40% người say rượu bia tự điều khiển phương tiện giao thông về nhà
Cập nhật: 05/10/2019
Cộng đồng bà con gốc Việt tại Campuchia chung tay đoàn kết và cùng phát triển
Ông Trump thúc đẩy chấm dứt xung đột ở Ukraine: Nga chấp nhận điều khoản nào?
VOV.VN - Kết quả nghiên cứu cho thấy, số người tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia chiếm 68%, trong đó khoảng 40% trong tình trạng bị say.
Sáng nay (4/10), tại TP. HCM,Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Hội An toàn giao thông Việt Nam, Hiệp hội Các doanh nghiệp Rượu châu Á Thái Bình Dương (APIWSA) và Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD) đã phối hợp tổ chứcHội thảo quốc gia“Công bố kết quả Nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô tô, xe máy tại Việt Nam”.
TS Vũ Anh Tuấn trình bày kết quả nghiên cứu. |
Khảo sát tại TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2018 cho thấy, nam giới gây ra 80% - 90% các vụ tai nạn giao thông do uống rượu bia - lái xe. Thời gian xảy tai tai nạn thường từ 18 giờ đến 24 giờ và cao hơn vào các ngày cuối tuần; phương tiện chủ yếu là xe máy với 70% - 90% số vụ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, số người tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia chiếm 68%, trong đó khoảng 40% trong tình trạng bị say và tỷ lệ vi phạm Luật Giao thông đường bộ rất cao khoảng 36%.
Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Nam, trường Đại học Việt Đức, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, theo số liệu thống kê của cảnh sát giao thông trên toàn quốc, số vụ tai nạn giao thông liên quan tới nồng độ cồn 4%, trong đó tại TP. HCM ở mức 5% và tỉnh Bình Dương là 12%. Tuy nhiên số liệu này thấp hơn rất nhiều so với số liệu thống kê tai nạn giao thông do rượu bia nhập viện tại một số bệnh viện. Nguyên nhân cơ bản của khác biệt trên là do trong nhiều vụ tai nạn giao thông, tình trạng chấn thương của nạn nhân đã gây khó khăn lớn cho công tác xét nghiệm nồng độ cồn.
Vì thế, ông Tuấn đề nghị cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 46 và Luật Giao thông đường bộ với nguyên tắc “nồng độ cồn trong máu bằng 0 khi điều khiển xe máy”; tăng mức phạt tiền và bổ sung các hình phạt mới như lao động công ích. Ngoài ra cần phải tăng cường tuyên truyền giáo dục bằng nhiều biện pháp để thay đổi nhận thức, ý thức và hành vi và các lực lượng thực thi công vụ cần xử lý mạnh tay.
“Ngoài các chốt cố định thì có các đội tuần tra lưu động thường xuyên khắp thành phố luôn. Không cần lực lượng dày mà chỉ như hiện nay thôi nhưng mà tổ chức bài bản, thường xuyên liên tục và ngẫu nhiên. Đã bắt được là phạt theo quy định của pháp luật. Nếu mà làm được như thế sẽ cải thiện tình trạng uống rượu bia lái xe rất nhiều. Bởi thực tế là các vụ tai nạn giao thông chết người có liên quan rượu bia là lên đến 40% chứ không phải là 4 – 5% như công bố của Bộ Công an”, ông Tuấn nói.
Các diễn giả trình bày báo cáo. |
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP. HCM cũng cho biết, tình trạng tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia ở thành phố đến nay chưa giảm; chủ yếu xảy ra tại các quận huyện ngoại thành và cá biệt địa phương có 14/15 vụ tai nạn giao thông chết người do liên quan đến nồng độ cồn.
Thời gian tới, Ban an toàn giao thông TP. HCM sẽ tận dụng các kết quả nghiên cứu được công bố hôm nay để thay đổi phương thức tuyên truyền cho hiệu quả hơn. Ông Nguyễn Ngọc Tường nói: “Về phía Ban An toàn giao thông thành phố sẽ tận dụng các tài liệu quan trọng này và mời các chuyên gia đầu ngành để tổ chức những hội thảo, tập huấn các lực lượng địa phương và các ban ngành đoàn thể để vừa làm tư liệu công tác tuyên truyền trong thời gian tới và đồng thời để các lực lượng xử lý xử phạt nghiên cứu kỹ về nội dung này để công tác xử phạt đúng quy định và đạt hiệu quả cao nhất”./.
Từ khóa: say rươu bia lái xe, lái xe sau khi uống rượu, tai nạn giao thông
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN