5 lực lượng lính thủy đánh bộ danh tiếng nhất thế giới
Cập nhật: 25/11/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Dựa trên các tiêu chí về nhân sự, quá trình huấn luyện, năng lực, trang bị… và kinh phí, trang special-ops.org đã xếp hạng năm lực lượng Thủy quân Lục chiến (lính thủy đánh bộ) hàng đầu thế giới dưới đây.
Hải quân đánh bộ Nga
Hải quân đánh bộ Nga là lực lượng tác chiến đổ bộ của Hải quân Nga, lần đầu tiên được thành lập vào năm 1705, và từ đó, đã tham gia các chiến tranh chống Napoléon, chiến tranh Krym, chiến tranh Nga-Nhật, Thế chiến I và II. Dưới thời Đô đốc Gorshkov, Hải quân Liên Xô đã mở rộng phạm vi hoạt động của Hải quân đánh bộ và nhiều lần triển khai lực lượng này ra thế giới.
Hiện Hải quân đánh bộ Nga do Thiếu tướng Aleksandr Kolpachenko - Phó Tư lệnh Lực lượng Bờ biển của Hải quân Nga - chỉ huy. Phương châm của họ là "ở đâu có chúng tôi, ở đó có chiến thắng". Hải quân đánh bộ cùng với Lực lượng Pháo binh Tên lửa Phòng thủ Bờ biển thuộc thành phần của Lực lượng Bờ biển của Hải quân Nga. Với số lượng dưới 12.000 quân nhân đang tại ngũ, Hải quân đánh bộ Nga là một trong những lực lượng có quân số ít nhất trong các Lực lượng vũ trang Nga.
Việc huấn luyện Hải quân đánh bộ Nga cực kỳ khắc nghiệt, quá trình huấn luyện có thể kéo dài tới 8 tháng tùy thuộc vào chức năng nhiệm vụ của đơn vị, và tử vong là chuyện bình thường. Một Trung đoàn Hải quân đánh bộ được trang bị xe bọc thép PT-76 và BRDM-2, bao gồm 1 Tiểu đoàn xe tăng và 3 Tiểu đoàn Hải quân đánh bộ, 1 tiểu đoàn cơ giới dùng xe thiết giáp chở quân dòng BTR-60.
Lữ đoàn Hải quân đánh bộ được trang bị PT-76 hoặc T-80 và BRDM-2, bao gồm 2 tiểu đoàn xe tăng và 4-5 tiểu đoàn Hải quân đánh bộ, trong đó có 1 tiểu đoàn được trang bị xe đổ bộ dòng BTR-60. Một tiểu đoàn xe tăng có 36 xe tăng chiến đấu chủ lực. Ít nhất một tiểu đoàn Hải quân đánh bộ của mỗi trung đoàn hoặc lữ đoàn được huấn luyện nhảy dù, trong khi tất cả các tiểu đoàn bộ binh còn lại được huấn luyện để có thể thực hiện thuần thục các nhiệm vụ tấn công đường không.
Thủy quân Lục chiến Hàn Quốc
Mặc dù về mặt lý thuyết chịu sự chỉ huy của Tư lệnh các chiến dịch Hải quân Hàn Quốc, Thủy quân lục chiến Đại Hàn Dân quốc (ROKMC) không giống như các lực lượng thủy quân lục chiến của hầu hết các quốc gia khác - thường hoạt động như một bộ phận của hải quân - tồn tại như một binh chủng chuyên biệt của các Lực lượng Vũ trang Hàn Quốc.
Tính đến năm 2015, ROK duy trì 29.000 lính thủy quân lục chiến tinh nhuệ và sẵn sàng ứng phó với bất kỳ mối đe dọa hoặc hành động thù địch nào.
Với 29.000 quân nhân, ROKMC được tổ chức thành 2 sư đoàn, 1 lữ đoàn cùng 2 tiểu đoàn và 1 đại đội trinh sát. Tư lệnh ROKMC kiêm Tư lệnh Bộ chỉ huy Phòng thủ đảo Tây Bắc (NWIDC). Sư đoàn 1 Thủy quân Lục chiến có thể hoạt động trên biển, trên không, trên bộ, chuyên biệt hóa 3 tiểu đoàn bộ binh của mình thành một trung đoàn duy nhất là Nhảy dù - Tấn công Đổ bộ - Đặc nhiệm.
Tháng 3/2016, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã thông báo về việc thành lập một trung đoàn “Spartan 3000” mới, bao gồm 3.000 lính thủy quân lục chiến, sẵn sàng để triển khai chiến đấu ở bất kỳ khu vực nào trên Bán đảo Triều Tiên trong vòng 24 giờ (thay vì 48 giờ như hiện tại) trong trường hợp bị Triều Tiên tấn công và chịu trách nhiệm “xử lý” các mục tiêu ưu tiên cao ở Triều Tiên, bao gồm các cơ sở hạt nhân.
Thủy quân lục chiến Hà Lan
Thủy quân Lục chiến Hà Lan Korps Mariniers được thành lập ngày 10/12/1665 trong Chiến tranh Anh-Hà Lan lần thứ hai, là cấu phần của Hải quân Hoàng gia Hà Lan, được huấn luyện như một lực lượng phản ứng nhanh để hoạt động ở mọi nơi trên thế giới, trong mọi môi trường, mọi điều kiện và hoàn cảnh. Korps Mariniers có thể được triển khai đến bất kỳ địa điểm nào trên thế giới trong vòng 48 giờ với phương châm hành động là “vươn xa đến tận cùng thế giới” (“Qua Patet Orbis”).
Thủy quân Lục chiến Hà Lan là nhánh lâu đời nhất của các lực lượng vũ trang Hà Lan và là lực lượng thủy quân lục chiến thứ năm được thành lập tại châu Âu, sau các lực lượng tương tự của Tây Ban Nha (thành lập 1537), Bồ Đào Nha (1610), Pháp (1622) và Anh (1664). Giống như Anh, Thủy quân Lục chiến Hà Lan đã có một số giai đoạn bị giải tán. Korps Mariniers hiện đang duy trì 2.300 quân sẵn sàng ứng phó với bất kỳ mối đe dọa nào.
Quá trình huấn luyện ban đầu để trở thành một thủy quân lục chiến Hà Lan kéo dài khoảng 33 tuần ở Rotterdam. Huấn luyện rất khắt khe và gian khổ cả về thể chất lẫn tinh thần, và cuối cùng, chỉ 33-50% vượt qua các cuộc sát hạch. Nếu hoàn thành khóa huấn luyện, các tân binh sẽ nhận được “mũ nồi xanh đậm” và được bố trí về các đơn vị.
Để có thể hoạt động trong mọi môi trường, mọi điều kiện và hoàn cảnh, tất cả lính thủy đánh bộ Hà Lan được huấn luyện trong điều kiện bắc cực, rừng rậm, sa mạc, độ cao và đô thị. Trong suốt thời gian phục vụ của mình, lính thủy đánh bộ thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện khác nhau trên khắp thế giới, chú trọng nhiều đến nhiều chiến thuật trong chiến tranh đổ bộ.
Thủy quân Lục chiến Hoàng gia Anh
Thủy quân Lục chiến Hoàng gia - lực lượng bộ binh đổ bộ hạng nhẹ, là một bộ phận của Lực lượng Hải quân Hoàng gia Vương quốc Anh, lần đầu được thành lập ngày 28/10/1664, đã tham gia một số cuộc chiến lớn bên cạnh Quân đội Anh, bao gồm chiến tranh Bảy năm, chiến tranh chống Napoléon, Chiến tranh Krym, Thế chiến I và II. Trong thời gian gần đây, Quân đoàn được triển khai tác chiến trong các chiến tranh Falklands, vùng Vịnh, chiến tranh Bosnia, Kosovo, nội chiến Sierra Leone, chiến tranh Iraq và Afghanistan.
Thủy quân lục chiến Hoàng gia được huấn luyện để triển khai nhanh chóng trên toàn thế giới và có khả năng đối phó với một loạt các mối đe dọa - hoạt động trong mọi môi trường và khí hậu, mặc dù chuyên môn và huấn luyện cụ thể được dành cho mục đích chiến tranh đổ bộ, chiến tranh bắc cực, chiến tranh trên núi, chiến tranh viễn chinh…
Hiện Thủy quân Lục chiến Hoàng gia duy trì 7.760 quân trực chiến và 750 dự bị, được tổ chức thành 1 lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ (Lữ đoàn Biệt kích 3) và một số đơn vị riêng biệt, bao gồm Đội xung kích 1 Thủy quân lục chiến Hoàng gia, Đơn vị 43 Thủy quân Lục chiến Hoàng gia (trước đây là Đội Bảo vệ Hạm đội Thủy quân lục chiến Hoàng gia), và 1 đơn vị cấp đại đội làm nhiệm vụ hỗ trợ.
Thủy quân Lục chiến Hoàng gia phải trải qua một trong những chế độ huấn luyện chiến đấu chuyên nghiệp lâu nhất và đòi hỏi thể chất cao nhất trên thế giới. Một loạt các cuộc phỏng vấn, kiểm tra y tế, thị lực, tâm lý và thể lực trước khi tham gia khóa huấn luyện kéo dài 32 tuần đối với binh sĩ và 64 tuần đối với sĩ quan, là nam giới độ tuổi từ 16-33. Khi vượt qua những mục này, các tân binh sẽ tham gia một khóa tuyển chọn 3 ngày dành cho chiến binh tiềm năng, còn các sĩ quan tương lai sẽ tham gia khóa học dành cho sĩ quan tiềm năng, tại Trung tâm Huấn luyện Biệt kích Thủy quân Lục chiến Hoàng gia ở Lympstone, Devon.
Sau khi vượt qua khóa học 3 ngày, các tân binh sẽ bắt đầu khóa đào tạo tuyển dụng cơ bản. Không giống như ở nhiều nước, các tân binh và sĩ quan Thủy quân Lục chiến thường huấn luyện cùng nhau trong 32 tuần đầu tiên. Phần lớn các khóa đào tạo được thực hiện trên địa hình rừng vùng Dartmoor và ở Woodbury Common và kết thúc bằng các khóa huấn luyện biệt kích khét tiếng là một loạt các bài kiểm tra sức bền thể chất và tinh thần để làm nổi bật tính chuyên nghiệp quân sự của các học viên.
Thủy quân Lục chiến Mỹ
Thủy quân Lục chiến Mỹ (USMC) là một nhánh của các Lực lượng Vũ trang Mỹ, là lực lượng nòng cốt sử dụng khả năng cơ động của Hải quân để nhanh chóng phái đến địa bàn các nhóm đặc nhiệm được vũ trang tổng hợp trên bộ, trên biển, và trên không theo ủy nhiệm của Quốc hội và Tổng thống Mỹ. USMC là một trong bốn quân chủng của Mỹ và là một trong bảy lực lượng có quân phục riêng. Chủ tịch hiện tại của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ là một tướng gốc Thủy quân Lục chiến.
USMC là một cấu phần của Bộ Hải quân Mỹ kể từ ngày 30/6/1834, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng hải quân trong huấn luyện, vận chuyển và hậu cần. USMC quản lý các căn cứ trên đất liền và trên các tàu chiến đổ bộ đường biển trên khắp thế giới, và một số phi đội hàng không chiến thuật của Thủy quân Lục chiến, chủ yếu là các phi đội máy bay chiến đấu, được biên chế cho các tàu sân bay hoạt động bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân.
Khởi đầu, hai tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến được thành lập ngày 10/11/1775 tại Philadelphia có khả năng chiến đấu cả trên biển và trên bờ, đã phát triển và mở rộng sang chiến tranh trên không và được mệnh danh "Lực lượng không quân thứ ba của Mỹ" và "Lực lượng Lục quân thứ hai". USMC đã nổi danh khi tham gia phần lớn các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang của Mỹ, và trở nên nổi tiếng trong thế kỷ 20 với lý thuyết và thực tiễn về chiến tranh đổ bộ trong Thế chiến II, trở thành “nhà lý luận” lớn và là “nhà thực hành” hàng đầu thế giới về chiến tranh đổ bộ.
Khả năng phản ứng nhanh trong thời gian ngắn đối với các cuộc khủng hoảng mang lại cho USMC một vai trò to lớn trong việc triển khai và thực thi chính sách đối ngoại của Mỹ. Tính đến năm 2016, USMC có khoảng 182.000 quân nhân tại ngũ và khoảng 38.900 lính dự bị; đây là nhánh nhỏ nhất của các Lực lượng Vũ trang Mỹ, hàng năm, hơn 2.000 sĩ quan mới được bổ sung, và 38.000 tân binh được tuyển mới.
Tất cả các tân binh phải vượt qua bài kiểm tra thể lực để bắt đầu huấn luyện tại San Diego hoặc Parris Island; những người không đủ điều kiện được “bổ túc” để đạt được các tiêu chuẩn tối thiểu. Huấn luyện lính thủy đánh bộ là lâu nhất trong các lực lượng vũ trang Mỹ, 12 tuần, so với 10 tuần của Lục quân, 9 tuần của Hải quân, 8 tuần rưỡi của Không quân và 8 tuần của Cảnh sát biển. Sau khóa huấn luyện tuyển quân, các tân lính thủy đánh bộ tham gia khóa huấn luyện tại trại Geiger hoặc trại Pendleton trong bốn tháng, học các kỹ năng bộ binh thông thường, trước khi tiếp tục đến các trường chuyên biệt với thời lượng khác nhau./.
Từ khóa: Thủy quân lục chiến, quân đội thế giới, hải quân, hải quân đánh bộ
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN