4 trường hợp tạm giữ, thu giữ, chế áp máy bay không người lái
Cập nhật: 19/06/2024
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Dự thảo luật Phòng không nhân dân đề xuất 4 trường hợp tạm giữ, thu giữ, chế áp máy bay không người lái.
Chiều 19/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ bảy, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình về dự án Luật Phòng không nhân dân.
Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Phòng không nhân dân nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới.
Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định: Phòng không nhân dân là một bộ phận của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, từ Trung ương đến địa phương. Thế trận phòng không nhân dân là một bộ phận cấu thành, không tách rời của thế trận quốc phòng trong khu vực phòng thủ.
Theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, hoạt động tác chiến phòng không nhân dân là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam đã được vận dụng hiệu quả trong chiến tranh giải phóng đất nước của dân tộc ta; ngày nay, trong chiến tranh hiện đại, các phương án tác chiến tiến công đường không và phòng, chống tiến công đường không trở thành yêu cầu hết sức quan trọng, quyết định đến thành bại trong cục diện chiến trường. Từ đó đặt ra yêu cầu tiếp tục xây dựng lực lượng phòng không nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để chủ động phòng ngừa, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh trên không.
Theo dự thảo luật, có 4 trường hợp, cơ quan có thẩm quyền được tạm giữ, thu giữ, chế áp máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ gồm:
Bay khi không có giấy phép bay; bay vào khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay mà cơ quan có thẩm quyền đã cảnh báo vẫn cố tình bay vào;
Xâm phạm khu vực cảng hàng không, sân bay hoặc khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay;
Các hoạt động bay nhằm mục đích tuyên tuyền, kích động, lôi kéo, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác;
Sử dụng phương tiện bay siêu nhẹ mang theo các chất cháy, chất nổ, chất gây nổ, vũ khi sinh học hoặc các chất cấm.
Mặt khác, theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, Luật Quốc phòng và các văn bản pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ phòng không nhân dân, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ mới quy định khung, mang tính nguyên tắc nên đặt ra yêu cầu đòi hỏi phải tạo lập cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động phòng không nhân dân để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
"Công tác quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m đang được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức coi trọng; nhất là trong giai đoạn hiện nay, tàu bay không người lái đang được nghiên cứu, chế tạo, khai thác, sử dụng cho mục đích quân sự như một lực lượng tác chiến mới, mang lại hiệu quả chiến đấu cao. Ở trong nước, tình trạng sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm pháp luật diễn ra ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến quốc phòng, an ninh và an toàn, an ninh hàng không", Bộ trưởng Phan Văn Giang thông tin thêm và nhấn mạnh sự cần thiết ban hành dự án luật này.
Bộ trưởng Phan Văn Giang nêu rõ: Việc xây dựng Luật Phòng không nhân dân nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân, quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Dự thảo Luật phòng không nhân dân được xây dựng gồm 8 chương với 54 điều, gồm các quy định về: Nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; chính sách của Nhà nước về phòng không nhân dân; nhiệm vụ phòng không nhân dân; trọng điểm phòng không nhân dân; hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, huy động, hoạt động phòng không nhân dân; xây dựng, huy động lực lượng phòng không nhân dân; hoạt động phòng không nhân dân.
Đặc biệt, dự thảo luật dành riêng một chương quy định về việc quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với phòng không nhân dân và quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ....
Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ thường trực ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành luật.
Về khái niệm "Tàu bay không người lái" và “phương tiện bay siêu nhẹ”, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn nội dung: “cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của người lái” trong khái niệm “Tàu bay không người lái”;
Cân nhắc, không liệt kê cụ thể các phương tiện trong khái niệm “Phương tiện bay siêu nhẹ” mà quy định thống nhất với cách khái niệm "Tàu bay không người lái" gắn với những tính năng, đặc điểm, thuộc tính cơ bản của loại phương tiện này, nhằm phân biệt rõ với khái niệm “Tàu bay không người lái” làm cơ sở để Chính phủ quy định chi tiết và thống nhất trong quản lý.
Xác định phương tiện bay siêu nhẹ có bao gồm các loại khí cầu bay có người điều khiển hoặc khí cầu bay không có người điều khiển hay không để làm cơ sở cho việc quy định các biện pháp quản lý phù hợp.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên để quy định cụ thể, bảo đảm tính thống nhất với các nội dung trong dự thảo Luật; thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Về đăng ký, khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, một số ý kiến cho rằng, điểm c khoản 2 quy định về điều kiện đối với người điều khiển phải đủ 18 tuổi trở lên và có kiến thức về hàng không là chưa phù hợp với thực tiễn, vì hiện nay tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ đang được sử dụng rộng rãi cho các mục đích khác nhau.
Nghiên cứu, quy định theo hướng tùy từng loại phương tiện bay để quy định về độ tuổi điều khiển và điều kiện khai thác, sử dụng cho phù hợp; gắn kết hài hòa lợi ích quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.
Có ý kiến đề nghị quy định rõ về điều kiện đăng ký, cấp phép (thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục) quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này; nghiên cứu phân cấp quản lý cấp phép bay theo từng cấp cho chặt chẽ, thống nhất;
Có ý kiến cho rằng, khi cấp phép, đăng ký và quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ cần tính đến yếu tố cự ly, khoảng cách bay để quy định cho phù hợp;
Quy định tại điểm a khoản 4 là chưa rõ ràng, dẫn đến cách hiểu khác nhau về các trường hợp được miễn giấy phép bay; nghiên cứu, bổ sung quy định về đăng kiểm tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ cho phù hợp.
Ông Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với nội dung quy định tại Điều này; tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên, rà soát các luật khác liên quan để quy định thống nhất, khả thi.
Từ khóa: máy bay, Đại tướng Phan Văn Giang, dự án Luật Phòng không nhân dân, Quốc hội, dự thảo, Luật Phòng không nhân dân, quản lý máy bay không người lái
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả: phi long/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN