9 ngày nữa hộ khẩu giấy hết hiệu lực: Trang bị kết nối thế nào?
Cập nhật: 22/12/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Đây là vấn đề được đặt ra tại phiên giải trình do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức liên quan đến việc thực hiện yêu cầu của Luật Cư trú.
Trước thời điểm chỉ còn 9 ngày nữa sổ hộ khẩu giấy hết hiệu lực (từ 1/1/2023), sáng 22/12, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên giải trình “Việc thực hiện yêu cầu của Luật Cư trú về hạn chế xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính, trọng tâm trong lĩnh vực hộ tịch, đất đai”.
Nhiều ý kiến nêu thực tế chất lượng dữ liệu, công tác số hóa dữ liệu còn gặp khó khăn, nhất là cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa được xây dựng đồng bộ, hoàn thiện. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, công tác đảm bảo an ninh, an toàn, tránh lộ lọt, thất thoát dữ liệu của người dân chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra và việc cấp căn cước công dân chưa được hoàn thành…
Ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, phải xác định bỏ hộ khẩu giấy không chỉ là một thủ tục hành chính mà vẫn phải bảo đảm được với tư cách của chủ thể trong quan hệ pháp luật để thực hiện quyền tốt hơn.
"Người dân không muốn nộp lại sổ hộ khẩu lý do là như vậy. Vướng mắc chính là chưa làm cho người dân yên tâm rằng bỏ sổ hộ khẩu thì việc thay thế số định danh cá nhân sẽ giải quyết được tất cả các quan hệ người dân mong muốn” - ông Hiển nói.
Còn đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, qua khảo sát ở địa phương, liên quan vấn đề hộ tịch, hộ khẩu thì thấy rằng trang bị phương tiện máy móc còn nhiều vấn đề, trong khi thời hạn sổ hộ khẩu giấy hết hiệu lực sắp đến. Vấn đề đặt ra là xử lý ra sao để tránh gây khó khăn cho địa phương và người dân khi tới liên hệ.
Giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu theo quy định chung, cán bộ hộ tịch có quyền truy cập, có tài khoản tác nghiệp trên phần mềm chung.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Khánh Ngọc cũng thừa nhận trang thiết bị của cán bộ theo dõi hộ tịch yếu, thậm chí là rất yếu. Khi khảo sát ở địa phương, ông đã đề nghị địa phương chịu trách nhiệm trang bị, cấp thêm để bảo đảm máy móc, thiết bị kết nối, chia sẻ được.
Thông tin thêm về vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, vẫn còn có một số bộ, ngành, địa phương chưa kết nối cơ sở dữ liệu là một thách thức khi thời hạn bỏ sổ hộ khẩu giấy đang tới rất gần. Mặc dù vậy, Bộ Công an vẫn đang từng bước tiếp tục hoàn thiện các tiện ích phục vụ người dân.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cũng khẳng định thiết bị để phục vụ cho công an cấp xã, trang bị kiến thức, bố trí nguồn nhân lực cho công an cấp xã hiện nay về cơ bản đáp ứng được.
Kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Chính phủ hoàn thiện Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia bám sát tiêu chí đã đề ra. Tăng cường đầu tư xây dựng các cơ sở dữ liệu, sớm liên kết với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời tuyên truyền, phổ biến cho người dân sử dụng thông tin công dân thay thế khi thực hiện các giao dịch dân sự, thủ tục hành chính./.
Từ khóa: bỏ hộ khẩu giấy, bỏ hộ khẩu giấy từ đầu năm 2023, Bộ công an, công an xã
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN