tuần này bộ giáo dục của nước này sẽ xem xét lại các Viện Khổng Tử tại các trường đại học của Ấn Độ và các thỏa thuận hợp tác ký giữa các cơ sở này của Ấn Độ và Trung Quốc. Chính sách giáo dục quốc gia mới nhất của Ấn Độ cũng đã loại bỏ tiếng Hoa khỏi chương trình giảng dạy ngoại ngữ ở các trường trung học của nước này.
Giới phân tích cho hay, Ấn Độ quan ngại sâu sắc về việc bảo vệ an ninh của mình trước sự đối mặt ngày càng tăng với Trung Quốc.
Không riêng gì Ấn Độ, nhiều nước khác cũng quan ngại về các Viện Khổng Tử, họ e ngại các lớp học do Viện Khổng Tử tổ chức sẽ được sử dụng làm công cụ chính trị để Hanban lan truyền cách nhìn tích cực đối với Trung Quốc ở nước ngoài. Các trường đại học ở Mỹ, Pháp, Australia, Canada, Đức, và Thụy Điển đã đóng cửa các viện như thế này do lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc.
“Mức độ nguy hiểm” của Trung Quốc qua đánh giá của hãng nghiên cứu Mỹ
Phản ứng của Trung Quốc
Ji Rong, một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc ở Ấn Độ, mới đây ra thông cáo hối thúc Ấn Độ xem xét các Viện Khổng Tử và chương trình hợp tác giáo dục đại học Trung-Ấn một cách “khách quan, công bằng” và “tránh chính trị hóa hoạt động hợp tác bình thường”.
Theo bà Ji, các Viện Khổng Tử đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy giảng dạy tiếng Hoa ở Ấn Độ cũng như giao lưu nhân dân Trung-Ấn.
Nhưng Geeta Kochhar, Phó Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Đông Nam Á của Đại học Jawaharlal Nehru cho biết quan điểm chủ lưu ở Ấn Độ đã thay đổi kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và nhất là từ cuộc khủng hoảng biên giới mới đây giữa 2 nước, theo hướng phía Ấn Độ phản ứng gay gắt hơn với Trung Quốc.
Bà Kochhar cho biết tại Đại học Jawaharlal Nehru đã có nhiều thảo luận về một Viện Khổng Tử đặt tại đây.
Theo Kochhar, các khóa học của Viện Khổng Tử chủ yếu là tiếng Hoa căn bản, và sự hiểu biết về ngôn ngữ Hoa là đòi hỏi tối thiểu để hiểu biết Trung Quốc.
Các con số chính thức của Ấn Độ cho thấy, khoảng 23.000 sinh viên Ấn Độ đang theo học tại các trường đại học Trung Quốc vào năm 2019.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng tải nhiều bài viết chỉ trích các động thái mới của Ấn Độ liên quan đến Viện Khổng Tử. Tờ báo lá cải diều hâu “Thời báo Hoàn cầu” của Trung Quốc mới đây cũng đăng một bài viết với dòng tít nói rằng Ấn Độ đang lấy cớ về sự xâm nhập của Trung Quốc để xét lại các Viện Khổng Tử và hợp tác cấp cao giữa 2 nước.
Yang Chaoming, Viện trưởng Viện nghiên cứu Khổng Tử của Trung Quốc, đồng thời là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, cho rằng việc Ấn Độ “xét lại” phản ánh sự thiếu hiểu biết về các Viện Khổng Tử trên thế giới.
Theo Viện trưởng Yang, phản ứng mới của Ấn Độ nằm trong thái độ bài Trung Quốc tổng thể, và vì Viện Khổng Tử là cánh cửa để Trung Quốc hiểu thế giới và thế giới hiểu Trung Quốc nên việc đóng cửa các Viện Khổng Tử sẽ đồng nghĩa với việc đóng đi một kênh trao đổi quan trọng. Ông Yang cho đây là một lỗi rất nghiêm trọng./.
Từ khóa: Trung Quốc-Ấn Độ, Ấn Độ-Trung Quốc, Viện Khổng Tử, xung đột biên giới, tiếng Hoa
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN