83% học sinh tại TP HCM được học trường công lập
Cập nhật: 25/09/2019
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN -Năm học 2018-2019, giáo dục TP HCM đạt nhiều thành tích đáng kể, tiếp tục thực hiện trách nhiệm giảng dạy cho 83% trong số hơn 1,6 triệu học sinh.
Sáng nay (13/8), Sở Giáo dục- Đào tạo TPHCM tổ chức hội nghị Tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020. Đáng chú ý là số học sinh trong năm học tới đây tăng nhanh đòi hỏi TP phải bổ sung một lượng lớn phòng học và đội ngũ giáo viên. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM dự hội nghị.
Học sinh TP HCM |
Năm học 2018-2019, giáo dục TP HCM đạt nhiều thành tích đáng kể, tiếp tục thực hiện trách nhiệm giảng dạy cho 83% trong số hơn 1,6 triệu học sinh, tỷ lệ còn lại thuộc về hệ thống trường lớp dân lập, tư thục. TP hiện có gần 95% học sinh tiểu học được học môn tiếng Anh, hơn 63% được học Tin học, tất cả trẻ 6 tuổi được vào lớp 1. TP HCM cũng đã tổ chức được hơn 300 lớp học cho trẻ chuyên biệt. Học sinh TP đạt giải cao ở nhiều kỳ thi quốc gia và quốc tế.
Bước vào năm học 2019-2020, vấn đề căng thẳng nhất của giáo dục TP HCM vẫn là sĩ số học sinh tăng cao. Dự kiến toàn TP HCM tăng 75.434 học sinh(gồm: 62.998 công lập và 12.436 ngoài công lập), tăng nhiều ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, tập trung tại một số quận, huyện đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, dân số tăng cơ học cao như Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn. Tổng số học sinh các cấp của TPHCM năm học 2019-2020 lên đến trên 1,7 triệu.
Để giải quyết áp lực tăng học sinh, TP HCM đang ráo riết hoàn thành để đưa vào sử dụng 1.476 phòng học mới với tổng mức đầu tư trên 4.965 tỷ đồng.
Năm học 2019-2020, ngành giáo dục và các quận huyện của thành phố bằng mọi cách đảm bảo 100% trẻ em đang sinh sống ở TP HCM có đủ chỗ học, trong đó áp dụng cả giải pháp giảm tỷ lệ học sinh được học bán trú và chấp nhận nhiều lớp học có sĩ số học sinh từ 40 đến 50 em. Đồng thời,Sở GD-ĐT TP HCM tiếp tục thực hiện giao quyền tự chủ về nhân sự, phân cấp cho 23 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc chủ động tuyển hàng ngàn giáo viên, không yêu cầu người dự tuyển phải có hộ khẩu TP và đến thời điểm này cơ bản thực hiện xong.
Năm học mới này, TP HCM tiếp tục tập trung đầu tư cho giáo dục đào tạo, chuẩn hóa và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để chuyển đổi mạnh mẽ phương pháp giảng dạy theo chuẩn quốc tế, nhất là với môn tiếng Anh và Tin học, nâng cao chất lượng dạy và học. Chọn đột phá là ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý và cung cấp dịch vụ giáo dục thông minh, cùng với xây dựng thành phố thông minh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: “TP HCM đẩy mạnh tự chủ của các nhà trường. Thành phố sẽ phải có một chuyên đề vấn đề biên chế ngành giáo dục thành phố trong bối cảnh mỗi năm học sinh tăng 60.000-70.000, là thế nào. Tổng số giáo viên phải tăng hay giảm, phải tính lại, phải bàn sâu và kiến nghị một nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về vấn đề biên chế cho giáo viên thành phố thì mới bền vững lâu dài được”./.
Nỗi niềm giáo viên hợp đồng Hải Dương trước thềm năm học mới
Khai giảng năm học mới thống nhất trên cả nước vào sáng 5/9
Từ khóa: học sinh tại TP HCM, trường công lập, năm học mới 2019-2020
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN