90 năm thành lập Đảng, nhìn lại chuyện "phá rào" ở TP.HCM
Cập nhật: 03/02/2020
VOV.VN -“Phá rào” trong mua bán lương thực không chỉ lo đời sống của dân mà còn phá thế cô lập với tệ “ngăn sông cấm chợ” thời điểm sau giải phóng.
Sau giải phóng, TPHCM đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Đó là tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội phức tạp khi tàn dư của các phần tử phản động chống phá cách mạng vẫn còn ở lại thành phố, số người thất nghiệp quá lớn, tệ nạn xã hội thì đầy rẫy và một nền kinh tế vận hành theo qũy đạo tư bản chủ nghĩa….
Hình ảnh TP.HCM sau giải phóng |
3 nhiệm vụ cấp bách mà Trung ương đặt ra đối với TPHCM là phải nhanh chóng củng cố chính quyền nhân dân, khôi phục sản xuất và cải tạo xã hội, xóa bỏ tàn dư phong kiến và tư sản mại bản, từng bước cải tạo xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế…
Cụ thể hóa chính sách của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ I (tháng 4/1977) đặt ra nhiều nhiệm vụ, trong đó trọng tâm là tổ chức lại sản xuất, phân bố lại lực lượng lao động xã hội nhằm tăng cường mạnh mẽ các thành phần kinh tế, quốc doanh, hợp tác xã….
Gần 2 năm thực hiện công cuộc cải tạo, tình hình an ninh chính trị được củng cố, đời sống nhân dân từng bước ổn định, kinh tế có bước phát triển. Thế nhưng, từ năm 1979 trở đi, nền kinh tế thành phố bắt đầu bộc lộ những hạn chế khi sản lượng công nghiệp quốc doanh sụt giảm nghiêm trọng, ngành công thương của Nhà nước gặp nhiều khó khăn, các nông trường, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp làm ăn thua lỗ.
Cùng với mùa màng thất bát, chế độ bao cấp về thực phẩm đã đẩy 3,5 triệu dân vào nạn thiếu đói. Lần đầu tiên trong lịch sử người dân của một thành phố từng là “hòn ngọc Viễn Đông” phải ăn cơm độn, mà có lúc phải độn đến 90%.
Hai nhiệm vụ được đặt ra đối với lãnh đạo TPHCM, đó là lo cái ăn cho nhân dân và vực dậy nền sản xuất đang đình trệ. Lịch sử Đảng bộ thành phố còn ghi lại, thời điểm đó, có ngày, cả Thành ủy lo việc gạo, bàn về gạo. Trong việc cứu đói, một câu chuyện đến nay vẫn thường xuyên được nhắc đến đó là việc Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt mời bà Nguyễn Thị Ráo, tức bà Ba Thi, Giám đốc Công ty Lương thực TPHCM; ông Lữ Minh Châu - Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương và ông Năm Ẩn - Giám đốc Sở Tài chính bàn việc cứu đói cho dân. Từ cuộc gặp này, ông Võ Văn Kiệt đã có chỉ đạo ban ngành cấp tiền để tổ thu mua lương thực của bà Ba Thi đi ĐBSCL mua gạo với giá thị trường.
Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. |
Việc thu mua gạo thực sự khó khăn, bởi cơ chế ràng buộc, bị cho là thu mua phá giá khi giá lúa được quy định khoảng 5 hào/ký trong khi tổ thu mua giá 3 đồng; địa phương thì cho là phá hoại gây mất đoàn kết. Vất vả, khó khăn nhưng thời điểm đó, mệnh lệnh cao nhất là dân không được chết đói.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm kể lại, gạo đủ để bán cho nhân viên 13 cân/tháng, đến nỗi ông Võ Văn Kiệt phải bật đèn xanh cho bà Ba Thi xuống miền Tây mua dăm chục tấn gạo, sau này là hàng trăm tấn gạo bán cho nhân viên, nhân dân tại TPHCM... Việc làm này hết sức nhân văn, táo bạo. Bộ Chính trị có gọi bà Ba Thi ra để chất vấn chuyện xé rào. Trước khi bà Thi đi, ông Võ Văn Kiệt còn nói “Chị cứ đi đi, nếu vào tù tôi sẽ mang cơm cho chị”.
“Phá rào” trong mua bán lương thực không chỉ lo đời sống của dân mà còn phá thế cô lập với tệ “ngăn sông cấm chợ” thời gian đó. Việc làm của TPHCM được Trung ương ghi nhận. Năm 1985, bà Ba Thi được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Một nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với lãnh đạo TPHCM thời bấy giờ là tìm ra hướng đi mới thích hợp nhằm thúc đẩy sản xuất. Các Nghị quyết của Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 9 (năm 1979) và Hội nghị lần thứ 10 (năm 1980) nhấn mạnh trọng tâm là tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển bằng nhiều biện pháp, liên kết tìm nguyên vật liệu sản xuất, thực hiện lương khoán, trả lương theo sản phẩm…
Ông Phạm Chánh Trực – nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cho biết, thành phố mượn tài sản, vàng của nhân dân để đổi USD nhập nguyên vật liệu cho nhà máy sản xuất; lãnh đạo thành phố cũng thực hiện kế hoạch 3 lợi ích, đó là: Lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của người lao động.
Các câu lạc bộ giám đốc hay còn gọi là nhóm thứ 6 ra đời. Hàng tuần, nhóm thứ 6 có cuộc trao đổi với Bí thư Thành ủy tại nơi làm việc, hoặc nhà riêng. Từ những cuộc trao đổi thường xuyên về cách làm, về các sáng kiến, thành phố đã có cơ chế phổ biến, phát động học tập cái mới, ủng hộ cái mới.Chính như vậy mà sức sản xuất của thành phố được “bung ra”; cho ra đời những: Dược phẩm 2-9; Dệt Thành Công, Thắng Lợi, Phong Phú…..
Tháng 2/1989, nhiếp ảnh gia không chuyên người Thụy Sỹ Elmar Reich đã ghi lại hình ảnh Sài Gòn trong chuyến du lịch của mình. Ảnh: Vnexpress |
Những năm đầu thập niên 80 trở đi, nền kinh tế của thành phố bắt đầu phát triển, tăng trưởng mọi mặt, tỷ trọng sản xuất công nghiệp đã chiếm hơn 30% tổng sản lượng công nghiệp của cả nước.
"Đó là sự năng động sáng tạo, sáng kiến của thành phố từ đó kinh tế thành phố bắt đầu gượng dậy phát triển được, duy trì phát triển sản xuất của trung tâm công nghiệp này cung cấp sản phẩm hàng hóa cho cả miền Nam và cả nước. Có hàng hóa của cải vật chất đã tạo sự phát triển, sinh khí của nền kinh tế. Qua đó Trung ương thấy rằng quy luật sát với thực tiễn thì đã có đường lối đổi mới" - ông Phạm Chánh Trực cho biết.
Theo GS.TS Phan Xuân Biên – Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, đi lên từ những khó khăn sau chiến tranh nhưng với tinh thần cách mạng kiên cường, truyền thống năng động sáng tạo và bản lĩnh của một “thành phố anh hùng” đã từng bước thoát dần chế độ cũ, nhạy bén tìm tòi hướng đi mới, tiến tới “xé rào, vượt rào” tạo nên một quá trình đột phá của thành phố mang tên Bác ở thời kỳ “đêm trước công cuộc đổi mới”.
GS.TS Phan Xuân Biên cũng khẳng định rằng, để tạo nên những bước đi ngoạn mục đó thì cũng nhờ thành phố có các lãnh đạo là những người thực tiễn, có trách nhiệm với dân.
Mạnh dạn, năng động và nhạy bén xóa bỏ dần cơ chế quản lý Nhà nước theo lối quan liêu, bao cấp, cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa tập trung… tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế của thành phố, thể hiện quan điểm đổi mới toàn diện thành phố, những chủ trương, chính sách mới đã gợi mở, khuyến khích cho kinh tế thành phố phát triển, tăng năng suất lao động mở đường cho thành phố trong giai đoạn tiếp theo.
Cho nên, với nhân dân thành phố và cả nước lúc này, “những sáng kiến và nhiều biện pháp lúc đầu là biện pháp tình thế nhưng kết quả thực tiễn sinh động của TPHCM lúc bấy giờ đã trở thành căn cứ quan trọng cho lãnh đạo Đảng có những quyết sách, để hoạch định mô hình phát triển kinh tế kể từ Đại hội VI tháng 12 năm 1986./.
Từ khóa: TPHCM, xây dựng Đảng, công cuộc đổi mới, hòn ngọc Viễn Đông
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN