Ai thực sự đứng sau vụ đổ dầu thải vào nguồn nước Sông Đà?
Cập nhật: 22/10/2019
Phát triển bền vững thương mại điện tử để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số (26/11/2024)
Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trước yêu cầu của kỷ nguyên mới (26/11/2024)
VOV.VN - Mục đích việc đổ dầu thải vào nguồn nước Sông Đà là gì, cần điều tra làm rõ, đúng người đúng tội. Quan trọng nhất là tìm ra kẻ “lạ mặt” nấp sau vụ án.
Chiều 18/10, Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn chuyển hồ sơ vụ án đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh (PC02) thụ lý, điều tra vụxả trộm chất thải vào nguồn nước cấp cho nhà máy nước sạch sông Đà.
Nguồn nước ô nhiễm dầu thải từ khe núihuyện Kỳ Sơn chảy về kênh dẫn nướccủa nhà máy sông Đà. Ảnh:Bá Đô. |
Công an tỉnh đã huy động cán bộ trinh sát của các đơn vị nghiệp vụ PC02, PC05, PA04, PA06 phối hợp với Công an huyện Kỳ Sơn triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ để truy xét làm rõ phương tiện, đối tượng xả chất thải nguy hại gây hậu quả nghiêm trọng.
Đường đi lòng vòng của “dầu bẩn”
Ngày 17/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám để điều tra; tạm giữ xe ô tô 4 chỗ ngồi biển kiểm soát 89A-13766. Đồng thời, tiếp tục xác minh truy bắt đối tượng Lý Đình Vũ và thu giữ các phương tiện, vật chứng có liên quan đến vụ án.
Hai đối tượng Thám và Đại (từ trái sang phải) tại cơ quan công an. |
Cùng với việc xác minh làm rõ các đối tượng có hành vi xả chất thải, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đang phối hợp các đơn vị chức năng Bộ Công an xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan việc xử lý nguồn nước ô nhiễm cung cấp cho TP Hà Nội. Tập trung xác minh truy bắt đối tượng Lý Đình Vũ và các đối tượng liên quan; thu giữ xe ô tô tải biển kiểm soát 99C- 087. 83; tổ chức truy xét nguồn chất thải.
Tại cơ quan công an, hai đối tượng bị bắt giữ liên quan tới việc đổ trộm dầu thải ở Hòa Bình, khiến hàng triệu dân Thủ đô khốn khổ khai được thuê từ Bắc Ninh lên Phú Thọ lấy dầu thải, rồi về cất tại Hưng Yên, sau đó mới lên Hòa Bình để đổ trộm.
Hai chiếc ô tô dùng để chở dầu thải là tang vật của vụ án đã bị công an tỉnh Hòa Bình tạm giữ để phục vụ điều tra. |
Qua điều tra, truy xét, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình xác định được hai xe ô tô nghi vấn liên quan việc xả chất thải gồm ô tô tải biển kiểm soát 99C-087. 83 thuộc Công ty TNHH TM và vận tải du lịch Minh Phương, có địa chỉ tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, trong lĩnh vực kinh doanh của Công ty được thu gom chất thải không nguy hại; xe ô tô 4 chỗ ngồi biển kiểm soát 89A-137. 66, chủ phương tiện là Nguyễn Văn Quyền, có địa chỉ tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Cảnh sát cũng xác định được 3 đối tượng nghi vấn tổ chức thực hiện hành vi xả chất thải gây ô nhiễm môi trường nêu trên, gồm: Lý Đình Vũ, sinh năm 1982 và Nguyễn Chương Đại, sinh năm 1994, cả hai cùng trú xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và Hoàng Văn Thám, sinh năm 1986, trú xã Chi Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.
Bên trong cơ sở tái chế, nơi phát hiện chiếc xe tải đã đổ trộm chất thải gây ô nhiễm nước sạch Sông Đà. Ảnh GT. |
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã triệu tập Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám để đấu tranh. Quá trình đấu tranh, bước đầu 2 đối tượng khai nhận: Ngày 6/10, Chương và Thám được Lý Đình Vũ thuê lái xe ô tô tải biển kiểm soát 99C-08783 đi từ tỉnh Bắc Ninh đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà, có địa chỉ tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ lấy chất thải (bơm vào 10 thùng chứa khoảng 10m3 – khoảng 10.000 lít), sau đó di chuyển về Công ty TNHH Cơ khí cao su K90, địa chỉ tại xã Chí Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên gửi xe.
Đến ngày 8/10, cả 3 đối tượng trên sử dụng 2 xe ô tô nêu trên chở chất thải lên địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình tiến hành xả chất thải, sau đó bỏ trốn.
Dầu thải đang được thu mua khắp nơi với giá khoảng 5.000 đồng/kg nhưng tài xế lại đem đi đổ trộm, để dầu thải tràn vào nguồn nước sông Đà? |
Như vậy, có kẻ cố tình đổ trộm dầu thải vào nguồn nước để đạt mục đích của ai đó (một nhóm nào đó) là có thật. Cơ quan CSĐT cần tập trung làm rõ và chờ kết luận của cơ quan chức năng. Mắt xích nằm ở đối tượng Lý Đình Vũ đang bỏ trốn.
Điểm bất thường của vụ đổ dầu thải
Từ khi sự việc xảy ra, người dân khu vực xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình cho biết, nhiều người có phát hiện một xe tải 2,5 tấn bơm dầu thải đổ trộm vào khe núi.
Thời điểm tài xế đổ trộm dầu thải vào khe núi Phúc Tiến xuất hiện trời mưa to nên dầu từ khe núi chảy xuống suối rồi chảy vào kênh dẫn nước nhà máy. Đến ngày 9/10, công nhân nhà máy phát hiện dầu loang và thuê công nhân vớt dầu từ xe tải đổ trộm.
Mục đích việc đổ dầu thải vào nguồn nước Sông Đà là gì, cần điều tra làm rõ, đúng người đúng tội. Quan trọng nhất là tìm ra kẻ “lạ mặt” nấp sau vụ án. |
Đây chính là tình tiết được cho là điểm bất thường của vụ việc khi dầu thải từ trước đến nay được cánh tài xế bán ra ngoài với giá khá cao.
“Từ thủa cha sinh mẹ đẻ tới nay, tôi chưa thấy ai đổ trộm dầu thải cả. Dầu thải gara sửa chữa ô tô của tôi hiện tại vẫn bán cho những người thu gom với giá khoảng 4.500 đồng/lít. Được biết dầu sau đó được tái chế, sẽ cho một phần nhỏ xăng, một phần nhỏ dầu (bán cho nông dân chạy công nông, máy phay), phần còn lại là chất thải dùng làm nhựa đường…”, anh Thời, chủ gara xe trên đường Trần Khát Chân (Hà Nội) cho biết.
Một người thu mua dầu nhớt thải ở huyện Lương Sơn - Hòa Bình cho biết, giá dầu thải cao hay thấp tùy thuộc vào đó là dầu thải từ nhà máy hay từ hoạt động của các loại xe ôtô. Tuy nhiên, giá giữa 2 loại cũng chỉ chênh nhau vài trăm đồng/kg.
“Nhu cầu ở Lương Sơn rất cao vì có nhiều mỏ đá, người ta mua về để vận hành máy nghiền đá. Giá dầu thải hiện nay thường được mua với giá dao động trong khoảng 4.500 - 5.000 đồng/kg. Nếu người nào có nhu cầu muốn bán với số lượng nhiều thì chúng tôi vẫn mua với giá đó và đến tận nhà chở về", người này cho biết.
Viwasupco cần phải có lời xin lỗi và có trách nhiệm với hàng triệu người dân Thủ đô trong vụ nước bẩn nhiễm dầu này. |
Chính vì thế, ngay khi có thông tin có người đổ trộm dầu thải, nhiều người bày tỏ sự khó hiểu tại sao lại có người đổ trộm hàng nghìn lít dầu thải ra ngoài môi trường mà không đem bán.
"Xe 2,5 tấn có thể chứa được tới hơn 2.000 lít dầu, bán đi cũng được khoảng 10 triệu đồng. Tài xế không thể không biết điều này mà lại đem đi đổ trộm, nhất là khi việc thu mua dầu thải hiện nay diễn ra phổ biến, ở bất kỳ cung đường quốc lộ nào cũng có thể tìm thấy địa chủ thu mua. Nay nghe các đối tượng khai nhận là 10m3, tức là 10.000 lít, rất nhiều tiền và thu gom lâu mới được. Họ gom và đổ có mục đích gì cần phải làm rõ...", anh Thời đặt câu hỏi.
Đến đây, có thể có bàn tay bên thứ ba đứng ra thuê 3 nghi phạm mới bị bắt kia đổ trộm dầu thải vào nguồn nước. Nhưng với mục đích gì thì cần phải điều tra làm rõ, đúng người đúng tội. Quan trọng nhất là tìm ra kẻ lạ mặt nấp sau vụ án này.
Hình ảnh và vẻ mặt ông Nguyễn Ðăng Khoa, PGÐ Công ty CP Ðầu tư nước sạch sông Ðà ngồi trả lời báo chí chiều 17/10. |
Mặt khác, đơn vị kinh doanh nước sạch Viwasupco tuy có thể là nạn nhân nhưng cũng không vô tội. Viwasupco phải có trách nhiệm tuyệt đối, đến cùng với sản phẩm làm ra bán cho dân.
Biết sản phẩm làm ra là độc hại mà không kịp thời phát hiện sớm, không khắc phục sửa chữa kịp thời, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội... thì hoàn toàn có thể chịu trách nhiệm hình sự.
Bộ Công an và Công an tỉnh Hòa Bình cần điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm trách nhiệm những kẻ cố ý làm trái ở công ty nước sạch sông Đà, khiến hàng triệu dân Thủ đô khốn khổ, lo lắng cả chục ngày qua./.
Từ khóa: đổ dầu thải, bắt được hai nghi phạm, suối Trâm, nhà máy nước sông Đà, nước sạch sông đà
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN