60 năm Tàu Không số cập cảng Vũng Rô, những câu chuyện chưa bao giờ cũ

Cập nhật: 16/11/2024

VOV.VN - 60 năm đã trôi qua kể từ ngày chiếc Tàu Không số đầu tiên cập bến Vũng Rô, tỉnh Phú Yên mang hàng hóa, vũ khí phục vụ chiến trường miền Nam, những câu chuyện về lòng dũng cảm, mưu trí, về ý chí cách mạng của những người lính Hải quân nơi con đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn vang vọng.

Vào Bộ đội từ năm 19 tuổi, ông Hồ Đắc Thạnh tham gia Đội Trinh sát của thành phố Tuy Hòa, chiến đấu chống Pháp ở Phú Yên. Đến năm 1954, ông Hồ Đắc Thạnh tập kết ra Bắc. Sau đó, ông Thạnh được đào tạo sĩ quan rồi nhận nhiệm vụ làm thuyền phó rồi đến thuyền trưởng Tàu Không số, vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện cho miền Nam.

Đã 91 tuổi nhưng ông Thạnh vẫn còn nhớ những lần chuyển vũ khí vào bến Vũng Rô năm xưa. Ngày đó, ông làm Thuyền trưởng tàu 41 vận chuyển 3 chuyến hàng cập bến Vũng Rô thành công, đưa vũ khí và lương thực về quê hương Phú Yên năm 1964. Ông Hồ Đắc Thạnh nhớ lại: Trưa 28/11/1964, khi đến hải phận quốc tế ngang vịnh Vũng Rô, ông đã khéo léo cho tàu lách qua 3 tuyến phòng thủ của địch chạy thẳng vào vịnh. Tối tàu vào đến vịnh Vũng Rô, cảm xúc về quê hương cứ trào dâng trong ông. Không có người đón, ông liền cho 2 thủy thủ bơi thuyền vào liên lạc. Bắt được liên lạc, ai nấy đều vui mừng.

Ông chọn Bãi Chùa để bốc dỡ vũ khí nhưng vì khối lượng lớn nên không kịp. Ông quyết định cho tàu ngụy trang trước 4 giờ sáng để đến tối lại bốc dỡ tiếp. Đêm hôm sau, tàu vào Bãi Chính, đến 3 giờ sáng, toàn bộ 63 tấn vũ khí được giao cho quân giải phóng. Chuyến thứ 2 vào đến vịnh Vũng Rô ngày 25/12/1964. Ngoài vũ khí cùng 4 cán bộ chi viện, tàu còn mang theo 3 tấn gạo cho đơn vị bến Vũng Rô đang thiếu lương thực.

Không thể kể hết tình cảm của quân, dân đơn vị bến Vũng Rô khi ấy. Chuyến này, vào vịnh Vũng Rô bí mật an toàn tuyệt đối. Ngay khi về đến Hải Phòng, tàu lại được lệnh đi chuyến thứ 3 để vào đến Vũng Rô đúng Tết Ất Tỵ- năm 1965. Tối 31/1/1965, tàu vào vịnh Vũng Rô, pháo nổ trắng trời, mọi người cứ ngỡ bị lộ. Nhưng khi nghe lời chúc Tết của Bác Hồ qua radio, mọi người nhận ra giao thừa đã điểm.

Ông Hồ Đắc Thạnh nhớ lại, lúc đó, tất cả anh em trên tàu đều nghe rõ lời Bác đọc thơ chúc Tết: “Chuyến thứ 3, lúc là 23 giờ 50 phút, ngày 30 Tết tàu mình đến. Trong lúc hai bên mừng rỡ ôm nhau thì trên Đèo Cả tất cả pháo sáng xanh, đỏ phóng đầy hết, tất cả súng lớn, súng nhỏ bắn rền vang. Mình cứ ngỡ, như vậy lộ rồi. Dưới phòng báo vụ bắt đầu mở đài lên, Bác Hồ đang chúc Tết, anh em vỡ oà niềm vui. Mình bảo, à như thế là giao thừa chứ không phải tàu mình bị lộ. Anh em ôm nhau mừng vui. Coi như cái Tết đầu tiên nghe thư Bác đọc chúc Tết tại chiến trường”.

Nếu kỳ tích Tàu Không số - Bến Vũng Rô là huyền thoại của Hải quân Việt Nam thì những chiến sĩ bảo vệ bến cũng góp phần làm nên huyền thoại ấy.

Cựu binh Ngô Văn Định là một trong số ít người còn lại của K60, đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ bến Vũng Rô, tổ chức chuyển hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men từ những chuyến Tàu Không số trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông nhớ mãi niềm vui mừng khôn xiết của quân và dân ta ở thời khắc từng chuyến Tàu Không số cập bến Vũng Rô.

Ông Ngô Văn Định bồi hồi kể, từ bến Vũng Rô, theo những con đường mòn bí mật len qua khe núi, đèo dốc, hàng nghìn thanh niên xung kích, dân công ngày đêm vận chuyển khí tài về hậu cứ và tỏa đi khắp các chiến trường Nam Trung Bộ, kịp thời phục vụ những trận đánh lớn, mở rộng vùng giải phóng: “Niềm vui của chúng tôi là ngay từ đầu, khi nhìn thấy những bó vũ khí, những thùng đạn của chuyến hàng đầu tiên đã mừng khôn xiết, tức là mình có vũ khí, có đạn dược, có trang bị rồi là rất mừng. Cho nên, đến chuyến tàu thứ hai là càng mừng nữa. Đến chuyến tàu thứ ba gặp ngay trong dịp Tết, giữa thủy thủ với anh em, với lãnh đạo ở trên bến, rất đơn giản, một cành đào, một bát cơm thơm, con gà. Rất là vui mừng.”

Đến tháng 2/1965, Bộ Tư lệnh Hải quân giao nhiệm vụ cho tàu C143 do Thuyền trưởng Lê Văn Thêm, Chính trị viên Phan Bá Bảng phụ trách vận chuyển 60 tấn vũ khí vào Lộ Diêu, tỉnh Bình Định. Do tình hình cập bến Bình Định khó khăn nên chuyển sang cập bến Vũng Rô vào 23 giờ ngày 15/2. Sau 4 giờ, hàng được bốc dỡ hết, tàu quay ra nhưng phát hiện tời neo bị hỏng. Các chiến sỹ buộc phải dừng để sửa, lấy cành lá ngụy trang cho tàu. Không may, máy bay địch phát hiện “mỏm đá lạ nhô ra trên vách núi phía tây Vũng Rô”. Chúng thả bom xăng, bắn rocket thiêu rụi lớp ngụy trang, rồi điều động số lượng lớn máy bay, tàu chiến cùng bộ binh trên đèo Cả kéo xuống vây ráp. Các thủy thủ tàu cùng bộ đội, dân quân du kích anh dũng chống trả, không để địch cướp tàu. Đêm 17/2, quân ta quyết định phá hủy tàu C143, mang theo bí mật của “đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Riêng chiếc Tàu Không số do ông Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng cập bến Vũng Rô thành công 3 chuyến, là chiếc tàu duy nhất hai lần được trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Bây giờ, tàu mang số hiệu 671 được đưa về Bảo tàng Quân chủng Hải quân. Tàu đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia đợt 6 năm 2017. Năm 1984, ông Hồ Đắc Thạnh về hưu. Năm 2011, ông được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Nói về đường Hồ Chí Minh trên biển, ông Hồ Đắc Thạnh cho biết: “Đây là một sự sáng tạo rất độc đáo của Đảng, Bác Hồ và Quân ủy Trung ương, một con đường mà có thể nói trên thế giới chưa bao giờ có tiền lệ. Thứ hai là con đường này phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc, thể hiện khát vọng độc lập – tự do và thống nhất nước nhà”.  

Bến Vũng Rô ngày nào giờ là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia, khắc ghi mốc son đầy tự hào trong lịch sử dân tộc. Ông Lê Hoàng Phú, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cho biết: Di tích lịch sử Vũng Rô mỗi năm có hàng chục ngàn lượt khách đến đây, tỏ lòng thành kính trước các Anh hùng liệt sỹ và tưởng nhớ lại những năm tháng hào hùng trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:“Lễ Kỷ niệm 60 năm bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số vào bến vừa mới diễn ra đã tôn vinh, ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, của những cán bộ, chiến sĩ dân công đã bảo vệ, phục vụ bến Vũng Rô trực tiếp trung chuyển, vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí từ các chuyến tàu Không số từ Bắc vào Nam cập bến Vũng Rô, góp phần làm nên con đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Từ khóa: Phú Yên, Phú Yên, Vũng Rô,huyền thoại

Thể loại: Nội chính

Tác giả: lê hiếu/vov-miền trung

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập