9X là thế hệ cuối cùng có chữ 'Văn' hoặc 'Thị' trong tên gọi?

Cập nhật: 20/08/2024

VOV.VN - "Nhìn danh sách lớp của con không có chữ Thị nào", hiện tượng không lạ này được nêu khiến nhiều người hỏi phải chăng công thức đặt tên "nam Văn nữ Thị" đã biến mất.

"Nam Văn nữ Thị" là công thức đặt tên truyền thống của người Việt, trong đó nam giới thường lót chữ "Văn" sau họ và trước tên, tương ứng với tên nữ giới là chữ "Thị". Nhờ công thức này, ngày xưa người ta chỉ cần nghe tên là biết giới tính, chẳng hạn Nguyễn Văn Bình chắc chắn là con trai, Trần Thị Mỹ chắc chắn là con gái.

Tuy nhiên công thức này không còn là bất biến với những người sinh ra trong nửa sau của thế kỷ 20. Ngày càng có nhiều người không thích chữ "Văn" và chữ "Thị" trong tên mình và khi bản thân đến lượt được làm cha mẹ, họ bỏ hai chữ đó ra khỏi tên con mình. Trẻ em thế hệ 7x thiếu "Văn" và "Thị" chưa nhiều, sang thế hệ 8x thì rất phổ biến. Với thế hệ 9x, những cái tên chứa hai chữ này dường như đã thuộc về thiểu số.

Công thức đặt tên "nam Văn nữ Thị" đang biến mất? Câu hỏi này được nhiều người đặt ra sau một dòng trạng thái trên Facebook cách đây ít ngày: "Có lẽ 9x là thế hệ cuối cùng trong tên có chữ 'Thị'. Hôm nay nhìn danh sách lớp của con, nguyên lớp không một 'Thị" nào".

Ngay sau khi đăng tải, hiện tượng này nhanh chóng trở thành tâm điểm bàn luận. Cộng đồng mạng còn chia sẻ danh sách tiêm chủng của trẻ em thế hệ Alpha (ra đời từ năm 2010 đến 2024) cho thấy không đứa trẻ nào trong tên có "Văn" và "Thị".

Thay cho hai chữ "cổ truyền" trên, các gia đình trẻ thường dùng những tên đệm mỹ miều, ấn tượng hoặc khác biệt, độc đáo hơn. Tên lót của đứa trẻ thường là một chữ gửi gắm ý nghĩa tốt đẹp, hoặc dùng họ của mẹ (đôi khi là họ bà nội, bà ngoại) để tạo thành họ kép. Nhiều nhà cũng lấy tên của bố mẹ làm tên đệm cho con.

Rất nhiều ý kiến bàn luận xoay quanh sự thay đổi này trong cách đặt tên. Nhiều người cho biết họ bỏ chữ đệm "Văn - Thị" trong tên con vì thấy nó quê mùa, hoặc không phù hợp với hơi thở thời đại: "Thời hiện đại bây giờ đâu cần phân biệt con trai, con gái qua cách đặt tên Văn - Thị nữa, cứ đặt tên sao cho phù hợp là được"; "Tên của mình có đệm 'Thị' nghe quê quê nên hai con gái của mình đều bỏ chữ đó đi, tên cũng rút gọn hơn"; "Từ hồi bé mình đã ước giá bỏ đi chữ 'Thị' quê đặc trong tên mình nhưng bố mẹ không cho, nay có con mình dứt khoát đặt tên con theo kiểu khác"...

Có những người bỏ "Văn - Thị" vì muốn cái tên của con phải được cá thể hóa tối đa, không theo công thức bó buộc: "Mỗi con người là cá thể độc nhất, khác biệt, cái tên cũng phải mang tính cá nhân rất cao, không nên bó buộc theo công thức".

Trong khi nhiều người nghĩ rằng công thức đặt tên "nam Văn nữ Thị" đã biến mất, một số phụ huynh tuyên bố họ vẫn đặt tên con theo kiểu truyền thống này, thấy hai chữ đó không quê mùa mà là một nét đẹp của văn hóa Việt: "Con gái nhà mình sinh năm 2021, vẫn đặt tên đệm có chữ 'Thị' cho mềm mỏng, dịu dàng"; "Sau có con gái, mình vẫn sẽ đặt có đệm 'Thị' để gìn giữ bản sắc dân tộc"; "Nếu không có 'Văn - Thị', nhiều cái tên ngẫm mãi không biết là trai hay gái"...

Nhiều cư dân mạng nêu ý kiến, chỉ ở thành phố, công thức đặt tên "Văn - Thị" mới không còn được ưa chuộng, còn ở các địa phương thì không hề hiếm hoi: "Lớp con mình đang học vẫn còn rất nhiều bạn có tên đệm và 'Văn - Thị'"; "Hai bé nhà mình sinh năm 2020 nhưng đều có tên đệm 'Văn - Thị; cả gia đình đều thấy nó mang ý nghĩa rất hay"...

Lý giải việc công thức đặt tên "nam Văn nữ Thị" ngày càng ít phổ biến, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học, cho rằng hiện nay, "không gian" đặt tên trở nên chật chội và bắt đầu "chèn ép" đến hai chữ "Văn - Thị". Người ta nghĩ rằng tên đệm mặc định như vậy sẽ tốn "không gian" thể hiện của tên gọi, trong khi cha mẹ muốn biểu đạt nhiều ý nghĩa tốt đẹp hơn trong cái tên của con mình.

"Tên gọi là phản ánh ước mơ, ý chí nguyện vọng và có khi là cả những gì người ta chưa thực hiện được trong đời nên đặt vào con cái. Trong xã hội hiện nay, cách đặt tên phóng khoáng và cởi mở, phản ánh đúng ý chí nguyên vọng của con người, đó đó mọi người thấy không nhất thiết phải đặt tên mặc định theo công thức 'nam Văn - nữ Thị' - ông Trịnh Hòa Bình nói.

Về câu hỏi của nhiều cư dân mạng rằng liệu "nam Văn nữ Thị" có đang biến mất, ông cho rằng cách đặt tên này chỉ ít phổ biến hơn nhưng vẫn có sức sống khá lâu bền và có rất nhiều người kế tục.

Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số 91/2015/QH13, ngày 24/11/2015) quy định về cách đặt tên như sau: Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng. 

Từ khóa: đặt tên, đặt tên, cách đặt tên, nam văn nữ thị, công thức đặt tên, tên con cái, cách đặt tên con cái

Thể loại: Đời sống

Tác giả: nhật thùy/vtc news

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập