67 dự án tranh tài tại vòng chung kết Startup Kite 2021
Cập nhật: 25/11/2021
Công an thành phố Thủ Đức khởi tố nhiều đối tượng gây rối trật tự công cộng
Nghệ An: Phá đường dây vận chuyển ma túy qua đường hàng không
[VOV2] - Sáng 25/11, vòng thi chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp Startup Kite 2021” chính thức khai mạc tại Hà Nội.
Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp Startup Kite 2021” do Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức được phát động vòng cơ sở từ tháng 6 năm 2021.
Sau một thời gian tổ chức, cuộc thi đã nhận được 1.518 ý tưởng, dự án và có 207 dự án của học sinh, sinh viên của 59 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại 33 tỉnh, thành phố được lựa chọn vào Vòng bán kết. Sau vòng thi bán kết, Ban tổ chức đã lựa chọn được 67 ý tưởng, dự án vào vòng chung kết.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, cuộc thi Startup Kite đã trở thành một sân chơi chung về sáng tạo khởi nghiệp và thành công với mục tiêu thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, khởi nghiệp, thúc đẩy các bạn trẻ tin tưởng lựa chọn giáo dục nghề nghiệp, góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước với yêu cầu về kỹ năng nghề cao, có khả năng thích ứng với sự thay đổi của khoa học công nghệ, của việc làm.
"Tôi tin tưởng và hy vọng những dự án khởi nghiệp tốt của các em không chỉ để tham dự cuộc thi này mà sẽ được triển khai trong thực tiễn đời sống, mang lại giá trị hữu ích cho bản thân, cộng đồng và xã hội", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đặt kỳ vọng những dự án tham gia cuộc thi Startup Kitte 2021.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp tục gắn kết với hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là quan tâm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, qua đó góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển của đất nước.
Vòng chung kết “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp Startup Kite 2021” sẽ diễn ra trong 2 ngày 25-16/11/2021 với 67 ý tưởng, dự án cùng tranh tài. Những dự án lọt vào vòng chung kết đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, sản xuất kinh doanh, du lịch, cơ khí – công nghệ ứng dụng, kinh doanh thương mại, chế biến thực phẩm…
Với dự án “Hợp tác xã dệt thổ cẩm Lâm Bình”, đội Startup Kite của trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ Tuyên Quang gây nhiều chú ý khi phát huy nghề truyền thống dệt thổ cẩm của bà con dân tộc thiểu số.
“Tham gia Startup Kite chúng em mong muốn dự án Hợp tác xã dệt thổ cẩm Lâm Bình được nhiều người biết đến, quan tâm đầu tư để từ đó tạo công ăn việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế cho địa phương”, Chẩu Thị Mai, sinh viên trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ Tuyên Quang kỳ vọng.
Ông Đỗ Xuân Trường, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ Tuyên Quang cho biết, tham gia Startup Kite năm 2021, trường đã tổ chức sơ tuyển và lựa chọn được 6 ý tưởng, dự án. Việc dự án “Hợp tác xã dệt thổ cẩm Lâm Bình” lọt vào vòng chung kết phần nào cho thấy ý tưởng mang ý nghĩa xã hội cũng như tính khả thi cao.
“Hiện nay du lịch Tuyên Quang rất phát triển thu hút nhiều khách ở trong và ngoài nước. Tiềm năng phát triển du lịch rất lớn và từ đó sẽ mang đến cơ hội cho những sản phẩm truyền thống như dệt thổ cẩm”, ông Đỗ Xuân Trường chia sẻ.
Năm nay, trường Cao Đẳng Thương Mại và Du Lịch Hà Nội có tới 2 ý tưởng, dự án lọt vào vòng chung kết là: “Sports For All” và “Thực đơn NuElL”. Bà Trịnh Thu Hà, Hiệu trưởng trường Cao Đẳng Thương Mại và Du Lịch Hà Nội khẳng định, đây đều là hai dự án có tính khả thi cao và nếu có cơ hội được đầu tư có thể triển khai vào thực tế được luôn.
“Cuộc thi khởi nghiệp Startup Kite 2021 thực sự mang đến nhiều giá trị cho học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về khởi nghiệp. Từ yêu cầu của thực tiễn, từ những nỗi đau của con người, các em phải tìm ra giải pháp, ý tưởng khởi nghiệp để giải quyết những vấn đề từ cuộc sống”, bà Trịnh Thu Hà nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Lê Bạch Dương, Phó trưởng đại diện Quỹ dân số liên hợp quốc khẳng định, UNFPA mong muốn hỗ trợ cho thanh niên nhằm khai thác tối đa tiềm năng vừa hỗ trợ các nhóm dân số dễ bị tổn thương, trong đó có người cao tuổi và người khuyết tật, vừa chuẩn bị vững chắc cho tương lai.
Ông Dương tin tưởng, các bạn trẻ học sinh – sinh viên chính là động lực phát triển của mọi quốc gia. UNFPA tin rằng khai thác và nắm bắt kịp thời những đổi mới sáng tạo đột phá sẽ giúp khởi tạo một tương lai bền vững hơn.
Từ khóa: Khởi nghiệp, học sinh, sinh viên, giáo dục nghề nghiệp, Startup Kitte 2021, UNFPA, đổi mới, sáng tạo
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2