70 năm sự kiện chuyển quân, tập kết ra Bắc: Đi vinh quang, ở lại anh dũng
Cập nhật: 09/11/2024
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia
Tình cảm hữu nghị nồng ấm giữa Việt Nam - Brazil - Cộng hòa Dominicana
VOV.VN - 70 năm trôi qua, sự kiện tập kết chuyển quân ra Bắc với tinh thần đi vinh quang, ở lại anh dũng thể hiện một khát vọng hòa bình, một quyết tâm thống nhất giang sơn và niềm tin tất thắng không có gì có thể lay chuyển được của dân tộc Việt Nam.
Cách đây 70 năm, theo Quy định của Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, hơn 7 vạn quân và dân ta ở miền Nam đã tiến hành cuộc tập kết chuyển quân ra Bắc, bảo đảm an toàn. Vì hoà bình, tự do thống nhất, đồng bào, chiến sĩ miền Nam đã hy sinh vì nghĩa lớn, để hướng tới mục tiêu chung lớn lao, cao cả của toàn dân tộc.
Thực hiện việc chuyển quân, tập kết theo quy định của Hội nghị Genève, địa điểm tập kết của quân và dân ta ở Nam Bộ được xác định tại 3 địa điểm là Hàm Tân - Xuyên Mộc, Cao Lãnh - Đồng Tháp Mười và Cà Mau. Tính từ ngày Hiệp định Genève được ký kết, thời gian tập kết tại Hàm Tân - Xuyên Mộc là 80 ngày; tại Cao Lãnh - Đồng Tháp Mười là 100 ngày, tại Cà Mau là 200 ngày.
Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình và Nam định được xác định là địa điểm đón tiếp đồng bào, chiến sĩ. Trong vòng 300 ngày kể từ khi Hiệp định Genève có hiệu lực, chúng ta đã thi hành nghiêm chỉnh nhiệm vụ chuyển quân tập kết, đưa hơn 120 nghìn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, 500 tấn súng đạn, 600 tấn máy móc khí tài, 236 ô tô các loại từ Nam ra Bắc.
Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự cho rằng, đây là một thành công, nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong bối cảnh lúc bấy giờ, không những thắng lợi về số lượng con người, vật chất vận chuyển tập kết mà đó còn là thành công về mặt tinh thần, tư tưởng, để người ra đi trong vinh quang và ở lại kiên cường, chiến đấu anh dũng.
“Lựa chọn đồng bao chiến sĩ đi tập kết là một việc rất khó khăn. Về tâm tư, tình cảm, ai cũng nghĩ là thẳng lợi rồi. Chúng ta được hưởng hòa bình và được sống, được yên ổn để làm ăn trên mảnh đất của chính quê hương mình. Tuy nhiên, việc đó không dễ. Và đặc biệt, lợi dụng chuyển quân tập kết này, địch sẽ trà trộn, cài cắm người vào trong cái hàng ngũ của chúng ta. Vậy nên việc lựa chọn đồng bào, chiến sĩ chuyển quân tập kết là một vấn đề hết sức hệ trọng. Những người có thể đào tạo phục vụ sự nghiệp cách mạng lâu dài thì được chuyển đi. Còn những lực lượng ở lại thì bám địa bàn để kháng chiến. Cho nên mình có khẩu hiệu là đi thì vinh quang mà ở lại thì anh dũng” - Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài nói.
Theo quy định của Hiệp định Genève thì trong vòng 2 năm giữa hai miền Nam và Bắc sẽ tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Tuy nhiên, sự ngang ngược, cố chấp và rắp tâm muốn kéo dài cuộc chiến tranh ở Việt Nam của các nước đế quốc là nguyên nhân chính gây nên cảnh chia cắt đất nước, chia cắt, ly tán của biết bao gia đình.
TS Bùi Thị Hà, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phân tích: “Trong khi Việt Nam nghiêm túc chuyển quân tập kết ra Bắc để tiếp tục các bước hiệp thương tổng tuyển cử, thì phía Pháp chuyển quân tập kết vào Nam để rút về nước. Tuy nhiên, phía Mỹ đã lợi dụng mối quan hệ đồng minh với Pháp và việc thực thi Hiệp định để đưa Ngô Đình Diệm về nước, xây dựng thế lực thân Pháp, thân Mỹ nhằm phá hoại Hiệp định. Đồng thời, Mỹ đưa nhiều trang thiết bị vào miền Nam, chi viện cho Ngô Đình Diệm trở thành thế lực mới và thi hành chủ nghĩa thực dân mới. Chính những hành động của Mỹ là đầu mối khơi mào cho cuộc chiến tranh sau này”.
Trong hơn 2 thập kỷ từ 1954 – 1975, vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải là ranh giới chia đôi đất nước Việt Nam. Không chỉ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam, mà còn cả cán bộ, chiến sĩ và đồng bà miền Bắc cũng phải chịu bao hy sinh bất mát, tổn thất. Dân tộc Việt Nam đã kiên cường đấu tranh để thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.
"Nhân dân ta ở cả hai miền Bắc - Nam phải chịu nhiều hy sinh, tổn thất và cùng tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ để thống nhất đất nước. Chúng ta đã rút ra kinh nghiệm sâu sắc về vấn đề đó, để kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng bằng một hiệp định, đó là Hiệp định Paris. Nhưng không giới tuyến, không chuyển quân tập kết, chỉ có một mình quân đội Mỹ xâm lược buộc phải rút ra khỏi miền Nam Việt Nam. Thế hệ trẻ cần phải hiểu đúng và đủ về sự kiện này. Thứ nhất là chuyển quân tập kết theo quy định của Hiệp định quốc tế. Thứ hai là Đảng, Chính phủ Việt Nam chấp nhận thi hành Hiệp định Genève để chấm dứt chiến tranh của thực dân Pháp và thực hiện hòa bình, hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất đất nước, không phải chấp nhận chia cắt đất nước" - TS Bùi Thị Hà chia sẻ.
Sau 70 năm nhìn lại, sự kiện chuyển quân, tập kết, chúng ta có thể thấy rằng với ý chí, với quyết tâm, với tinh thần dân tộc và tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết thì nhân dân ta có thể biến nó trở thành sức mạnh để hóa giải những tình thế khó khăn, ngặt nghèo.
70 năm trôi qua, sự kiện tập kết chuyển quân ra Bắc với tinh thần đi vinh quang, ở lại anh dũng thể hiện một khát vọng hòa bình, một quyết tâm thống nhất giang sơn và niềm tin tất thắng không có gì có thể lay chuyển được của dân tộc Việt Nam.
Trong bối cảnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trước bối cảnh quốc tế hiện nay, thì những bài học từ Hiệp định Genève và sự kiện chuyển quân, tập kết cách đây 70 năm vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa thời sự.
TS Bùi Thị Hà phân tích: “Trước hết, chúng ta thấy rằng, cần kết thúc mọi cuộc chiến bằng đàm phán hòa bình như là Hiệp định Genève và Hiệp định Paris. Thứ hai là không được ảo tưởng về hòa bình khi những âm mưu chiến tranh và chia cắt lãnh thổ chưa bị đánh bại về ý chí xâm lược. Thứ ba là đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế tạo ra sức mạnh to lớn, để giành lại hòa bình, bảo vệ độc lập, bảo vệ cho đất nước ổn định phát triển. Cuối cùng, tôi cho rằng, hòa đàm để kết thúc chiến tranh nhưng phải nhận thức được âm mưu của các thế lực thù địch, và có thực lực dân tộc để đảm bảo hòa bình thực sự và lâu dài”.
Từ khóa: 70 năm, 70 năm tập kết,hiệp định geneve,70 năm tập kết ra Bắc,tập kết, chuyển quân ra bắc
Thể loại: Nội chính
Tác giả: trường giang/vov
Nguồn tin: VOVVN