AI đang đặt ra thách thức đối với hòa bình và an ninh toàn cầu

Cập nhật: 23 giờ trước

VOV.VN - Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 19/12 tổ chức phiên họp đặc biệt về trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó đưa ra những tiềm năng, nguy cơ và thách thức của công nghệ này đối với hòa bình và an ninh toàn cầu.

Tại phiên họp, Tổng Thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh sự phát triển chưa từng có của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). Ông kêu gọi cần có các biện pháp bảo vệ toàn cầu để quản lý AI, đồng thời nhấn mạnh những rủi ro khi cho phép AI hoạt động mà không có sự giám sát.

“Chúng ta cần phải khẳng định rằng, số phận của nhân loại không bao giờ được để cho “hộp đen” của một thuật toán quyết định. Con người phải luôn giữ quyền kiểm soát đối với các chức năng ra quyết định được hướng dẫn bởi luật pháp quốc tế, bao gồm luật nhân đạo, luật nhân quyền quốc tế và các nguyên tắc đạo đức. Bàn tay nhân loại đã tạo ra AI. Bàn tay nhân loại phải hướng dẫn nó tiến về phía trước”, ông Guterres nói.

Ông Guterres cũng kêu gọi các quốc gia thành viên nhanh chóng thiết lập Khung khoa học quốc tế về AI và khởi xướng Đối thoại toàn cầu về quản trị AI trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, Tổng Thư ký một lần nữa kêu gọi cấm các loại vũ khí tự động gây chết người. 

Tại cuộc họp, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ quan ngại khi AI có thể gây ra mối đe dọa to lớn đối với hòa bình và an ninh quốc tế, đặc biệt khi AI bị lạm dụng để thao túng, định hướng dư luận và thực hiện các chiến dịch tấn công mạng. Ông kêu gọi các quốc gia dẫn đầu công nghệ tăng cường các tiêu chuẩn an ninh để ngăn chặn AI bị lạm dụng.

“Mỹ phản đối việc sử dụng AI có mục đích xấu của bất kỳ tác nhân nào và kêu gọi các quốc gia phản đối và lên án những hành vi này. Chúng ta phải tuân thủ các chuẩn mực chung và xây dựng các hệ thống thực sự an toàn và bảo mật”, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh.

Trong khi đó, các nhà khoa học đã đưa ra quan điểm có chiều hướng tích cực hơn về AI. 

Ông Yann LeCun, giáo sư tại Đại học New York và nhà khoa học AI hàng đầu, cho rằng các rủi ro hiện tại của AI đã bị phóng đại. Ông khẳng định chưa có bằng chứng nào cho thấy AI hiện tại tạo ra nguy cơ hiện hữu đối với nhân loại, nhưng thừa nhận rằng trong tương lai, các hệ thống AI có thể vượt qua khả năng của con người.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, tại một thời điểm nào đó trong tương lai, các hệ thống AI sẽ sánh ngang và vượt qua khả năng trí tuệ của con người. Chúng sẽ rất khác so với các hệ thống AI hiện tại. Chúng sẽ có khả năng hiểu thế giới vật lý, ghi nhớ, lý luận và lập kế hoạch. Chúng có thể có một số mức độ hiểu biết thông thường. Điều đó sẽ không xảy ra vào ngày mai, nhưng có thể là trong một hoặc hai thập kỷ tới”, giáo sư Yann LeCun nhận định.

Về quyền tiếp cận AI, bà Fei-Fei Li, giáo sư tại Đại học Stanford, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo mọi quốc gia đều có quyền tiếp cận công bằng với AI, khẳng định lợi ích của AI không nên chỉ dành cho các quốc gia giàu có. Đây không chỉ là vấn đề công bằng mà còn là vấn đề ổn định toàn cầu.

Phiên họp đặc biệt của Liên Hợp Quốc về AI kết thúc với cam kết thiết lập các cơ chế quản lý toàn cầu cho AI, bao gồm việc thành lập một hội đồng khoa học quốc tế và mở rộng đối thoại về quản trị AI. Các đại biểu đã đồng thuận rằng, trong bối cảnh AI tiếp tục phát triển nhanh chóng, những quyết định hiện tại sẽ định hình tương lai của nhân loại. Phiên họp cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực quốc tế nhằm đảm bảo AI phát triển bền vững và có trách nhiệm, vì lợi ích của toàn thế giới.

Từ khóa: AI, trí tuệ nhân tạo,thách thức an ninh

Thể loại: Khoa học - Công nghệ

Tác giả: hoàng nguyễn/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan