50 năm cuộc đối đầu trên không: Thấy trước, chuẩn bị sớm, đánh chặn từ xa

Cập nhật: 17/12/2022

VOV.VN - Cho đến trước ngày Mỹ mở màn cuộc tập kích đường không chiến lược, mọi công tác chuẩn bị của quân ta về lực lượng, về thế trận đã được hoàn tất, giúp các lực lượng sẵn sàng đánh địch ngay từ ngày đầu, giờ đầu.

Sau khi Chiến dịch Linebacker I kết thúc mà không đạt được kết quả như ý muốn, ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon phê chuẩn mở cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội mang mật danh Linebacker II. Trong Chiến dịch này, đế quốc Mỹ sử dụng những vũ khí tiến công chiến lược hiện đại nhất, với quy mô, tính chất ác liệt nhất nhằm hủy diệt Hà Nội, gây sức ép với chúng ta trên bàn đàm phán Paris. Thế nhưng mọi toan tính của người Mỹ đã hoàn toàn sụp đổ, hi vọng và nỗ lực cuối cùng đã biến thành tuyệt vọng cay đắng. Quân và dân ta đã làm nên một chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đập tan siêu pháo đài bay B-52, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi lại bàn đám phán, ký kết Hiệp định Paris.

Thấy rõ bản chất hiếu chiến, xâm lược của đế quốc Mỹ, ngay từ năm 1954, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, Hiệp định Geneve còn đang bỏ ngỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: Chiến tranh chưa thể kết thúc, kẻ thù của dân tộc Việt Nam sau này chính là đế quốc Mỹ. Và thực tế, đế quốc Mỹ đã trở thành kẻ thù chính, trực tiếp của dân tộc Việt Nam trên con đường đi đến ngày thống nhất. Sau nhiều năm tham chiến tại Việt Nam, nhân dân Mỹ đã quá chán nản với cuộc chiến tranh hao người, tốn của mà Chính phủ của họ gây ra. Hàng nghìn, hàng vạn thanh niên Mỹ bị đẩy vào cuộc chiến tranh phi nghĩa. Đế quốc Mỹ chịu sức ép từ nhiều phía, trong đó sức ép lớn nhất đến từ chính người dân Mỹ. Vì lẽ đó, đế quốc Mỹ muốn tìm một giải pháp kết thúc chiến tranh, rút lui trong danh dự. Cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh phía Bắc cuối năm 1972 cũng nằm trong ý định đó. Âm mưu, và ý đồ này không năm ngoài dự đoán của ta. Trước thời điểm cuộc tập kích đường không chiến lược 5 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những căn dặn, cảnh báo sớm cho Bộ đội Phòng không - Không quân về một cuộc tiến công hủy diệt của đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội.

Tiến sĩ Phạm Văn Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng cho biết, năm 1967, khi đến thăm Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm khẳng định, sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 vào đánh, rồi có thua thì chúng mới chịu thua. Người nhấn mạnh là, trước đây ở Triều Tiên trước khi thua, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Cho nên ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua nhưng chúng chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội.

Trước đó, năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn ông Phùng Thế Tài, Tư lệnh Quân chủng Phòng không, phải nghiên cứu tìm hiểu về máy bay B-52, chuẩn bị cách đánh B-52 và phải đánh thắng B-52, vì nhất định chúng sẽ đánh ra miền Bắc. Lời căn dặn của Người đã thôi thúc toàn quân và toàn dân ta bước vào chuẩn bị cho cuộc đối đầu lịch sử. Sự thực đúng như lời Bác Hồ tiên đoán. Ngay từ năm 1965, đế quốc Mỹ đã bắt đầu sử dụng máy bay B-52 trên chiến trường Việt Nam, nhiều lần, chúng sử dụng B-52 xâm phạm vùng trời miền Bắc. Đặc biệt, từ tháng 4/1967, Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá Hà Nội. Từ đó, kế hoạch nghiên cứu đánh B-52 và bắt nhiễu B-52 được bộ đội Radar triển khai trong toàn binh chủng.

Đại tá Nguyễn Văn Chuyên, nguyên sĩ quan dẫn đường không quân, người được mệnh danh là “Cánh chim dẫn đường” cho Không quân nhớ lại những ngày tháng chuẩn bị của bộ đội Radar, trong quá trình nghiên cứu tìm nhiễu B-52.

"Ta sử dụng 4 Radar dẫn đường thành một vòng cung ở 4 vị trí khác nhau, để tập trung bằng bất cứ giá nào cũng phải nhìn thấy được B-52. Vì có nhìn thấy được B-52 thì mới đánh được, nếu không nhìn thấy thì như người mù quờ quạng không thấy được. Cho nên ta đã đưa Radar vào Quảng Bình, Nghệ An, Vĩnh Linh thành một vòng cung, và ta nghiên cứu 3 tháng trời, mới phát hiện được B-52", Đại tá Nguyễn Văn Chuyên cho biết.

Nhiệm vụ của lực lượng Phòng không bảo vệ Hà Nội đã được chúng ta chuẩn bị 10 năm, qua từng giai đoạn, những khó khăn, vướng mắc dần được hé mở. Quân chủng Phòng không - Không quân giao nhiệm vụ cho các lực lượng: Tên lửa, Radar, không quân vào chiến trường Quân khu 4 nghiên cứu cách đánh B-52. Từ đó, những bí ẩn về máy bay B-52 từng bước được giải mã. Đó là căn cứ khoa học để Quân chủng Phòng không - Không quân biên soạn tài liệu “Cách đánh B-52” phổ biến trong toàn Quân chủng. Cùng với đó, bộ đội Tên lửa và bộ đội Không quân là lực lượng chủ lực, nòng cốt tiêu diệt máy bay B-52 đã được huấn luyện, diễn tập nhiều lần sẵn sàng đối phó với các tình huống tập kích của địch.

Trung tướng Trần Hanh, Nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân cho biết: "Trước khi nó đánh mình, thì bộ đội phòng không và không quân đã được luyện tập các số liệu kỹ thuật, các máy bay của địch và hướng dẫn các thủ đoạn của nó có thể xảy ra như thế nào. Đặc biệt là thủ đoạn gây nhiễu và thủ đoạn F4 trực tiếp yểm hộ trong đội hình của B-52. Những cái đó được chuẩn bị từ trước, từ sớm, để khi vào trận đánh là bộ đội phòng không - không quân không bị bất ngờ. Cho nên vào trận rất nhanh, rất thuần thục và rất chủ động".

Theo lời kể của Đại tá Đinh Thế Văn, Nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa 77, để đối phó với cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ, từ cán bộ đến người chiến sĩ đều quán triệt tinh thần quyết tâm rất cao, có sự chuẩn bị rất công phu, không kể ngày đêm, ra sức làm công tác chuẩn bị. Trước khi bước vào chiến đấu, các trắc thủ của đơn vị đã được huấn luyện và nắm rõ được cách xác định dải nhiễu của B-52.

"Công tác chuẩn bị rất đầy đủ, rất chu đáo và rất kỹ lưỡng, kể cả hiệp đồng nhân dân, kể cả công tác chuẩn bị khí tài, đạn dược từ rất sớm. Cho nên, chúng tôi chờ địch vào đánh, chứ không phải là địch vào đánh mà bị bất ngờ. Có thể nói, chuẩn bị trước, chuẩn bị đầy đủ thì có thể thắng gần như 100%", Đại tá Đinh Thế Văn chia sẻ.

Đầu tháng 9/1972, bản “Kế hoạch tác chiến chống cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng” đã được Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân hoàn thành cơ bản. Sau đó, tất cả các đơn vị trong toàn Quân chủng đều được tập huấn về cách đánh B-52. Đích thân Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã xuống Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân trực tiếp thông qua kế hoạch đánh B-52. Theo Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trường, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị, cho đến ngày 3/12/1972, trước ngày Mỹ mở màn cuộc tập kích đường không chiến lược, mọi công tác chuẩn bị của quân ta đã hoàn tất.

"Thứ nhất là chủ động chuẩn bị về lực lượng. Trong khoảng thời gian rất ngắn, chúng ta đã hình thành nên các đơn vị của phòng không, không quân, với 4 lực lượng. Thứ hai là chuẩn bị về thế trận, tạo ra thế trận liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu. Cho nên khi máy bay B52 xuất hiện trên bầu trời miền Bắc, các lực lượng của chúng ta sẵn sàng đánh địch ngay từ những ngày đầu, giờ đầu", Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trường cho biết.

Để chủ động đối phó với cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ, lực lượng tình báo của ta đã tiếp cận được các sân bay ở Thái Lan để kịp thời thông báo thời gian xuất kích của B-52 cho Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo và điều hành các lực lượng chuẩn bị, sẵn sàng đánh địch. Cùng với việc chuẩn bị và từng bước hoàn thiện các phương án đánh trả, công tác phòng tránh cũng đã được chuẩn bị chu đáo và triển khai hiệu quả. Người già, trẻ em được sơ tán đưa ra khỏi thành phố để bảo đảm an toàn. Chỉ riêng ở nội thành Hà Nội, 55 vạn người đã được sơ tán ra khỏi thành phố an toàn trước khi B-52 bay vào gây tội ác.

Như vậy, tất cả các lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, các lực lượng vòng ngoài, vòng trong, từ xa đến gần đã chuẩn bị sẵn sàng, những nòng súng, nòng pháo và tên lửa đã gióng lên bầu trời sẵn sàng lao thẳng vào B52, khi chúng xuất hiện. Quá trình chuẩn bị đánh B-52 cũng là thời gian mà chúng ta phải trải qua rất nhiều gian khổ, mất mát và hi sinh, để loại trừ được nhiễu của B-52, nhận biết được B-52 và tiêu diệt B-52 ngay trên bầu trời Hà Nội. Vậy chúng ta đã tìm nhiễu B-52 như thế nào?

Mời quý độc giả đọc bài viết thứ 2 trong loạt phóng sự 4 bài “Cuộc đối đầu trên không”./.                                                              

Từ khóa: Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, siêu pháo đài bay B52, bộ đội phòng không không quân tiêu diệt B52

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập