Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy…”
Cập nhật: 25/09/2019
Ca sĩ Lê Vĩnh Toàn tri ân quê hương Nghệ An qua phim ca nhạc "Miền nhớ"
Hương Ly, Lydie Vũ thăng hạng nhan sắc qua bàn tay "phù thủy trang điểm" Mi Nguyễn
VOV.VN - “Tây Tiến” đã đi vào từng thôn xóm, bản làng, vào từng xúc cảm của nhiều thế hệ.
Vài năm trước, một chàng trai trẻ cùng cơ quan với tôi, nghỉ tuần trăng mật xong, khoe: Chúng em vừa “Tây Tiến”. Say mê bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng đến mức lần theo những địa danh “Tây tiến” trong bài thơ mà phóng xe máy đưa vợ đi như anh bạn này, hẳn có không ít người.
Với lớp sinh viên Văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội chúng tôi, lớp sinh viên sau nàỳ được gọi là lớp 6971 (1969 vào học - 1971 đi bộ đội), khi được học về thơ văn kháng chiến chống Pháp, chỉ được nghe trên lớp một lời phê bình nhẹ nhàng câu thơ “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Và câu thơ “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc ngày xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”… Nhưng bất chấp tất cả, chúng tôi vẫn đọc cho nhau nghe bài thơ “Tây Tiến”. Vẫn truyền tay nhau chép váo sổ thơ bài thơ “Tây Tiến” và nhiều chàng sinh viên đã đi vào chiến trận với bài thơ “Tây Tiến”.
Mùa Xuân 2017, tôi đã tìm về Phù Lưu Chanh, nơi người chiến binh Tây Tiến Quang Dũng viết bài thơ “Tây Tiến”. Về để cảm nhận hết cái không gian mà nhà thơ sống và nhớ một chặng đường gian khổ vừa trải qua, còn đang tươi rói trong tâm trí. Vẫn Chợ Đại - Cống Thần- Chợ Dầu… con đường ven sông Đáy với những cây gạo hoa đỏ ối soi bóng xuống dòng nước trong xanh. Vẫn chợ Phù Lưu Chanh còn nguyên dáng dấp hơn nửa thế kỷ trước…bỗng chợt hiện lên lời than: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi/ Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi/ Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi”…
Suốt nhiều chục năm lăn lộn trên các nẻo đường Tây Bắc, tôi thấp thoáng thấy ven quốc lộ 6 một vài tấm bia kỷ niệm đoàn quân Tây Tiến. Nhưng đường đi thì còn rất xa, đường về là nước “mã hồi”, mà xe chạy lại nhanh nên không dừng lại được. Cho đến một hôm qua báo chí, biết ở huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La vừa xây dựng xong “Di tích quốc gia Địa điểm lưu niệm trung đoàn Tây Tiến”. Lễ khánh thành ngày 18/11/2017 có Chủ tịch Quốc hội hai nước Việt Nam và Lào đến dự. Cũng là điều may khi được một bạn đồng nghiệp, ông cụ thân sinh là “chiến sĩ Tây Tiến” tặng cho cuốn sách quý “Trung đoàn 52 Tây Tiến – 70 năm chiến thắng lịch sử Mường Láp - Hủa Phăn – Lào”. Đọc xong thấy vỡ ra nhiều điều. Tự hứa với mình là sẽ lên thắp hương ở khu di tích.
Dịp may đến vào đầu tháng 5 vừa qua. Có điều kiện lên Mộc Châu. Thế là bỏ hết công việc còn dở dang ở nhà. Lên đường theo bước chân của đoàn quân Tây Tiến.
Khu di tích nằm ở đồi Nà Bó thị trấn Mộc Châu tỉnh Sơn La, ngay sát bên quốc lộ 6. Theo các nhân chứng thì chính từ khu vực này, đoàn quân Tây Tiến vượt núi cao vực sâu tìm đến với cách mạng Lào. Một quần thể kiến trúc do một tập thể kiến trúc sư có nghề thiết kế, lấy cảm hứng từ bài thơ “Tây Tiến”.
Khách hành hương đến trước hết được mời tham quan nhà trưng bày những kỷ vật của đoàn quân Tây Tiến. Trong đó có thư của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi Trung đoàn Tây Tiến, chân dung một số cán bộ chiến sĩ Tây Tiến, toàn văn bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng. Các bức tranh về Tây Tiến của hai hoạ sĩ vốn là lính Tây Tiến: Quang Thọ và Văn Đa. Có tượng đồng bán thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Quang Dũng.
Trong không khi trầm lắng, dòng người theo những bậc thang ngược lên đồi, tới khu nhà đặt văn bia tưởng niệm được xây dựng với hình tượng 4 lưỡi lê chắc chắn chụm vào nhau hướng lên bầu trời. Một ai đó thốt lên: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời”.
Vâng… đoạn đường lên khu hoài niệm cũng khúc khuỷu như vậy. Và kìa, một dải núi dài tít tắp: “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Pha Luông chính là đỉnh núi cao nhất châu Mộc, nơi đoàn quân Tây Tiến phải vượt qua.
Khách hành hương trầm ngâm hồi lâu bên cây đại của Đại tưỡng Võ Nguyên Giáp gửi tặng, khi những người lính Tây Tiến xây dựng đài bia nhỏ kỷ niệm ở khu vực này. Phải di dời nhiều lần, những người lính Tây Tiến mất bao công chăm sóc để giữ cho cây sống tươi tốt.
Bên cạnh dốc núi Pha Luông thu nhỏ, một nhà bia xây dựng theo kiến trúc Cổng Chiến thắng (Khải hoàn Môn) để ghi danh những người lính Tây Tiến là một điểm nhấn quan trọng nũa của khu di tích.
Đang là mùa mưa Tây Bắc. Rất may hôm chúng tôi đến thắp hương các liệt sĩ Tây Tiến anh hùng, trời nắng đẹp. Trời xanh mây trắng. Từ Đài vọng tưởng nhìn thăm thẳm về trời Tây, chúng tôi như thấp thoáng thấy “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.”
Nào đâu “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/ Kìa em xiêm áo tự bao giờ/ Khèn lên man điệu nàng e ấp/Nhạc về Viêng Chăn xây hồn thơ".
Nào đâu “Người đi châu Mộc chiều sương ấy? có thấy hồn lau nẻo bến bờ/ Có nhớ dáng người trên độc mộc/ Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?”.
Có một điều thú vị: cả chàng trai và cô gái hướng dẫn khách hành hương, khi được hỏi thích nhất câu thơ nào trong “Tây Tiến”, đều đọc 4 câu thơ có dính đến châu Mộc. Còn ở Mai Châu Hoà Bình, trong bia đá tưởng niệm đoàn quân Tây Tiến, có mấy câu thơ “Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu ngươi/ Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi…”.
“Tây Tiến” đã đi vào từng thôn xóm, bản làng, vào từng xúc cảm của nhiều thế hệ.
Vào dịp kỷ niệm 60 năm bài thơ Tây Tiến ra đời, một tác giả đã hỏi 9 nhà thơ quân đội: nếu chỉ được mang theo vào thế kỷ mới 5 bài thơ hay nhất về chiến tranh cách mạng và anh bộ đội Cụ Hồ, thì anh sẽ chọn những bài thơ nào? “Tây Tiến” là bài thơ cả 9 người đều chọn.
Nói không quá rằng một hướng tiến công chiến lược của Đảng ta và Quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp, còn được nhắc đến, nhớ đến nhiều trong giới trẻ hôm nay, chính là nhờ có bài thơ, thoạt đầu mang tên “Nhớ Tây Tiến”. Trong các tập hồi ký giai đoạn kháng chiến chống Pháp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các sách lịch sử quân sự và trong Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam (tập I trang 866) đều có nói về mặt trận hướng Tây – đoàn quân Tây Tiến. Nhưng có vẻ chưa đủ. Nên chăng các nhà giáo, khi viết và giảng văn bài thơ Tây Tiến, cần nói kỹ hơn cho lớp trẻ “lịch sử đoàn quân Tây Tiến”?
Trong ánh nắng rót vàng lên cao nguyên châu Mộc, chúng tôi gặp từng đoàn người, đa phần là các cựu chiến binh, cựu cán bộ vùng Tây Bắc nay đã nghỉ hưu ở dưới xuôi, đến thăm khu di tích Tây Tiến. Đông đảo nhất là học sinh các trường học trong vùng. Như vậy là đoàn binh Tây Tiến vẫn đang sống.
“Tây Tiến người đi không hẹn ước/ Đường lên thăm thẳm một chia phôi/ Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”.
Sông Mã gầm lên khúc độc hành./.
Từ khóa:
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN