VOV.VN - Lượng đường trong máu tăng sẽ gây tổn thương dây thần kinh, mạch máu, mô và các cơ quan nếu không được điều trị trong thời gian dài. Dưới đây là 5 lý do tại sao lượng đường trong máu khó giảm.
Tăng lượng đường trong máu, hay tăng đường huyết, xảy ra khi có quá nhiều glucose trong máu. Tình trạng này bắt nguồn từ việc không đủ insulin hoặc cơ thể không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả. Vấn đề này thường liên quan đến bệnh tiểu đường. Khi tăng đường huyết sẽ gây tổn thương dây thần kinh, mạch máu, mô và các cơ quan nếu không được điều trị trong thời gian dài. Dưới đây là 5 lý do tại sao lượng đường trong máu khó giảm.
Mất nước: Nước đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý lượng đường trong máu. Mất nước dẫn đến nồng độ đường trong máu cao hơn vì cơ thể cố gắng tiết kiệm nước bằng cách giảm đi tiểu. Khi bạn bị mất nước, thận sẽ đào thải ít nước tiểu và kết quả là đường không được đào thải ra khỏi hệ thống một cách hiệu quả. Điều này gây ra sự tăng đột biến lượng đường trong máu. Để ngăn chặn vấn đề, hãy đảm bảo cung cấp đủ nước trong ngày và cố gắng uống ít nhất 8-10 cốc nước mỗi ngày.
Ăn vặt đêm khuya: Ăn vặt vào đêm khuya gây khó khăn cho việc kiểm soát lượng đường trong máu. Sử dụng đồ ăn nhẹ giàu carb hoặc đường gần giờ đi ngủ có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến, đặc biệt nếu sau đó bạn không tham gia hoạt động thể chất. Quá trình trao đổi chất của cơ thể chậm lại vào ban đêm, khiến việc điều chỉnh lượng đường trong máu trở nên khó khăn hơn. Để ngăn chặn lượng đường trong máu tăng đột biến vào đêm khuya, hãy cố gắng tránh ăn đồ ăn nhẹ nhiều đường trước khi đi ngủ. Nếu cảm thấy đói, hãy chọn một món ăn nhẹ, giàu protein để không làm tăng lượng đường trong máu một cách đáng kể.
Caffeine dư thừa: Cà phê hoặc đồ uống chứa caffein khác (nước ngọt) ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, đặc biệt nếu sử dụng quá mức. Caffeine có thể gây nhạy cảm với insulin, khiến cơ thể khó điều chỉnh lượng đường trong máu hơn. Ngoài ra, cà phê và nước tăng lực thường chứa quá nhiều đường góp phần làm tăng lượng đường. Nếu bạn là người thích uống cà phê, hãy cân nhắc việc giảm lượng caffeine nạp vào và theo dõi xem nó ảnh hưởng như thế nào đến lượng đường trong máu của bạn. Thay vì sử dụng đồ uống chứa caffein, bạn hãy chọn trà thảo mộc hoặc nước lọc.
Thực phẩm “không đường”: Hãy cẩn thận với những thực phẩm được dán nhãn là “không đường”. Mặc dù chúng có vẻ là một lựa chọn tốt để kiểm soát lượng đường trong máu, nhưng nhiều sản phẩm trong số này có chứa chất làm ngọt nhân tạo hoặc rượu đường, vẫn có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn. Một số chất ngọt có thể gây ra phản ứng insulin, tương tự như đường, dẫn đến tăng lượng đường trong máu. Vì vậy, hãy luôn đọc nhãn và thận trọng với lượng đường ẩn trong thực phẩm được cho là không đường. Thay vào đó, hãy chọn thực phẩm nguyên chất, chưa qua chế biến để kiểm tra lượng đường trong máu của bạn.
Lối sống ít vận động: Một lối sống ít vận động, không hoạt động thể chất thường xuyên có thể ảnh hưởng đáng kể đến lượng đường trong máu. Khi tập thể dục sẽ giúp cơ thể bạn sử dụng insulin hiệu quả hơn, cho phép điều chỉnh lượng đường trong máu tốt hơn. Thiếu hoạt động thể chất có thể dẫn đến kháng insulin, khiến việc kiểm soát lượng đường trong máu khó khăn hơn. Để chống lại điều này, hãy kết hợp tập thể dục thường xuyên vào thói quen của bạn, hướng tới hoạt động với cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần. Đi bộ nhanh, đi xe đạp hoặc bơi lội giúp ích rất nhiều đối với bệnh nhân tiểu đường.
Kiểm soát lượng đường trong máu: Để kiểm soát hiệu quả lượng đường trong máu, điều cần thiết là phải thực hiện một số thay đổi trong cuộc sống hàng ngày. Đó là tập trung vào việc kết hợp một chế độ ăn uống cân bằng, giàu ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, chất béo lành mạnh và nhiều trái cây và rau quả. Đồng thời tập thể dục thường xuyên để cải thiện độ nhạy insulin và duy trì cân nặng. Học cách thực hành các kỹ thuật giảm căng thẳng như thở sâu, thiền hoặc yoga. Bởi căng thẳng mạn tính có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, vì vậy việc kiểm soát căng thẳng là điều cần thiết. Trên hết, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn như bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn và hướng dẫn cá nhân về cách quản lý lượng đường trong máu của bạn một cách hiệu quả.
Từ khóa: lượng đường, lượng đường trong máu, đường trong máu, cách giảm đường trong máu, bệnh tiểu đường, tác hại của lượng đường trong máu tăng, điều trị bệnh tiểu đường, nguyên nhân đường trong máu tăng, làm gì để giảm đường huyết , chỉ số đường huyết trong máu