4 yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 sau khi tiêm chủng
Cập nhật: 11/09/2021
Phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường (24/11/2024)
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
VOV.VN - Hai tuần sau liều vaccine COVID-19 thứ 2, tác dụng bảo vệ của việc tiêm chủng sẽ đạt mức cao nhất. Tại thời điểm này, bạn đã được tiêm phòng đầy đủ song vẫn có thể bị nhiễm trùng đột phá.
Theo Nghiên cứu về triệu chứng COVID, 5 triệu chứng phổ biến nhất của nhiễm trùng đột phá là nhức đầu, chảy nước mũi, hắt hơi, đau họng và mất khứu giác. Trong đó, đau đầu, đau họng và chảy nước mũi là những triệu chứng giống như những người chưa tiêm vaccine. Tuy nhiên, 2 triệu chứng COVID-19 “cổ điển” là sốt và ho dai dẳng ở người chưa được tiêm chủng lại trở nên ít phổ biến hơn nhiều khi bạn đã chủng ngừa.
Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người bị nhiễm trùng đột phá có nguy cơ bị sốt thấp hơn 58% so với những người không được tiêm chủng. Những người đã tiêm phòng cũng ít có khả năng phải nhập viện hơn, có ít triệu chứng hơn trong giai đoạn đầu của bệnh và ít có khả năng phát triển COVID kéo dài nếu họ mắc COVID-19.
Điều gì làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 sau tiêm chủng?
Tại Anh, nghiên cứu đã phát hiện ra 0,2% dân số hoặc cứ 500 người thì có một người trải qua một đợt nhiễm trùng đột phá sau khi được tiêm chủng đầy đủ. Nhưng không phải ai cũng có nguy cơ mắc bệnh như nhau. Dưới đây là bốn điều có thể làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 sau khi tiêm chủng.
Loại vaccine
Đầu tiên là loại vaccine cụ thể mà bạn được tiêm và mức giảm rủi ro tương đối mà mỗi loại mang lại. Giảm nguy cơ tương đối là thước đo mức độ một loại vaccine làm giảm nguy cơ phát triển COVID-19 của một người nào đó so với những người không tiêm phòng.
Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine Moderna làm giảm 94% nguy cơ phát triển COVID-19 có triệu chứng của một người, trong khi vaccine Pfizer giảm nguy cơ này tới 95%. Các vaccine Johnson & Johnson và AstraZeneca hoạt động kém hơn, giảm nguy cơ này tương ứng khoảng 66% và 70%. Khả năng bảo vệ do vaccine AstraZeneca cung cấp dường như tăng lên 81% nếu khoảng cách giữa các liều dài hơn.
Thời gian kể từ khi tiêm chủng
Khoảng thời gian kể từ khi tiêm chủng cũng rất quan trọng và là một trong những lý do tại sao cuộc tranh luận về chủng ngừa tăng cường ngày càng trở nên gay gắt.
Nghiên cứu sơ bộ (vẫn chưa được các nhà khoa học khác xem xét) cho thấy khả năng bảo vệ của vaccine Pfizer sẽ giảm dần trong 6 tháng sau khi tiêm chủng. Một nghiên cứu khác từ Israel cũng chỉ ra điều tương tự như vậy. Tuy nhiên, còn quá sớm để biết điều gì sẽ xảy ra với hiệu quả của vaccine sau 6 tháng đối với vaccine 2 liều, nhưng có khả năng tác dụng sẽ giảm thêm.
Các biến thể
Một yếu tố quan trọng khác là biến thể của loại virus bạn đang phải đối mặt. Việc giảm thiểu rủi ro ở trên phần lớn được tính toán bằng cách thử nghiệm vaccine chống lại dạng ban đầu của virus SARS-CoV-2.
Đối với biến thể Alpha, dữ liệu từ Y tế Công cộng Anh cho thấy hai liều vaccine Pfizer có tính bảo vệ kém hơn một chút, giúp giảm 93% nguy cơ mắc các triệu chứng COVID-19, trong khi với biến thể Delta, mức độ bảo vệ giảm xuống còn 88%. Vaccine chủng ngừa AstraZeneca cũng bị ảnh hưởng theo cách này.
Theo nghiên cứu về triệu chứng COVID, trong 2 - 4 tuần sau khi tiêm liều vaccine Pfizer thứ 2, bạn có ít khả năng mắc các triệu chứng COVID-19 hơn khoảng 87% khi đối mặt với biến thể Delta. Sau 4 - 5 tháng, con số này giảm xuống còn 77%.
Hệ thống miễn dịch của bạn
Lưu ý rằng các số liệu trên đề cập mức giảm rủi ro trung bình trên toàn bộ dân số. Nguy cơ của bạn sẽ phụ thuộc vào mức độ miễn dịch của chính bạn và các yếu tố cụ thể khác, chẳng hạn như mức độ bạn tiếp xúc với virus, điều này có thể được xác định bởi công việc của bạn.
Khả năng miễn dịch thường giảm theo tuổi tác và các bệnh nền nghiêm trọng cũng có thể làm giảm phản ứng của chúng ta với việc tiêm chủng. Do đó, những người lớn tuổi hoặc những người có hệ thống miễn dịch bị tổn hại có thể có mức độ bảo vệ của vaccine chống lại COVID-19 thấp hơn, hoặc khả năng bảo vệ của họ suy yếu nhanh hơn.
Bạn có cần phải lo lắng?
Do chứng kiến các trường hợp nhiễm trùng đột phá sau tiêm chủng, một số người lo lắng và nghi ngờ khả năng bảo vệ của vaccine. Vaccine vẫn làm giảm đáng kể việc lây nhiễm COVID-19 của bạn. Ở mức độ cao hơn, chúng còn bảo vệ chống lại nguy cơ nhập viện và tử vong. Những người thuộc nhóm nguy cơ cao sẽ cần được tiêm liều tăng cường. Hơn hết, những người dù đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn phải luôn thực hiện nghiêm túc các quy tắc phòng ngừa COVID-19./.
Từ khóa: nguy cơ mắc covid-19 sau khi tiêm chủng, mắc covid-19, vì sao bị mắc covid-19, tiêm vaccine covid-19, các biến thể covid-19
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN