Ám ảnh những nỗi đau từ pháo nổ

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Cứ vào dịp Tết, hoặc mùa hè Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên lại tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đa chấn thương vùng mặt, tay, bụng, do chơi pháo. Những vết thương từ pháo không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn để lại nỗi ám ảnh tâm lý, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống

 

Chầm chậm lau những giọt nước mắt của con trên giường bệnh, nhìn khuôn mặt con chi chít vết thương, bàn tay phải bị thương gần hết và phải tháo đốt ngón tay cái và tay trỏ, lòng chị Trần Thị Thu Hằng ở xã Tam Giang, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk cũng như rướm máu. Được các bác sĩ Khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu, vết thương đã tạm ổn, nhưng vụ tai nạn do pháo nổ của con, vẫn để lại trong lòng người mẹ nỗi kinh hoàng.

“Lúc nổ người dân người ta cứu lên bệnh viện, điện cho mẹ, lúc đó mẹ cũng ngất xỉu luôn. Bác sĩ bảo bàn tay của cháu phải cắt bỏ 2 ngón tay khi đó mẹ như đứt từng đoạn ruột vậy, mẹ không biết làm sao để mà thay thế cho con được”- chị Hằng nói.

Chị Nông Thị Tiên, mẹ của cháu Trần Nhật Phong, ở xã Đắk Gla, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, cũng vừa trải qua một cú sốc không kém. Phong và bạn chế tạo pháo tự chế, sau đó mang về nhà cuốn lại. Do thuốc pháo bị ẩm, cháu đã cho vào chảo và bật bếp để làm khô thuốc, dẫn đến tai nạn nổ lớn.

 “Em cũng biết sự nguy hiểm của pháo, về em cũng răn đe con rất nhiều nhưng con không nghe. Hôm con bị, nhìn thấy mặt con là sốc, không tưởng tượng được con bị nặng như vậy”- chị Tiên nói.

Vết thương trên tay và mặt của các em có thể lành lại theo thời gian, nhưng những nỗi đau tinh thần khó có thể xóa nhòa. Đối với trẻ em, tai nạn pháo nổ không chỉ là những vết bỏng, mà còn để lại những tổn thương về tâm lý, ảnh hưởng đến sự phát triển và cảm nhận về thế giới xung quanh. Cháu Hoàng và cháu Phong trong những ngày điều trị tại bệnh viện, đã thấm thía sự nguy hiểm của pháo.

 “Con coi trên Tiktok và đặt các chất về sau đó con trộn vào. Con đổ lần thứ 3 thì bất ngờ phát nổ. Bác sĩ xức và chích rất là đau, con rất hối hận về việc chơi pháo”.

 “Bây giờ tay nhức và sưng, nhiều bọng nước, mặt thì cũng đau. Em hối hận vì em vẫn chưa biết sự nguy hiểm của thuốc nổ”.

Bác sĩ Nguyễn Minh Trực, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chia sẻ, các vụ tai nạn pháo nổ thường xảy ra vào dịp nghỉ hè và Tết, và tỷ lệ trẻ em bị thương rất cao. Hàng năm, Khoa tiếp nhận khỏang 20 bệnh nhân bị thương do chơi pháo. Những vết thương do pháo có thể rất nghiêm trọng, từ bỏng nặng, đứt ngón tay đến mất thị lực. Các ca bỏng hóa chất từ pháo tự chế càng nguy hiểm hơn, vì chúng có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan nội tạng, cần phẫu thuật lâu dài để cứu chữa.

 “Pháo nổ ví như là vết thương hỏa khí rất nặng nề. Có những trường hợp phải tháo bỏ những đốt ngón thì bàn tay không còn nguyên vẹn như ban đầu, để lại tàn tật suốt cuộc đời cho các cháu. Về mặt gia đình, xã hội cũng phải quan tâm các cháu, vì những tổn thương như thế để lại hậu quả rất nặng nề”- bác sĩ Trực nói.

Tai nạn pháo nổ không phải chỉ là câu chuyện của một gia đình hay câu chuyện ở riêng tỉnh Đắk Lắk mà của cả xã hội. Câu chuyện của những nạn nhân, những người phải gánh chịu những vết thương đau đớn, là lời cảnh báo mạnh mẽ về việc cần nhận thức rõ ràng và có những biện pháp phòng tránh; mỗi người tự nâng cao trách nhiệm bảo vệ bản thân và người thân khỏi những tai nạn đáng tiếc.

Từ khóa: chơi pháo, tai nạn, thương tích, chơi pháo, hậu quả, đau lòng

Thể loại: Xã hội

Tác giả: nam trang/vov -tây nguyên

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập