6 điều người cao tuổi nên tránh

Cập nhật: 15/08/2021

[VOV2] - Con người khi về già, các bộ phận trong cơ thể đều lão hóa, yếu đi. Một số điều sau đây luôn ẩn chứa những hiểm họa bất ngờ mà người cao tuổi cần phải lưu tâm đề phòng.

1 - Không nên tập luyện vào lúc sáng sớm.

Ta vẫn có quan niệm cho rằng tập luyện vào buổi sáng là tốt vì không khí trong lành. Điều đó không đúng. Vì từ 4-6 giờ sáng theo quy luật của đồng hồ sinh học của người già thân nhiệt đang cao, huyết áp tăng, thận thượng tuyến tố cũng cao gấp 4 lần buổi tối, nếu vận động mạnh, chạy hoặc đi bộ nhiều gặp gió lạnh, tim dễ ngừng đập. Đã có không ít cụ đi bộ buổi sáng sớm về ra mồ hôi, tắm xong huyết áp tăng đột ngột, đứt mạch máu não, đột quỵ luôn. Tốt nhất là nên tập vào chiều tối, tuy không khí không được thanh sạch nhưsáng sớm nhưng an toàn hơn nhiều.

2 - Đang ngủ không nên trở dậy vội vàng.

Thần kinh người già thường chậm chạp. Lúc ngủ muốn dậy đi tiểu hoặc có ai gọi đang ở tư thế nằm mà trở dậy ngay, đi lại luôn dễ làm huyết áp tăng đột ngột, dễ dẫn đến đứt mạch máu não. Vì vậy, đang ngủ khi có việc cần dậy phải từ từ theo 3 bước, mỗi bước khoảng nửa phút. Bước 1 khi tỉnh giấc hãy nhắm mắt lại nằm thêm nửa phút. Bước 2, ngồi dậy tại giường nửa phút xoa tay, xoa chân. Bước 3, cho hai chân chạm đất hoặc chạm nền nhà nửa phút rồi mới đứng dậy đi.

3 - Không nên ngoái đầu một cách đột ngột.

Người già mạch máu thường xơ cứng, thành mạch dày hẹp và đàn hồi kém. Nếu đột nhiên quay ngoắt đầu về phía sau, mạch máu ở cổ bị chèn ép, động mạch vốn đã hẹp bị chèn ép lại càng hẹp hơn cộng thêm thần kinh giao cảm bị kích thích mạnh làm mạch máu co lại, máu lưu thông chậm làm não thiếu máu cục bộ, thiếu ôxy nên bị choáng, hoa mắt, chóng mặt, có người đã bị ngã. Vậy đang đứng hoặc đang đi có ai gọi từ phía sau, chớ có quay ngoắt đầu lại ngay mà nên quay chầm chậm. Tốt nhất là xoay cả người lại, tránh chỉ quay đầu.

4 - Không nên đứng co một chân để mặc quần.

Xương của người già thường bị xốp do thiếu canxi. Nếu không bị xốp thì xương cũng giòn. Khi mặc quần mà đứng co chân để xỏ từng chân vào ống quần dễ bị ngã do mất thăng bằng hoặc do vướng vào quần. Người cao tuổi đã ngã thì dễ gãy xương, dập xương. Khi mặc quần tốt nhất là nên ngồi trên ghế hoặc trên giường. Trong nhà tắm nếu không có chỗ ngồi thì phải dựa mông vào một bên tường để giữ thăng bằng cho khỏi ngã. Nhiều người bị ngã gãy xương ống chân, dập xương chậu vì đứng co chân mặc quần.

5 - Không nên quá ngửa cổ về phía sau.

Có lần một ông già đã về hưu cạnh nhà tôi, sức khỏe tốt, khi ăn tối xong ngồi nghỉ trên ghế tựa có lẽ do mỏi cổ nên ông đã ngửa cổ về phía sau hơi quá nên bị xỉu luôn. Khi con cháu biết thì nửa người bên phải của ông đã bị liệt, nước mũi nước dãi chảy ròng ròng và không nói được nữa, phải đưa ngay vào viện. Trường hợp này là do gần mạch máu nơi cổ có nhiều đốt xương, bình thường giữa các đốt có chất nhờn bôi trơn nhưng về già chất bôi trơn kém đi, các đốt xương trở nên sắc cạnh. Khi ngửa cổ ra phía sau quá giới hạn cho phép, phần xương sắc cạnh đó làm tổn thương đến mạch máu, hạn chế lượng máu đưa lên não gây ra thiếu máu não làm ngất xỉu. Vì vậy, người già khi ngồi ghế tựakhông nên ngửa cổ quá.

6 - Đề phòng Chuột rút.

“Chuột” rút hay vọp bẻ là cảm giác đau gây ra bởi sự co rút, thường là co cơ do lạnh hay hoạt động quá sức. Việc sức khỏe giảm sút hoặc bị ngộ độc cũng có thể gây ra “chuột” rút, đặc biệt ở dạ dày.

Thường thì có hai nguyên nhân chính dẫn đến “chuột” rút là thiếu ô xy đến cơ hoặc thiếu nước và muối ăn. Các rối loạn điện giải có thể gây ra “chuột” rút gồm hạ canxi máu (thiếu canxi) hoặc hạ kali máu (thiếu kali), chẳng hạn như khi ra mồ hôi quá nhiều mà không được bù đắp. Ở phụ nữ, sự hành kinh cũng gây ra “chuột” rút với  mức độ nhất định tại vùng bụng gây đau lan tỏa ra thắt lưng và đùi. Lý do là vì máu phải chạy qua cổ tử cung nhiều hơn. Một số phụ nữ mang thai cũng hay bị “chuột” rút, nhiều khi vào ban đêm. “Chuột” rút do thiếu ôxy có thể được chữa bằng việc hít thở sâu và làm dãn cơ. “Chuột” rút do thiếu nước và muối ăn có thể chữa bằng việc dãn cơ, uống thêm nước và ăn thêm muối. Khi đã bị “chuột” rút thì phải làm dịu cơn đau bằng các động tác đơn giản như sau: 

- Nếu “chuột” rút ở bắp chân thì kéo chân ra, đồng thời ấn mạnh phần cuối của bắp chân trên một mặt phẳng cứng. Nếu bị rút ở đùi thì nhờ người khác dùng một tay đỡ gót chân để làm cho đầu gối của mình căng thẳng, tay kia ấn đầu gối xuống dưới.  Sau đó xoa bóp vùng bị “chuột” rút.  

- Nếu “chuột” rút ở bàn chân thì cầm đầu bàn chân kéo nhẹ rồi đứng dậy và đứng thẳng người một lúc nhưng không cho gót chạm đất.  

- Có thể dùng dầu xoa bóp vùng bị “chuột” rút đồng thời bắt cơ bắp làm việc nhẹ nhàng đến khi hết “chuột” rút. Tắm nước nóng cũng tốt, giúp các cơ dãn ra, lấy lại tính đàn hồi.  

- “Chuột” rút ở bàn tay tuy ít xảy ra nhưng có thể gặp ở những người phải sử dụng bàn tay với động tác lặp đi lặp lại trong thời gian dài (nhà văn, người chơi vĩ cầm...). Hãy kéo nhẹ các ngón, rồi xoa bóp bàn tay.  

Cũng có thể phòng ngừa “chuột” rút bằng cách uống nhiều nước, ăn đủ muối khoáng hoặc cung cấp các chất này thường xuyên sau khi ra mồ hôi. Trước khi bơi lội hay hoạt động thể thao, cần khởi động kỹ để điều hòa tuần hoàn máu, tránh tiếp xúc với nước lạnh đột ngột, ăn uống đủ dinh dưỡng để giữ ấm cơ thể./.

Từ khóa: người cao tuổi, phòng tránh, tập thể dục thể thao, bơi lội

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập