7 cuốn sách nổi tiếng nhất về Afghanistan
Cập nhật: 19/08/2021
Ca sĩ Lê Vĩnh Toàn tri ân quê hương Nghệ An qua phim ca nhạc "Miền nhớ"
Hương Ly, Lydie Vũ thăng hạng nhan sắc qua bàn tay "phù thủy trang điểm" Mi Nguyễn
[VOV2] - Từ hồi ký của một cựu binh Taliban đến những tiểu thuyết bán chạy của Khaled Hosseini, văn học Afghanistan giàu có như chính nền văn hóa rực rỡ ở mảnh đất quanh năm cằn cỗi này.
Afghanistan là một vùng đất giàu có về lịch sử văn hóa. Nền thi ca nước này hình thành từ thế kỷ thứ 7. Trong một văn bản bằng ngôn ngữ Pashtun cổ từng viết rằng: "Ở Kabul, nếu bạn ngồi duỗi chân thì bạn có thể sẽ đá phải một nhà thơ" để nói về số lượng các nhà thơ, nhà văn nhiều như thế nào.
Địa hình khắc nghiệt, cuộc sống khó khăn, những lề luật hà khắc của tôn giáo, từ đó nêu bật sức chịu đựng phi thường của con người là nguồn cảm hứng bất tận để các nhà văn Afghanistan sáng tác. Sang thời hiện đại, các nhà văn Afghanistan đã giới thiệu nền văn hóa đất nước họ với thế giới qua nhiều tác phẩm phong phú.
Dưới đây là danh sách 7 tác phẩm được xem là nổi tiếng nhất đến từ quốc gia này:
1. Người đua diều
"Người đua diều" là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn người Mỹ gốc Afganistan Khaled Hosseini. Ra mắt năm 2003, "Người đua diều" xoay quanh câu chuyện về Amir, một cậu bé sống ở thủ đô Kabul. Xuyên suốt cuốn sách là lời tự thuật của Amir về những năm tháng tuổi thơ đầy niềm vui và lỗi lầm, về những ngày trôi dạt trên đất khách rồi cuộc hành trình trở lại quê hương đổ nát để cứu chuộc tội lỗi cho bản thân và cho cả người cha đã khuất. Đặt trong bối cảnh vô số sự kiện hỗn loạn xoay quanh sự sụp đổ của chế độ quân chủ Afghanistan, làn sóng di cư của những người tị nạn đến Pakistan và Hoa Kỳ, cũng như sự trỗi dậy của phiến quân Taliban, "Người đua diều" đưa độc giả đến một quốc gia hỗn loạn nhưng ở đó vẫn sáng lên những tình cảm đẹp.
"Người đua diều" có đầy đủ các yếu tố cần thiết để trở thành một tác phẩm best-seller: tính thời sự, cốt truyện li kì, xúc động, xung đột gay gắt giữa các tuyến nhân vật, trong chính bản thân nhân vật chính Amir… Tác phẩm đã nắm giữ vị trí đầu bảng "Sách bán chạy nhất" của The New York Times trong 110 tuần. Ngoài những khía cạnh trên, sức hấp dẫn của "Người đua diều" còn bắt nguồn từ giá trị nhân văn sâu sắc.
2. Ngàn mặt trời rực rỡ
Thêm một tiểu thuyết khác đến từ tiểu thuyết gia Khaled Hosseini. "Ngàn mặt trời rực rỡ" là tiểu thuyết thứ hai, phát hành năm 2007. Tiếp nối thành công của "Người đua diều", "Ngàn mặt trời rực rỡ" nhanh chóng trở thành tác phẩm bán chạy, cho đến nay bộ đôi tiểu thuyết này đã bán được 38 triệu bản trên toàn thế giới. Năm 2010, "Ngàn mặt trời rực rỡ đã được dịch sang tiếng Việt.
Bốn thập kỷ biến động và ly tán ở Afghanistan, một lối dẫn dắt chân thực bậc thầy, "Ngàn mặt trời rực rỡ" là câu chuyện về những số phận bị vùi dập đầy ám ảnh. Mariam và Laila, hai người phụ nữ, hai tuổi thơ trái ngược nhau, những biến cố khốc liệt khiến họ phải gặp nhau. Một là cô bé con rơi mà cha mình không thể công nhận, một là cô gái thượng lưu sống trong nhung lụa, cả hai cùng trở thành vợ một người đàn ông, cố gắng sinh con cho anh ta, cùng bị đánh đập tàn nhẫn. Một người vợ đã giết chết người chồng chung đó. Còn một người phải rời đất nước ra đi với người yêu và những đứa con. Số phận họ đã hòa quyện vào nhau trong thân phận đau thương, bền bỉ của người phụ nữ Afganistan trước nền chính trị hỗn loạn và tôn giáo hà khắc, làm nên một trường ca tiểu thuyết vô cùng cảm động.
Tạp chí Time xếp "Ngàn mặt trời rực rỡ" ở vị trí thứ 3 trong 10 tiểu thuyết xuất sắc nhất thế giới năm 2007.
3. Born Under a Million Shadows (tạm dịch: "Sinh dưới triệu bóng đen")
Tác giả cuốn sách là một nữ nhà báo người Anh, Andrea Busfield. Cô đến Afghanistan năm 2001 để đưa tin về sự suy tàn của Taliban. Cuốn sách là những câu chuyện cảm động, nhân văn về tình người trong bối cảnh những thảm kịch đau lòng, được kể qua góc nhìn của một cậu bé Afghanistan tinh nghịch và lém lỉnh.
Trong cuộc đời ngắn ngủi chỉ kéo dài 11 năm, Fawad phải chứng kiến bao thảm cảnh: cha và anh trai bị giết chết, chị gái bị Taliban bắt đi, cậu và mẹ phải sống nhờ vào sự bao bọc của những người họ hàng.
Qua con mắt của cậu bé Fawad, Andrea Busfield đưa người đọc đến một đất nước luôn sống trong nỗi sợ hãi vĩnh viễn về một tổ chức dường như đã bị giải thể, nhưng bằng cách nào đó vẫn vượt lên trên tất cả để duy trì sức sống và tầm ảnh hưởng.
4. The Wasted Vigil (tạm dịch: "Tiếng kinh cầu vô vọng")
Mô tả những sự kiện xảy ra sau ngày 11/9, cuốn tiểu thuyết thứ 2 của tác giả người Anh gốc Pakistan Nadeem Aslam là một tác phẩm xuất sắc mô tả góc nhìn thuộc 2 phía đối lập nhau: những đặc vụ CIA và những người theo chủ nghĩa Hồi giáo chính thống. Tác giả đã kết hợp 5 cuộc đời tưởng như không liên quan đến nhau để tạo nên một câu chuyện sống động lấy bối cảnh ở Afghanistan.
Cuốn tiểu thuyết tràn ngập những hình ảnh tươi sáng, câu chuyện lạc quan. Marcus, một người Anh xa xứ kết hôn với một bác sĩ người Afghanistan; David, một cựu điệp viên Mỹ; Lara, một người đang tìm kiếm dấu vết của anh trai cô, người lính Nga đã mất tích nhiều năm trước; Casa, một thanh niên người Afghanistan mà lòng căm thù người Mỹ đã đẩy anh vào vực sâu mù mịt của chủ nghĩa cực đoan; và James, một người lính thuộc Lực lượng Đặc biệt Mỹ. Hồi tưởng lại những kí ức đan xen mà những nhân vật này đã trải qua, xây dựng những bức chân dung gần gũi và sống động về những mối quan hệ phức tạp ràng buộc chúng ta.
5. Earth and Ashes (tạm dịch: "Đất và tro")
Chỉ có dung lượng chưa đến 70 trang, cuốn sách của Atiq Rahimi, một tác giả người Afghanistan đang sống lưu vong tại Paris được đánh giá là một "bức tranh toàn cảnh vẽ trên toan khổ nhỏ". Ra mắt năm 2002, "Đất và tro" được đón nhận nồng nhiệt tại Pháp, kể câu chuyện về Dastaguir và người cháu trai Yassin của ông. Họ là những người sống sót sau cuộc tấn công ác liệt của quân đội Liên Xô vào ngôi làng của họ, đã trải qua cuộc hành trình tiếp theo để tìm kiếm cha của cậu bé. Cuốn sách sau đó được chuyển thể thành phim, do chính tác giả làm đạo diễn, đã nhận được nhiều giải thưởng, bao gồm cả một giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes.
6. My Life with the Taliban (Đời tôi với Taliban)
Đây là cuốn tự truyện của Abdul Salam Zaeef, một cựu thành viên cấp cao của Taliban. Cuốn sách được dịch từ tiếng Pashto (một trong 2 ngôn ngữ chính ở Afghanistan), không chỉ là một ghi chép cá nhân về cuộc đời Zaeef, mà còn cung cấp nhiều chi tiết về Taliban từ góc nhìn của một người trong cuộc. Qua đó, người đọc thấy được nền tảng tư tưởng của tổ chức này.
Zaeef lớn lên trong cảnh nghèo đói ở vùng nông thôn Kandahar. Năm 1979, ông trốn sang Pakistan và đến 1983 bắt đầu tham gia các cuộc thánh chiến. Trong thời gian này, Zaeef có quan hệ với nhiều nhân vật trong phe kháng chiến chống Liên Xô, bao gồm cả người đứng đầu Taliban hiện tại Mullah Mohammad Omar. Từ năm 1994, Zaeef bắt đầu tham gia Taliban, thăng tiến dần dần và sau đó được bổ nhiệm làm đại sứ tại Pakistan trong giai đoạn Taliban nắm chính quyền ở Afghanistan. Sau đó, ông bị Mỹ bắt và giam giữ tại nhà tù Vịnh Guantanamo từ năm 2001 đến 2005.
Cuốn sách giải thích động cơ bên trong để những người như Zaeef cầm vũ khí đứng lên chống lại những đội quân ngoại quốc can thiệp vào Afghanistan.
7. An Unexpected Light: Travels in Afghanistan (Nguồn sáng bất ngờ: Chuyến du hành đến Afghanistan)
Là cuốn du ký hiếm hoi về Afghanistan, sách mô tả hành trình của tác giả người Anh Jason Elliot đến quốc gia Trung Á, nơi vẫn được xem là xa lạ với khách du lịch. Nhận thức được rủi ro, nhưng quyết tâm khám phá về con người và văn hóa Afghanistan, Elliot lên đường rời khỏi thủ đô Kabul tương đối an toàn để dấn thân vào những hành trình đưa anh đến những ngọn núi tuyết phủ phía Bắc gần biên giới Uzbekistan.
Cuốn sách khắc họa từ vùng thành thị Kabul đến những ngôi làng miền núi xa xôi, ghi chép những câu chuyện truyền miệng được kể bởi nhiều nhân vật khác nhau. Đau thương và sâu sắc, đó là tất cả những gì bạn cần ở một cuốn du ký.
Từ khóa: Taliban, văn học, Afghanistan, văn hóa, đạo Hồi, du ký
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2