5 vũ khí trong cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể định hình chiến tranh tương lai
Cập nhật: 06/08/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Cuộc xung đột Ukraine có thể coi là tiền đề để xác định những loại vũ khí nào sẽ được sử dụng rộng rãi trong các trận chiến trong tương lai.
Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, một số vũ khí chủ lực trong chiến tranh như xe tăng, máy bay chiến đấu và pháo phản lực đã không phát huy hiệu quả tối đa trên chiến trường, thậm chí dễ bị phá hủy, trong khi pháo phản lực, máy bay không người lái và vũ khí chống tăng đã thể hiện hiệu quả ngoài mong đợi. Nhiều loại khác như vũ khí laser được sử dùng để bảo vệ các thành phố và vũ khí vô tuyến điện tử dù rất cần thiết nhưng vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển.
Chiến trường là nơi rõ nhất để phân biệt vũ khí nào hiệu quả, vũ khí nào không. Cuộc xung đột Ukraine cũng không ngoại lệ và đây có thể coi là tiền đề để xác định những loại vũ khí nào sẽ được sử dụng rộng rãi trong các trận chiến trong tương lai.
Vũ khí laser phòng thủ
Cuộc chiến Nga-Ukraine có sự xuất hiện của cả vũ khí không dẫn đường và vũ khí “thông minh” thế hệ mới với khả năng dẫn đường chính xác bằng tia laser hoặc GPS dưới dạng súng cối, pháo, hệ thống tên lửa phóng loạt và tên lửa hành trình tấn công các mục tiêu trên mặt đất. Nga sử dụng tới 60.000 quả đạn pháo mỗi ngày, dội hỏa lực vào các mục tiêu quân sự của Ukraine.
Trước đây, có rất ít biện pháp phòng thủ trước các cuộc tấn công của pháo binh và máy bay ném bom, chủ yếu là phá hủy các phương tiện phóng của chúng. Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia chẳng hạn như Mỹ và Israel đã tập trung phát triển vũ khí laser như một phương tiện bảo vệ quân đội trên thực địa. Tia laser được phóng ra từ thiết bị phát laser có số lượng phát bắn gần như không giới hạn về mặt lý thuyết. Chúng có thể nhanh chóng tấn công mục tiêu và tiêu diệt nhiều mối đe dọa trong vài giây. Trong cuộc chiến ở Ukraine, hệ thống phòng thủ bằng laser đã phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ những mục tiêu phi quân sự.
Tác chiến điện tử
Một trong những lợi thế mà Nga có được ngay từ giai đoạn đầu của cuộc chiến là tác chiến điện tử. Tác chiến điện tử đặc biệt quan trọng trên các chiến trường hiện đại và đang được áp dụng rộng rãi. Bộ Quốc phòng Mỹ định nghĩa tác chiến điện tử là những hoạt động quân sự sử dụng năng lượng điện từ để tấn công hoặc làm gián đoạn hoạt động của đối phương. Nó có thể ảnh hưởng đến mọi thiết bị điện tử và có thể được thực hiện từ trên mặt đất, trên không, trên biển, đất liền hoặc trong không gian.
Từ lâu, Nga đã ưu tiên phát triển những thiết bị gây nhiễu mạnh, có khả năng gây nhiễu radar, GPS và thông tin liên lạc trên chiến trường của đối phương. Một báo cáo gần đây đã nêu bật khả năng tác chiến điện tử cũng như năng lực của Nga trong việc gây nhiễu liên lạc của quân đội Ukaine để làm đối phương suy yếu khả năng phòng thủ. Nga cũng phát đi những tín hiệu vô tuyến, bao gồm tín hiệu điểu khiển máy bay không người lái, tín hiệu radar phòng không và tín hiệu liên lạc không dây nhằm gắn kết toàn bộ các hoạt động trong chiến dịch quân sự với nhau.
Trong khi đó, Ukraine có lợi thế ở khả năng phát hiện và tấn công những hệ thống phát tín hiệu điện từ mạnh của Nga. Tên lửa chống bức xạ (ARM) có khả năng phát hiện và phá hủy các radar của đối phương, phương tiện gây nhiễu, xe tải chở trạm vệ tinh di động trên mặt đất, không chỉ cho phép các lực lượng Ukraine phối hợp tốt hơn mà đôi khi khiến đối phương bị “mù” và có thể bắn trượt mục tiêu.
Đạn pháo dẫn đường
Một trong những vũ khí tối tân nhất nổi lên trong cuộc chiến Nga-Ukraine là hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp cho Ukraine. HIMARS gồm có 1 xe tải 5 tấn bọc thép được trang bị để phóng tên lửa cỡ nòng 227 mm. Mỗi hệ thống này có thể mang theo 6 tên lửa dẫn đường phóng loạt (GMLRS) với tầm bắn 70 đến 80km hoặc một tên lửa cấp chiến thuật lục quân (ATACMS) với tầm bắn 300km. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa cung cấp ATACMS cho Ukraine.
Theo Lục quân Mỹ, HIMARS có thể tiến hành các đợt bắn phá, áp chế và phản công lớn hoặc thực hiện nhiệm vụ pháo binh. Hệ thống có thể nhanh chóng tiếp cận và rời khỏi trận địa khi nhận được mệnh lệnh. Sức mạnh của HIMARS vượt xa các loại pháo thông thường, chẳng hạn như đại bác hoặc lựu pháo tự hành 2S19 Msta.
Ukraine hiện đang sử dụng HIMARS để đánh chặn tên lửa hoặc tấn công các mục tiêu có giá trị cao của Nga ở phía sau chiến tuyến để ngăn quân đội đối phương tiếp tế và hỗ trợ pháo binh cho lực lượng ở tiền tuyến. Ukraine thông báo đã sử dụng hệ thống HIMARS để phá hủy 50 kho đạn dược của Nga.
Hiện có rất ít quốc gia bên ngoài khối NATO có tên lửa dẫn đường chính xác, nhưng sự kết hợp thành công của HIMARS và GMLRS sẽ khiến nhiều nước tìm cách sở hữu những loại vũ khí này trong vòng một thập kỷ tới.
Máy bay không người lái nhỏ
Chiến tranh Nga-Ukraine không phải là cuộc chiến đầu tiên có sự tham gia máy bay không người lái, nhưng tần suất sử dụng nhiều tới mức chưa từng có trong lịch sử chiến tranh. Cả quân đội Nga và Ukraine đều phụ thuộc nhiều vào các thiết bị bay không người lái để xác định chính xác vị trí của đối phương và dẫn đường cho các cuộc pháo kích khốc liệt.
Quân đội Ukraine đã sử dụng các UAVcỡ nhỏ, thường được sử dụng cho mục đích dân sự để cung cấp cho quân đội khả năng giám sát môi trường xung quanh và nhắm mục tiêu vào các lực lượng của đối phương nhằm giảm thiểu rủi ro cho binh sỹ. Những UAV này cho phép các đơn vị có quy mô nhỏ hoặc tầm trung (từ 30 đến 40 người) loại bỏ những yếu tố gây bất ngờ, đặc biệt là với lượng vận hành xe bọc thép.
Một máy bay không người lái cỡ nhỏ, được tích hợp kính ngắm quang học kỹ thuật số hiện đại và hệ thống liên kết dữ liệu an toàn có thể cung cấp cho các đơn vị tác chiến tầm nhìn bao quát trên chiến trường và khả năng xâm nhập phía sau chiến tuyến của đối phương. Tầm quan trọng đặc biệt của máy bay không người lái nhỏ trên chiến trường Ukraine có thể khiến các lực lượng NATO, quân đội Trung Quốc, quân đội Hàn Quốc, hoặc Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản xem xét ứng dụng chúng vào trước năm 2030.
Vệ tinh Internet
Theo New York Times, trong cuộc chiến tại Mariupol hồi tháng 4 vừa qua, các máy bay trực thăng Ukraine chuyên thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm đã chở theo vũ khí chống tăng và bộ thu Internet vệ tinh Starlink tới thành phố. Thiết bị này vô cùng hữu dụng cho các lực lượng quân sự và dân sự mắc kẹt trong máy thép Azovstal – nơi bị Nga bao vây. Thiết bị được kết nối trực tiếp với các vệ tinh ở trên cao cho phép phủ sóng tại những nơi cáp Internet không thể vươn tới hoặc cơ sở hạ tầng mạng ở những nơi có xung đột. Nó có vai trò như một phương tiện dự phòng cho liên lạc quân sự của Ukraine.
Dù hệ thống Starlink có thể không đảm bảo đủ an toàn để xử lý các thông tin liên lạc quân sự nhạy cảm, nhưng nó sẽ tạo tiền đề cho việc phát triển một phiên bản thu phát sóng vệ tinh dành riêng cho quân đội./.
Từ khóa: xung đột nga ukraine, chiến tranh nga ukraine, các loại vũ khí sử dụng trong chiến tranh nga ukraine, chiến sự ukraine, máy bay không người lái, hệ thống pháo phản lực HIMARS, tác chiến điện tử, chiến tranh tương lai, vũ khí laser, chiến sự nga ukraine, vũ khí nga sử dụng, vũ khí ukraine sử dụng
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN