6 bí quyết khiến chồng lắng nghe và thông cảm với bạn hơn

Cập nhật: 23/11/2020

VOV.VN - Những lục đục trong hôn nhân thường bắt nguồn từ việc thiếu thấu hiểu và bất đồng trong quan điểm với nhau. Vậy phụ nữ phải làm sao để chồng lắng nghe mình hơn, tránh những bất đồng sinh ra cãi vã?

Hôn nhân thì không tránh khỏi những xích mích nhưng nếu anh ấy cứ ngoảnh mặt làm ngơ hay chỉ ậm ừ cho qua thì không những mọi chuyện không được giải quyết mà còn có thể biến thành một cuộc cãi vã to hơn chỉ vì sự vô tâm ấy. Hoặc nếu như giữa hai người không có khúc mắc gì, chỉ đơn giản là anh ấy quá thiếu sự thấu hiểu hay kiên nhẫn để lắng nghe bạn, vậy thì phải làm sao?

Hãy tham khảo 6 bí quyết này nhé:

1. Đưa ra cảnh báo trước

Đàn ông thường vô tâm nên sẽ rất khó để anh ấy biết rằng mình đã làm gì đó khiến bạn khó chịu. Thế nên, đừng đổ ập xuống giận dỗi anh ấy vì một việc anh ấy thậm chí còn không ý thức được rằng mình đã gây ra. Điều đó sẽ khiến chàng khó chịu thay vì cảm thấy có lỗi.

Hãy gửi tin nhắn thông báo với anh ấy rằng bạn muốn nói chuyện hoặc gọi điện hẹn một thời gian cụ thể cho một cuộc nói chuyện nghiêm túc. Anh ấy sẽ có sự chuẩn bị tâm lý trước và biết đâu, sẽ tự vấn lại bản thân và phát hiện ra lỗi sai của mình trước để chủ động nhận lỗi.

2. Chọn đúng thời gian, địa điểm

Thông thường, trong các cuộc "vạch tội" thì "người bị hại" thường là chúng ta vì vậy ta sẽ nói ra ngay lúc mình cảm thấy ấm ức nhất, thuận miệng nhất. Những cuộc nói chuyện này thường mang tính bộc phát, không chọn lựa thời gian hay địa điểm. Nhưng thời điểm đó chưa chắc là thuận tiện cho đối phương.

Thay vì nói vào lúc anh ấy đang làm việc gì đó, trước giờ đi ngủ hay khi có đông người xung quanh hãy chọn thời gian riêng tư hơn, khi chung quanh yên tĩnh, không có ai khác và cả hai đều trong trạng thái rảnh rỗi để câu chuyện không gây phiền nhiễu, dễ dàng để giải quyết hơn.

3. Dùng ngôi thứ nhất thay vì ngôi thứ hai

Thay vì nói những câu đại loại như "Anh lúc nào cũng lờ em đi" hay "Anh toàn vứt tất bẩn linh tinh thôi". Hãy dùng những câu như " Em rất buồn khi anh không để ý đến lời em nói" hoặc " Em thích anh bỏ đồ bẩn vào giỏ hơn". Cách nói đầu tiên khiến người ta có cảm giác như bị kết tội, còn cách thứ 2 chỉ đơn giản là bạn đang bày tỏ quan điểm và mong người ấy có thể thay đổi vì bạn.

4. Cân nhắc ngôn từ

Đàn ông và phụ nữ có cách suy nghĩ khác nhau và cách lắng nghe cũng khác nhau. Trong khi phụ nữ thích chia sẻ về mọi thứ, họ thích dùng việc nói chuyện để gắn kết tình cảm thì đàn ông lại có xu hướng ít chia sẻ về những chuyện "lông gà vỏ tỏi" hơn. Vì thế nếu bạn cứ mải mê luyên thuyên về những thứ nhỏ nhặt, điều đó sẽ khiến anh ấy dần tạo thói quen mọi việc bạn nói đều là nhỏ nhặt và không mấy bận tâm. Hãy học cách tiết chế lời nói lại để luôn được lắng nghe.

Với những việc bạn không hài lòng, cũng hãy bày tỏ nó theo hướng góp ý chứ đừng dùng giọng điệu ra lệnh, khó chịu. Hãy học cách sử dụng các câu khẳng định tích cực hoặc cảm thông trước khi bắt đầu chủ đề chính để khiến anh ấy phải đáp lại bằng sự tập trung lắng nghe hơn.

5. Làm gương cho chồng

Cách tốt nhất để được lắng nghe là hãy lắng nghe. Hãy cố gắng lắng nghe và thấu hiểu khi anh ấy nói chuyện với bạn. Có thể điều đó nằm ngoài phạm vi hiểu biết của bạn nhưng hãy cứ nghe và hỏi lại hoặc tìm hiểu thêm vào sau đó. Cảm giác được tôn trọng sẽ khiến anh ấy cũng dành cho bạn sự tôn trọng khi bạn có việc cần nói. 

Và không chỉ vợ mới là người hay có ý kiến về những thói xấu của chồng đâu, các ông chồng cũng có vô số điều chưa được hài lòng ở vợ cần được giải tỏa. Khi bạn lắng nghe, bạn cũng đang tự hiểu được vấn đề của bản thân để cùng cải thiện, giúp cuộc sống gia đình hài hòa hơn.

6. Tránh nhắc lại chuyện cũ

Đây là tối kỵ trong mọi cuộc tranh cãi. Nhắc về người cũ hay đào bới quá khứ không chỉ khiến anh ấy cảm thấy bạn nhỏ nhen, cố tình "thọc dao" vào quá khứ mà còn khiến chính bản thân bạn thấy khó chịu vì ghen tuông với những gì đã qua. Bên cạnh đó, nếu bạn có tiền lệ này, điều đó cũng khiến chồng càng phớt lờ bạn vào những lần sau. Khi bạn muốn nói chuyện, anh ấy sẽ nghĩ "Cô ấy lại sắp lôi chuyện cũ ra rồi" và không chú ý đến những điều bạn nói nữa.

Hãy giữ cuộc trò chuyện đi đúng hướng, tập trung vào đúng vấn đề thay vì cố làm tổn thương nhau vì những chuyện ngoài lề. Nếu bạn thấy mình đang tức giận, hãy hít thở sâu để thư giãn./.

Từ khóa: hôn nhân hạnh phúc, cãi vã, để chồng lắng nghe bạn

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập