5 sự thật về Beria-cánh tay phải của Stalin trong dự án bom nguyên tử
Cập nhật: 25/09/2019
Quyết định "xuống thang" của ông Zelensky sẽ không đảm bảo hòa bình lâu dài cho Ukraine
Cận cảnh lính tinh nhuệ Ukraine bao vây và nhả đạn vào lực lượng Nga
VOV.VN - Người đàn ông đeo kính kẹp mũi đó vẫn là một trong những khuôn mặt biểu tượng nhất dưới thời Joshep Stalin.
Lavrentiy Beria là người tính toán và nguy hiểm, làm việc cật lực nhưng cũng là người theo chủ nghĩa khoái lạc và người ta khiếp sợ Beria đến nỗi điều đó dẫn tới sự thất bại của ông.
Chân dung Lavrentiy Beria. Ảnh:Getty |
Đồng hương, cánh tay phải của Stalin
Giống như nhà lãnh đạo Joshep Stalin của mình, Lavrentiy Beria (1899 – 1953) sinh ra và lớn lên ở Gruzia. Trong cuộc Nội chiến Nga (1918-1921), ông từng hoạt động trong các chiến dịch ngầm và gián điệp cho người Bolsheviks ở nước láng giềng Azerbaijan. Sau đó Beria trở về Gruzia và làm việc cho Cơ quan Mật vụ Liên Xô, còn được biết đến với cái tên Cheka.
Ông đã có một sự nghiệp lớn ở Gruzia: Những năm 1930, sau khi Stalin loại bỏ những người Cộng sản Gruzia trước đây, Beria lãnh đạo nước cộng hòa này. “Beria không có giá trị, luôn sẵn sàng loại bỏ ý thức hệ hoặc các mối quan hệ cá nhân – và Stalin thích điều đó ở ông”, nhà sử học Lev Lurie viết.
Beria cùng con gái của Berin, Svetlana. Ảnh: RBTH |
Thêm nữa, Beria thực sự là một nhà quản lý tốt. “Trong suốt thời gian cầm quyền ở Gruzia, cộng hòa này trở thành nhà cung cấp trà, nho và cam quýt cho toàn bộ Liên Xô (USSR)… nước cộng hòa nằm trong số nghèo nhất trở thành thành thịnh vượng nhất”, Lurie viết.
Beria mưu mô đã thiết lập mối quan hệ cá nhân xuất sắc với Stalin, người đã tới thăm Gruzia vài lần trong các kỳ nghỉ của mình. Điều đó giúp ông rất nhiều – Beria là một trong hai nhà lãnh đạo của các nước cộng hòa Liên Xô sống sót sau cuộc thanh trừng năm 1937. Hơn nữa, Stalin đã đưa Beria tới Moscow, bổ nhiệm ông là người đứng đầu NKVD, cảnh sát mật khét tiếng.
Kiềm chế sự mở rộng của cuộc Đại thanh trừng
Ở Nga, Ai cũng liên tưởng Beria, lãnh đạo cầm quyền lâu nhất của NKVD dưới thời Stalin, với các cuộc đàn áp lớn. Thực tế, đó là người tiền nhiệm của Beria, Nikolai Yezhov – người điều hành cảnh sát mật trong giai đoạn cao trào của các cuộc thanh trừng 1937-1938. Như Stalin đã lo xa, việc chỉ định Beria làm lãnh đạo NKVD là một cách để kiềm chế sự mở rộng của các vụ hành quyết.
“Stalin là một người cực kỳ khôn ngoan, ông đã nhận thức được rằng việc gia tăng các vụ hành quyết có thể dẫn tới sự sụp đổ quyền lực của mình”, Sergo Beria, con trai của Lavrentiy viết trong ký sự của mình. “Ông ấy cần một người đàn ông kiểu khác với Yezhov lãnh đạo NKVD”. Sự khách quan của Sergo có thể gây tranh cãi, nhưng cha của ông đã thực sự làm giảm bớt bạo lực: năm 1938 (năm cuối cùng Yezhov còn làm người đứng đầu NKVD), có 328.000 người đã bị kết án tử hình ở Liên Xô; trong khi năm 1939, với Beria phụ trách thì con số này chỉ là 2.600.
Chắc chắn, điều đó không có nghĩa Beria là người có lòng thương cảm: như bất cứ ai trong chính quyền của Stalin ông luôn sẵn sàng đổ máu nếu có mệnh lệnh. NKVD dưới thời lãnh đạo của Beria đã kết án tử hình 14.500 tù nhân chiến tranh người Ba Lan năm 1940 (cuộc thảm sát Katyn đáng hổ thẹn).
Phụ trách dự án nguyên tử
Stalin đánh giá kinh nghiệm tổ chức của Beria là đủ để đặt ông vào vị trí phụ trách sản xuất vũ khí, máy bay, động cơ máy bay trong Thế chiến 2.
Khi chiến tranh kết thúc, Liên Xô đối mặt với những thách thức mới – một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mà Mỹ đang vượt trước. Stalin không nghi ngờ gì về người có thể giám sát dự án nguyên tử của Liên Xô. Beria đứng đầu Ủy ban đặc biệt về chế tạo vũ khí hạt nhân trong thời gian ngắn nhất có thể.
Beria đã giành khoảng thời gian từ năm 1945-1949 để cung cấp mọi thứ cần thiết cho các nhà khoa học Liên Xô. Ninel Epatova, một kỹ sư đã từng làm việc trong dự án nguyên tử, người từng gặp Beria một cách thường xuyên trong giai đoạn đó, bà nhớ lại: “Khi đó, Beria trông luôn có vẻ kiệt sức… với đôi mắt đỏ ngầu và thâm quầng… Có vẻ như ông ấy không quan tâm tới bất cứ điều gì khác ngoài công việc”.
Công việc đó đã “ăn mòn” Beria và nhà sử học Oleg Khlevniuk viết rằng: “Vụ thử nghiệm hạt nhân của Liên Xô khi đó có thể dẫn tới chiến thắng hoặc thất bại cho Beria, là dấu chấm hết cho sự nghiệp và thậm chí là cuộc đời của ông”. Nhưng cuộc thử nghiệm đã thành công: năm 1949, Liên Xô trở thành một cường quốc hạt nhân và Beria là một trong những người đã biến điều đó thành hiện thực.
Lời đồn về kẻ hiếp dâm
“Thái độ của Stalin đối với Beria là khá đặc biệt. Ông ấy là người duy nhất trong số các thành viên hàng đầu của Đảng Cộng sản không có một căn hộ mà là một biệt thự ở Moscow”, Lurie cho biết. Ngày nay, căn biệt thự trên phố Malaya Nikitskaya ở Mosow là trụ sở Đại sứ quan Tunisia và bị đồn là bị “ma ám”.
Có những lời đồn đen tối xung quanh Beria. Ông được cho là người cuồng dâm, luôn có các cô gái trẻ được đưa tên tận nhà, ông cưỡng hiếp và sau đó giết họ, trong khi những người bảo vệ đã giúp ông “phi tang” các thi thể. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào chứng minh lời đồn là sự thật và hầu hết các sử gia đều cho rằng, những điều được công khai sau khi Beria chết đã dẫn tới những lời đồn như vậy.
Có một điều đã được chứng minh là ngoài người vợ của mình, Beria có một người phụ nữ “không chính thức” - Valentina Drozdova. Hai người gặp nhau năm 1949 khi Drozdova là một nữ sinh 16 tuổi. Mối quan hệ của họ kéo dài cho tới khi Beria qua đời năm 1953. Sau đó Drozdova tuyên bố rằng Beria đã cưỡng hiếp cô, nhưng vẫn chưa rõ đó có phải là sự thật hay không, hay Drozdova chỉ muốn tách biệt chính mình khỏi “di sản” của Beria.
Thất bại trong cuộc chiến quyền lực
Khi Stalin qua đời ngày 5/3/1953, Beria trở thành một trong những người có ảnh hưởng nhất ở Liên Xô, thành lập một “chế độ tam hùng” với 2 nhà lãnh đạo khác là Nikita Khrushchev và Georgy Malenkov. Trong hệ thống “cầm quyền tập thể” đó, Beria phụ trách an ninh quốc gia, điều mà cùng với danh tiếng xấu của ông đã khiến Khrushchev và Malenkov e dè và sợ bị lên âm mưu chống lại mình.
Vì thế họ đã quyết định tấn công trước. Tháng 6/1953, Beria bị bắt giữ. Ông bị tố là “kiến trúc sư” của các cuộc đàn áp và là một gián điệp Anh (một cáo buộc hư cấu). Beria bị xử tử năm 1953. Beria là người đứng đầu cảnh sát mật duy nhất của Stalin sống lâu hơn lãnh đạo của mình, nhưng cũng không quá lâu./.
Từ khóa: Beria, cánh tay phải của LStalin, dự án bom nguyên tử, Lavrentiy Beria, Đại thanh trừng,
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN