AI viết văn: Từ tưởng tượng tới hiện thực…
Cập nhật: 10/11/2020
(VOV5) -Đầu năm nay, Nadira Azermai, Giám đốc công ty ScriptBook cho biết đã phát triển một phần mềm trí tuệ nhân tạo chuyên viết kịch bản, đồng thời khẳng định rằng trong 5 năm tới, sản phẩm do máy móc viết ra sẽ vượt trội hơn so với con người.
Vào năm 1968, khi viết tiểu luận “Cái chết của tác giả”, Roland Barthes bàn về tính cá nhân trong sáng tác văn chương, gắn tác phẩm với trải nghiệm của người viết. Ông, dĩ nhiên, không ám chỉ về sự biến mất của những người cầm bút. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (gọi tắt là AI), ẩn dụ của Roland Barthes dường như đang trên đà trở thành sự thật.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:
Viễn cảnh AI viết văn, làm thơ, sáng tác kịch bản… xưa kia chỉ xuất hiện trong tiểu thuyết viễn tưởng thì nay đã diễn ra, khiến địa hạt mà chúng ta luôn tin rằng mình là “một, là Riêng, là thứ Nhất” đang bị lung lay… Sau khi thay thế hàng loạt các công nhân, kĩ sư trong lĩnh vực công nghiệp, phải chăng, trong tương lai gần, máy móc sẽ khiến con người thất nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật?
Vào năm 2004, bộ phim khoa học viễn tưởng của Anh có nhan đề là “Người máy trỗi dậy” đã mở đầu với câu nói : “Xóa bỏ ranh giới giữa con người và máy móc cũng giống như làm mờ lằn ranh giữa nhân loại và thần thánh vậy.” Rất khó để nhận định về ranh giới giữa nhân loại và thánh thần. Nhưng ranh giới giữa con người và máy móc dường như đang ngày càng mong manh… “Máy móc thì có thể viết gì chứ? Một người sáng tác đích thực không “sản xuất hàng loạt” các tác phẩm giống nhau, vậy máy móc làm sao có thể tinh tế như vậy được?”, “Làm sao chuyện đó có thể xảy ra?”… Có một loạt những băn khoăn nghi ngờ, thậm chí hoang mang khi nghĩ về chuyện này.
Mô típ về sự trỗi dậy của người máy xuất hiện nhiều trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng rất dễ khiến chúng ta giật mình lo sợ: Máy móc biết làm thơ ư? Phải chăng ngày tàn của nhân loại đã đến?... Tuy nhiên, trước khi nghĩ tới những câu hỏi xa hơn, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem trên thực tế, các cỗ máy đã làm được gì trong lĩnh vực sáng tạo này.
PGS Bjorn Schuller - Ảnh:rampages.us |
PGS Bjorn Schuller, một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo tại Đại học Hoàng gia Luân Đôn bật mí: "Máy móc có thể viết tiểu thuyết không? Chắc chắn là có, vì nó đã bắt đầu sáng tác truyện cười và một số bài thơ rồi. Trên thực tế, máy móc đã tổng hợp văn bản và nhiều thứ khác để “nâng cấp”, giống như chúng ta, khi học một ngôn ngữ mới, thường không chỉ bắt đầu bằng việc lắng nghe mà còn bằng cách bập bẹ một chút nữa. Trí tuệ nhân tạo cũng có thể viết theo nhiều cách khá hấp dẫn và đưa ra nhiều cốt truyện, cùng nhiều thứ khác nữa khá thú vị."
Quả thực, trên phương diện liên quan đến kĩ thuật như về thuật toán chẳng hạn, để trả lời cho câu hỏi “Máy móc có thể sáng tác văn chương hay không?” là khá rõ ràng. Thậm chí, theo bài viết “Khi robot đọc sách” của nhà ngôn ngữ học máy tính Inderjeet Mani, nguyên là giáo sư của Đại học Georgetown, với khả năng lưu trữ vượt trội, một phần mềm máy tính có lợi thế hơn con người. Và bằng cách sử dụng thuật toán, chúng có thể tìm ra cấu trúc cốt truyện, đặc tính nhân vật... Nhờ đó, máy móc có thể tạo ra những tổ hợp ngôn ngữ giống với thơ ca, truyện ngắn, tiểu thuyết… và xa hơn, có thể trở thành các nhà phê bình văn học (xét ở góc độ nhận diện ra các mô típ, cấu trúc, đặc tính…).
So với những sản phẩm ban đầu có phần thô sơ, chẳng hạn như những bài thơ ghép vần lộn xộn, câu chữ còn ngô nghê…, trí tuệ nhân tạo đã ngày một hoàn thiện hơn, đem lại nhiều kết quả bất ngờ. Vào cuối năm 2016, Oscar Schwartz, một nhà văn người Úc đã thử thách khán giả trong buổi thuyết trình bằng cách liên tục đưa ra ba ví dụ để đoán xem đâu là sản phẩm của máy móc và tới ví dụ cuối cùng, phần lớn mọi người đều nhầm lẫn.
Nhà văn Oscar Schwartz - Ảnh:wochenblatt.de |
Câu hỏi “Máy móc có thể làm thơ?” có thể trả lời rất đơn giản bằng Phép thử Turing (tức là nếu có trên 30% không nhận ra đó là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo thì vâng, chương trình/cỗ máy đó được xác nhận là biết làm thơ). Tuy nhiên, điều đó lại là câu hỏi triết học, mang lại nhiều hoang mang cho chính chúng ta: "Suy nghĩ đầu tiên của tôi là, vì một số lí do, chúng ta kết nối thơ ca với bản chất người. Bởi vậy, khi chúng ta hỏi rằng “Liệu máy tính có thể sáng tác thơ được không?”, chúng ta cũng băn khoăn rằng “Liệu điều đó có nghĩa là máy móc trở nên “người” hơn hay không và làm thế nào chúng ta đặt ra những ranh giới cho phạm trù này? Làm sao ta có thể nói rằng ai hoặc cái gì có thể là một phần của nó." -Oscar Schwartz nói.
Sáng tác văn chương nghệ thuật – “ngôi đền thiêng” của trí tuệ con người giờ đây không còn là địa hạt riêng của chúng ta nữa. Chưa hết choáng váng về điều này thì tin buồn hơn là trong tương lai gần, nếu không có sự đột phá trong sáng tạo, có lẽ sẽ có nhiều nhà văn, nhà thơ, biên kịch… bị AI chiếm việc. Đầu năm nay, Nadira Azermai, Giám đốc công ty ScriptBook cho biết đã phát triển một phần mềm trí tuệ nhân tạo chuyên viết kịch bản, đồng thời khẳng định rằng trong 5 năm tới, sản phẩm do máy móc viết ra sẽ vượt trội hơn so với con người.
Ngay ở thời điểm hiện tại, máy móc cũng có thể tạo ra những sản phẩm văn chương giống người tới mức không chỉ “đánh lừa” được độc giả phổ thông, mà còn gây bất ngờ cho giới sáng tác, trong đó có nhà văn Lê Vũ Trường Giang: "Trí tuệ nhân tạo ngày càng được phổ biến, bao gồm cả lĩnh vực văn chương. Tôi có thể kể đến một số ví dụ như trang web poem-generator của nước Anh thành lập vào năm 2002, đã cung cấp cho người dùng công cụ làm thơ khá chi tiết. Và để có một bài thơ, người dùng cần lựa chọn các thể loại.
Thông qua các thuật toán, trang web này có thể cho ta một bài thơ hoàn chỉnh. Có thể là của William Shakespeare hay thậm chí thể thơ haiku của Nhật Bản. Năm 2015, ở Việt Nam chúng ta cũng có trang web mang tên là thomay có thể làm thơ theo ý người dùng và cùng được nhiều người biết đến. Sự đột phá nhất trong trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực văn chương đó chính là cỗ máy do Nhật Bản sáng chế đã vượt qua vòng loại của giải thưởng văn học quốc gia."
AI viết luận, AI làm thơ, AI viết tiểu thuyết tham gia tranh tài cùng với con người… Nếu như những điều này vẫn còn xa lạ trong hình dung của nhiều độc giả Việt thì chúng ta có thể thử nghiệm với một số ứng dụng miễn phí trên mạng, chủ yếu là bằng tiếng Anh.
Cây bút trẻ Kiều Chinh. |
Bạn Kiều Chinh, người gần đây đã nghiên cứu về việc trí tuệ nhân tạo viết văn, cho biết: "Những phần mềm đơn giản hơn một chút thì tôi có được dụng cho phép mình sáng tác lyric bài hát, viết truyện trinh thám hay là các thể loại truyện khác chỉ bằng cách bạn nhập các dữ liệu bạn mong muốn. Sau một vài câu hỏi như “Trong truyện của bạn có những đồ vật nào xuất hiện?”, “Bạn thích nhân vật của bạn sẽ nói một câu gì đó?”, “Bạn thích nhân vật xấu sẽ như thế nào?”, tức là đâu đấy khoảng hai chục câu thôi và rồi nó ra ngay cho tôi một kịch bản trinh thám: có mở đầu, có cao trào, có cởi nút sau đó là kết thúc. Đọc qua thì mình thấy ừ đúng. Đây là một kịch bản như bao bộ phim khoa học viễn tưởng khác. Tôi nhận ra ứng dụng này làm được một việc, đó là nó nhận ra được mô típ rất là điển hình, rồi cách xây dựng cốt truyện như thế nào."
Nhập một vài từ khóa để có lời bài hát theo phong cách của ca sĩ bạn yêu thích, gõ một vài phác thảo nhân vật rồi chờ máy trả về một kịch bản phim… Giờ đây, những điều này không còn là chi tiết trong tác phẩm khoa học viễn tưởng nào cả mà là ở đây, ngay lúc này. “Một tương lai AI viết văn” đã không còn là cụm từ mô tả chính xác những gì đang diễn ra, mà đúng hơn, cần phải nói theo cách gọi của Kiều Chinh là “Một hiện tại AI viết văn”. Những gì trí tuệ nhân tạo đã làm được khiến bạn thấy phấn khích, hoang mang hay lo sợ?... Dù câu trả lời là gì thì dường như câu chuyện “AI viết văn: Tương lai hay tận thế?” mới chỉ bắt đầu!
Từ khóa:
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5