600 cuộc họp và 1 thế giới xung đột: Bài toán khó của Đại Hội đồng LHQ
Cập nhật: 25/09/2019
Bến Tre: Tưng bừng lễ hội Hoa - kiểng “Sắc màu Chợ Lách”
Vietnam attracts global travelers for Lunar New Year celebrations
VOV.VN - Cuộc họp thường niên của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ diễn ra trong tuần này giữa bối cảnh một loạt các cuộc khủng hoảng đang xảy ra trên thế giới.
Chiến tranh thương mại, di cư, nguồn cung năng lượng, biến đổi khí hậu, xóa đói nghèo đều là những chủ đề nổi bật trong chương trình nghị sự của 193 thành viên Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, các động thái của chính quyền Tổng thống Trump, đôi khi bất đồng với các thể chế quốc tế chẳng hạn như Liên Hợp Quốc, sẽ tạo nên mẫu số chung cho các vấn đề trên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2018. Ảnh: New York Times |
"Tất cả các chủ đề quan trọng mà tôi nghĩ rằng mọi người đều nói đến chắc chắn sẽ liên quan tới câu hỏi: Chính sách của Mỹ là gì?", ông Jeffrey D.Feltman - một nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ và từng là cựu Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhận định.
Một số nhà lãnh đạo sẽ không tới tham dự kỳ họp này, đáng chú ý nhất là sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng không tới tham dự do chính quyền Tổng thống Trump và khoảng 50 chính phủ khác không công nhận nhà lãnh đạo này là Tổng thống hợp pháp.
Tuy nhiên, một nhân vật quan trọng khác, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ tham dự kỳ họp này và có kế hoạch sẽ gặp Tổng thống Trump.
Dưới đây là một số sự kiện cũng như những cuộc tranh luận lớn nhất có thể xảy ra trong phiên họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đầu tuần này.
Những nhà lãnh đạo chung chí hướng: Bolsonaro, Trump, el-Sisi, Erdogan
"Cuộc thảo luận" chung của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ bắt đầu ngày 24/9 và quốc gia đầu tiên phát biểu chính là Brazil. Bài phát biểu của Tổng thống Brazil Jair M. Bolsonaro, người đôi khi được gọi là mini-Trump, sẽ có nội dung được cho là nhằm xóa tan những lo ngại về biến đổi khí hậu cũng như những chỉ trích trên Twitter về tình trạng cháy rừng Amazon.
Tổng thống Trump sẽ là người phát biểu sau đó. Sự xuất hiện cũng như sự khó đoán định của nhà lãnh đạo Mỹ là điều nổi bật tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc trong 2 năm qua. Năm 2018, ông Trump đã khiến Ngoại trưởng Trung Quốc vô cùng sốc khi cáo buộc Bắc Kinh can thiệp vào bầu cử Mỹ khi 2 người ngồi tại bàn Hội đồng Bảo an.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng là những nhà lãnh đạo sẽ phát biểu trong phiên thảo luận này.
Vấn đề Iran
Cho tới gần đây, nhiều nhà quan sát kỳ vọng rằng Tổng thống Trump sẽ tạo nên cuộc gặp lịch sử với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Tuy nhiên, cuộc tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Araia ngày 14/9 đã khiến cuộc gặp này trở nên bất khả thi khi Washington và Riyadh cáo buộc Tehran đứng đằng sau vụ tấn công.
Căng thẳng Mỹ - Iran chắc chắn sẽ là một vấn đề "phủ bóng" lên cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Các quan chức Mỹ sẽ đưa ra những thứ mà họ gọi là bằng chứng nhằm chứng minh việc Iran đã tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình, bất chấp việc Tehran phủ nhận cáo buộc này và lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen đã đứng ra nhận trách nhiệm.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Rouhani sẽ phát biểu ngày 25/9 tới và ông gần như chắc chắn sẽ tái khẳng định việc Tổng thống Trump châm ngòi cho vòng xoáy xung đột khu vực sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015 và áp các lệnh trừng phạt kinh tế lên nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Nhà lãnh đạo Iran cũng bị Mỹ áp các giới hạn đi lại khiến ông chỉ có thể đi lại trong một khu vực nhỏ gần trụ sở của Liên Hợp Quốc.
Một quan chức cấp cao Liên Hợp Quốc khẳng định rằng "căng thẳng vùng Vịnh sẽ là bối cảnh dẫn đến nhiều sự kiện và các cuộc gặp khác".
Còn theo Giám đốc Trung tâm Khủng hoảng Quốc tế của Liên Hợp Quốc Richard Gowan, cơ hội cho cuộc gặp Mỹ - Iran gần như bằng 0 và "thay vì đạt được đột phá về ngoại giao, chúng ta có thể sẽ thấy một cuộc khẩu chiến".
Mỹ vắng mặt trong cuộc họp về biến đổi khí hậu
Cuộc khủng hoảng khí hậu là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Khoảng 60 nguyên thủ quốc gia sẽ phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động Khí hậu ngày 23/9 và các quan chức tham dự cũng sẽ trình bày các sáng kiến về giảm lượng carbon thải ra từ các tòa nhà.
Mỹ không có kế hoạch sẽ tham dự hội nghị này khi Tổng thống Trump tuyên bố năm 2017 rằng ông rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, một số thống đốc các bang ở Mỹ thuộc Liên minh Khí hậu Mỹ cho biết họ sẽ tham gia hội nghị này và gặp các phái đoàn khác.
Hội nghị này sẽ đạt được kết quả thực tế như thế nào hiện vẫn chưa rõ. Liên Hợp Quốc không có lực lượng toàn cầu ngăn chặn tình trạng ô nhiễm trên hành tinh của chúng ta nên điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của 193 quốc gia.
Thương chiến Mỹ - Trung
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc bên lề cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Ông Mnuchin cũng cho biết Mỹ đang tìm cách tạo nên một bầu không khí hiệu quả hơn để nối lại các cuộc đàm phán thương mại giữa 2 nước sau nhiều tuần căng thẳng. Mỹ và Trung Quốc gần đây cũng đã giảm bớt các hành động làm leo thang cuộc chiến thuế quan.
Căng thẳng Nhật-Hàn – 2 đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á
Căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc xuất phát từ những tranh cãi xoay quanh vấn đề bồi thường lao động thời chiến đã leo thang sang nhiều lĩnh vực khác từ thương mại cho tới ngoại giao và an ninh. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In sẽ không gặp nhau bên lề cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Liệu Tổng thống Trump có thể xoa dịu 2 đồng minh quan trọng của mình ở châu Á trong một cuộc gặp 3 bên hay không hiện vẫn chưa rõ trong khi vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên mà cả 3 nước đều quan tâm hầu như đạt được rất ít tiến triển.
Mặc dù Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In được cho là "cầu nối" cho tiến trình ngoại giao Mỹ - Triều song Bình Nhưỡng không có kế hoạch chính thức nào sẽ tham dự cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tuần này.
Những rạn nứt trong quan hệ Mỹ - Thổ
Tổng thống Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sẽ gặp nhau bên lề phiên họp của Đại Hội đồng nhưng kết quả cuộc gặp không có gì chắc chắn là sẽ đạt được kết quả tốt nhất. Một loạt các vấn đề khó khăn đã khiến quan hệ 2 nước đứng trước những vết rạn khó hàn gắn.
Chính quyền Tổng thống Trump đang cân nhắc đến các lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ sau khi đồng minh NATO này mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga thay vì hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng thể hiện sự không hài lòng với Mỹ về các cuộc tuần tra chung ở phía bắc Syria giáp biên giới với nước này.
Ông Erdogan khẳng định Mỹ đã thất bại trong việc thiết lập một khu vực phi quân sự đủ lớn đế rút các tay súng người Kurd khỏi khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 21/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo rằng các lực lượng của nước này sẽ thực hiện "các hành động đơn phương" dọc biên giới nếu Mỹ không có bất kỳ động thái gì vào cuối tháng này.
Điểm nóng Afghanistan
Afghanistan cũng là một vấn đề "nóng" tại phiên họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc sau khi cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến 18 năm ở quốc gia Nam Á này giữa Taliban và Mỹ sụp đổ.
Giữa bối cảnh cuộc bầu cử ở Afghanistan sẽ diễn ra vào thứ Bảy tuần sau (28/9), Tổng thống nước này Ashraf Ghani sẽ không tham dự cuộc họp của Đại Hội đồng. Thay vào đó, phái đoàn này sẽ do Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Ashraf là Hamdullah Mohib dẫn đầu./.
Cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc với những vấn đề nóng của thế giới
Từ khóa: Liên Hợp Quốc, thế giới xung đột, thương chiến Mỹ Trung, biến đổi khí hậu, Trung Quốc vắng mặt ở Liên Hợp Quốc
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN