65.300 người có công và thân nhân người có công ở Thanh Hóa đang hưởng trợ cấp

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Thanh Hóa là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và yêu nước đã góp nhiều sức người, sức của cùng với nhân dân cả nước đấu tranh giải phóng dân tộc trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, toàn tỉnh có 65.300 người có công với cách mạng và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, với kinh phí thực hiện hơn 200 tỷ đồng/tháng.

 

Bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa còn tăng cường huy động sự tham gia của toàn xã hội với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, hỗ trợ, giúp đỡ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Đỗ Văn Mười - Trưởng phòng Người có công - Sở Lao động TBXH tỉnh Thanh Hóa.

PV: Thưa ông, Thanh Hóa là tỉnh lớn, số lượng người có công, gia đình chính sách lớn. Việc quan tâm, chăm sóc đời sống người có công với cách mạng được địa phương quan tâm thực hiện như thế nào?

Ông Đỗ Văn Mười: Thanh Hóa là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và yêu nước đã góp nhiều sức người, sức của cùng với nhân dân cả nước đấu tranh giải phóng dân tộc trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, toàn tỉnh đang quản lý 350.377 người có công với cách mạng, trong đó có 4.634 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện có 59 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống); 55.977 liệt sĩ; 860 cán bộ lão thành cách mạng, 444 cán bộ tiền khởi nghĩa, 43.610 thương binh; 15.977 bệnh binh; 15.237 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 1.169 người có công giúp đỡ cách mạng; 1.636 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 210.833 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân, Huy chương... Hiện nay, toàn tỉnh có 65.300 người có công với cách mạng và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, với kinh phí thực hiện 200,8 tỷ đồng/tháng; trên 99,8% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; 100% các Mẹ Việt Nam anh hùng đã được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời. 

Việc chăm sóc sức khoẻ đối với người có công và thân nhân được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đã tổ chức điều dưỡng luân phiên và điều dưỡng tại gia đình nhằm chăm sóc sức khỏe cho 21.210 người có công với cách mạng và thân nhân người có công, với tổng kinh phí 47,654 tỷ đồng (trong đó điều dưỡng luân phiên 4.556 người, tổng kinh phí 16,8 tỷ; điều dưỡng tại gia đình 16.654 người, tổng kinh phí 30,8 tỷ). Thực hiện chế độ trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho hơn 1.595 người có công với cách mạng và thân nhân người có công, với tổng kinh phí thực hiện hơn 1,3 tỷ đồng.

Cùng với việc chăm sóc, tri ân những người còn sống, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ cũng đã được chú trọng. Đặc biệt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin luôn được đẩy mạnh. Có thể nói, Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” đã trở thành hoạt động thường xuyên, phát huy được sức mạnh của cộng đồng chăm lo gia đình người có công với nước.

PV:  Mới đây (ngày 1/7/2024), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75 ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 55 ngày 21/7/2023 của Chính phủ. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh từ 2.055.000 đồng lên mức 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất trong các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong 20 năm qua. Vậy đến thời điểm này, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng theo Nghị định mới được địa phương triển khai thực hiện thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Mười: Thực hiện Nghị định số 77/2024/NĐ-CP, ngay trong tháng 7/2024, Sở LĐTBXH đã có Công văn số 3276/ SLĐTBXH-KHTC ngày 12/7/2024 về việc báo cáo nhu cầu thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với NCC với cách mạng theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa rà soát đối tượng, tổng hợp nhu cầu kinh phí tăng thêm năm 2024 để thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cấp cho các đối tượng đang hưởng theo quy định tại Nghị định số 77/2024/NĐ-CP theo từng đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở báo cáo nhu cầu kinh phí của các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa, Sở LĐTBXH đã tổng hợp và có Công văn số 3426/SLĐTBXH-KHTC ngày 19/7/2024 báo cáo Bộ LĐTBXH đề nghị sớm bổ sung kinh phí để triển khai thực hiện với tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh tăng thêm năm 2024 toàn Tỉnh là 347.348.778.000đ.

Song song với việc đề nghị bổ sung kinh phí, Sở LĐTBXH cũng đã tổ chức rà soát, tổng hợp đối tượng đang hưởng trợ cấp, đấu mối với Trung tâm tin học của Bộ để chuẩn bị phần mềm điều chỉnh và thường xuyên đấu mối với Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ LĐTBXH để tiếp nhận kinh phí bổ sung thực hiện điều chỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Bộ vẫn chưa giao dự toán bổ sung theo Nghị định số 77/2024/NĐ-CP (hiện tại Bộ Tài chính chưa giao dự toán sang Bộ LĐTBXH nên Bộ LĐTBXH chưa có dự toán giao cho các địa phương, các tỉnh khác cũng như Thanh Hóa, chưa thực hiện điều chỉnh được).

Hiện nay, Sở LĐTBXH Thanh Hóa vẫn đang tiếp tục phối hợp với Bộ LĐTBXH. Ngay sau khi Bộ Lao động-TBXH có quyết định bổ sung dự toán kinh phí, Sở LĐTBXH sẽ triển khai phân bổ kinh phí cho các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức chi trả kinh phí điều chỉnh theo Nghị định số 77/2024/NĐ-CP đối với các đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân theo đúng quy định.

PV: Để đảm bảo đời sống người có công với cách mạng có cuộc sống bằng hoặc cao hơn người dân nơi cư trú, ngoài việc chi trả chế độ chính sách đối với người có công theo quy định, công tác xã hội hóa, huy động sự chung tay chăm lo đời sống người có công được địa phương triển khai bằng những mô hình, cách làm cụ thể như thế nào?

Ông Đỗ Văn Mười: Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các địa phương thực hiện các chương trình chăm sóc thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng đẩy mạnh phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”. Qua đó, công tác huy động nguồn lực chăm sóc, ưu đãi người có công đã được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức, việc làm cụ thể, thiết thực góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người có công cách mạng.

Trong 2 năm 2022 - 2023, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cấp tỉnh đã vận động được số tiền trên 2,7 tỷ đồng; năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID nên không vận động thu quỹ Đền ơn đáp nghĩa; từ nguồn Quỹ vận động được, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ 350 triệu đồng để xây dựng và sửa chữa nhà đối với người có công; hỗ trợ 14,5 triệu đồng để cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ, nhà bia ghi công liệt sĩ; hỗ trợ 137 triệu đồng cho người có công với cách mạng gặp khó khăn trong đời sống, học tập.

Công tác thăm hỏi, động viên, tặng quà đối tượng chính sách người có công với cách mạng vào các dịp lễ, tết được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/2024, toàn tỉnh có trên 370.000 lượt người có công với cách mạng và thân nhân được nhận quà của Chủ tịch nước và quà tặng của tỉnh với tổng kinh phí thực hiện trên 100 tỷ đồng (trong đó, vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ và Tết Nguyên đán hàng năm trích ngân sách của tỉnh bố trí khoảng 50 tỷ đồng tặng quà cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công); quà tặng của huyện, xã, các tổ chức và doanh nghiệp 25 tỷ đồng.

Các Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đã được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, thường xuyên đến thăm hỏi, kịp thời động viên an ủi khi mẹ ốm đau; nhiều đơn vị ngoài việc phụng dưỡng tiền trợ cấp hằng tháng, còn hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, mua sắm đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt trong gia đình.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian tới, chính quyền các cấp, các địa phương sẽ tập trung, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng, cụ thể như: Tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng theo Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với người có công với cách mạng, trong đó đặc biệt quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực, huy động sự tham gia của toàn xã hội để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; đẩy mạng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, tập trung phổ biến các chính sách mới quy định tại Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Từ khóa: thanh hóa, thanh hóa, người có công, thân nhân, hưởng trợ cấp, ưu đãi

Thể loại: Xã hội

Tác giả: sỹ đức/vov1 (thực hiện)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan