35 năm Nhà giàn DK1 vững chãi giữa thềm lục địa

Cập nhật: 2 ngày trước

VOV.VN - Để bảo vệ vững chắc thềm lục địa phía Nam, có những người lính cống hiến cả tuổi thanh xuân trên “ngôi nhà đặc biệt” giữa biển với nhiều khó khăn, vất vả và hiểm nguy, nhiều cán bộ chiến sĩ đã nằm lại với biển khơi để giữ cho ngôi nhà hiên ngang trên biển.

 

Khu vực biển thềm lục địa phía Nam của nước ta có diện tích khoảng 80.000km2. Đây là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng cả về quốc phòng - an ninh - kinh tế, án ngữ trên tuyến đường hàng hải quốc tế đông đúc bậc nhất thế giới qua Biển Đông. Chính từ vị trí đặc biệt quan trọng nên nước ngoài thường xuyên sử dụng các loại tàu nghiên cứu, tàu giả dạng khai thác hải sản, tàu chiến đấu…vào thăm dò địa chất, trinh sát và đánh bắt hải sản trái phép. Do đó, ngày 05/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Chỉ thị số 180/CT chính thức công bố việc xây dựng cụm Dịch vụ - Kinh tế -  khoa học - kỹ thuật tại khu vực bãi ngầm trên thềm lục địa phía Nam (gọi tắt là DK1), thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) mà điểm nổi bật là xây dựng hệ thống nhà giàn trực tiếp đóng giữ trên biển. Từ đó đến nay, nhiệm vụ chốt giữ chủ quyền trên các nhà giàn được giao cho cán bộ chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân.

35 năm đã trôi qua cũng là bấy nhiêu mùa bão gió. Những người lính vẫn thay nhau ra canh giữ chủ quyền với lời thề “Còn người, còn nhà giàn”; vinh dự và tự hào được cống hiến sức trẻ, bởi với các anh - Biển đã là máu thịt.

Nhà giàn DK1 xây dựng trên nền san hô với mực nước sâu hàng chục mét, được đánh giá là công trình phi thường, “chưa từng có tiền lệ trên thế giới”, được xây dựng nên bằng ý chí, nghị lực của những con người nhỏ bé, bình thường.

Nâng niu bức ảnh đã ngả màu vì thời gian về từng nhà giàn sừng sững giữa biển xanh được chụp từ nhiều góc độ, “ông nhà giàn” Phạm Ngọc Nam (nguyên Phó Viện trưởng viện Kỹ thuật Công binh - một trong số những người đầu tiên đi xây dựng nhà giàn) coi đây là tài sản quý giá nhất cuộc đời mình.

Tay run run cầm bức ảnh nhà giàn DK1/6- nơi có những đồng đội của mình ngã xuống, đôi mắt nhòe lệ, giọng nghẹn ngào. Sau bao nhiêu năm đã qua, ông bị ám ảnh bởi bức điện tín cuối cùng của nhân viên thông tin Hoàng Văn Thủy từ nhà giàn DK1/6 về Sở chỉ huy Lữ đoàn 171 Hải quân lúc 03h45 phút ngày 13/12/1998. Anh chỉ nói vỏn vẹn một câu: "Chào! Chúng tôi đi đây!" khi nhà giàn đã chống chọi với sóng lớn nhiều giờ và chuẩn bị đổ. Nhà giàn được xây dựng bằng chính máu thịt của các cán bộ chiến sĩ.

"Đi thi công vào mùa sóng gió, tôi đã từng gặp sóng gió cấp 10 vẫn còn phải thi công. Tất cả đội thợ thi công phải nói là tinh thần cực kì kiên cường. ai cũng biết là đang làm nhiệm vụ lịch sử quốc gia nên quyết tâm lắm. Cho nên sóng gió thế nào cũng cố gắng giữ phương tiện để đảm bảo thi công được. Vì nhiệm vụ của Đảng và nhà nước giao cho mình phải sẵn sàng và chịu hi sinh", ông Nam nói.

Trực tiếp đi xây dựng nhà giàn 35 năm trước, ông Đặng Hữu Quý và ông Nguyễn Trọng Nhưng vẫn còn nhớ rất rõ về những tháng ngày được giao nhiệm vụ ra thềm lục địa phía Nam Tổ quốc thi công, lắp dựng nhà giàn DK1. Khi đó các ông là cán bộ của Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt Xô (Vietsovpetro).

Đi xây dựng công trình trên biển đồng nghĩa với việc phải đối mặt với sóng lớn và mưa giông. Như để thử sức người, biển có lúc nổi sóng khủng khiếp cùng với giông bão bất thường. Có những hành trình bị say sóng, ông Nguyễn Trọng Nhưng và đồng đội nằm liệt ba, bốn ngày không ăn, không uống, chỉ nôn thốc tháo. Ông vẫn nhớ như in những khoảnh khắc cùng anh em đồng đội trên con tàu cũ, nhỏ bé đi xây dựng nhà giàn những ngày đầu tiên gắn bó như anh em ruột thịt, bao bọc, sẻ chia trước sóng gió điên cuồng:

"Khi ra vùng biển làm được 1-2 ngày thì sóng gió bắt đầu nổi lên. Tàu cũ không thể hoạt động được phải ngừng thi công. Trong khi chúng ta phải chạy đua với thời gian để sớm dựng nhà giàn, khẳng định chủ quyền. Khi gặp sóng gió thì anh em đều có thể khắc phục được nhưng không làm được việc khi sóng gió quá to vì tàu cũ, mà không làm được thì không thi công được. Tàu bé gian khổ vô cùng. Chống chọi với sóng biển cũng là vấn đề gian nan. Có những anh em lên tàu đi ra khỏi phao số 0 là say sóng. Mặc dù vậy anh em rất cố gắng khắc phục. Rất may mắn là các chiến sĩ của mình yêu thương nhau, cùng nhau đoàn kết quyết tâm bảo vệ chủ quyền. Cho nên tất cả đều cố gắng khắc phục kể cả làm ngày làm đêm để hoàn thành sớm nhất", ông Nhưng kể lại.

Yêu cầu của Bộ Quốc phòng lúc đó là phải bí mật, thi công rất nhanh gọn, chia thành 2 giai đoạn: Thi công trên bờ và thi công trên biển. Toàn bộ khối thượng tầng nóc nhà phải được lắp ráp hết trong bờ, cẩu xuống tàu ra biển rồi lắp ráp với khối chân đế và khối nổi. Lực lượng thi công gồm các kỹ sư của Vietsovpetro, cán bộ của Bộ Tư lệnh Công binh và lực lượng Hải quân đi trên 3 tàu xuất phát từ Vũng Tàu ra vị trí lắp dựng nhà giàn tại bãi cạn Tư Chính. Theo kế hoạch, lực lượng thi công sẽ hạ thủy cân bằng đóng cọc rồi lắp ráp phần thượng tầng để hoàn thiện và bàn giao. 

Mặc dù là kỹ sư của Vietsovpetro, có nhiều kinh nghiệm về xây dựng, lắp đặt giàn khoan trên biển nhưng khi nhận nhiệm vụ, ông Đặng Hữu Quý, nguyên Chánh kỹ sư thiết kế của Vietsovpetro rất lo lắng bởi các ông chỉ có 5 ngày khảo sát ở khu vực. Thời gian quá ít ỏi (trong khi từ khảo sát đến xây dựng hoàn thành giàn khoan dầu khí ở mỏ Bạch Hổ các ông phải mất 5 năm). Nhưng dù có khó khăn mấy, ông Quý và đội ngũ cán bộ Vietsovpetro cũng nhanh chóng bắt tay thực hiện để kịp tiến độ được giao.

"Chúng ta không còn con đường nào khác, phải nhanh chóng ra khảo sát, khó khăn mấy cũng phải làm. Tôi là người trực tiếp. Ra đó chúng tôi đo sóng, đo hải văn, chiều sâu, dòng chảy, tìm bãi phẳng để có thể xây dựng được công trình. Khi chuẩn bị xây dựng ở khu vực đã xác định, thì phát hiện dòng chảy lớn, không thể xây dựng được vì rất nguy hiểm. Chúng tôi lại tiếp tục tìm vị trí khác. Khối đầu tiên là nặng nhất và nó khó khăn nhất. Về vấn đề xây dựng phải đóng cọc qua 4 cái ống của chân đế, Chúng tôi đóng xuống tới khoảng 3,5 mét thì gãy.  Cọc sắt như thế mà còn bị gãy. Lúc đó phương tiện lạc hậu, sắt thép hiếm, đang thời kỳ cấm vận nên mọi vấn đề rất khó khăn. Nhiều đêm tối mất ngủ", ông Quý chia sẻ.

Kể về khó khăn khi đóng cọc dựng nhà giàn, ông Nguyễn Trọng Nhưng, Nguyên Trưởng ban quản lý khoa học và công nghệ, Công ty chế tạo giàn khoan Dầu khí chia sẻ: "Lúc bấy giờ đoàn thi công chỉ cố gắng làm sao đóng được cọc xuống nền san hô để dựng nhà giàn cho kịp thời gian. Mặc dù 35 năm đã trôi qua nhưng đến thời điểm bây giờ, chúng ta vẫn chưa thể xác định chính xác được đặc tính, lý tính của nền san hô trên thềm lục địa.

Chúng tôi nghiên cứu làm sao phải đóng sâu được, dù là 10cm vẫn phải đóng. Chúng tôi làm vát, hàn mũi nhọn của cọc đóng xuống. Nhưng không được. Rồi chúng tôi bắt đầu lồng vào trong ống để tăng độ cứng thì đóng xuống được 1 ít. Khó khăn trong khi phương tiện lúc bấy giờ cũng rất khó khăn, không có tiền để mua vật tư thiết bị".

35 năm đã trôi qua nhưng những người ra biển lắp dựng nhà giàn thuở ban đầu ấy vẫn mãi nhớ khoảnh khắc nhà giàn hiện lên giữa trùng khơi bao la. Đó là những đấu mốc:

-         Ngày 15/6/ 1989  hoàn thành nhà giàn đầu tiên tại bãi ngầm Phúc Tần (DK1/3).

-         Ngày 16/6/1989, hoàn thành nhà giàn Ba Kè A (DK1/4).

-         Ngày 27/6/1989, hoàn thành nhà giàn Tư Chính A (DK1/1).

Ba nhà giàn đầu tiên đã hiển hiện vững chãi giữa thềm lục địa trong niềm hân hoan vui sướng tột độ của lực lượng thi công và các chiến sĩ Hải quân. Đó cũng là lần đầu tiên trên thế giới, hệ thống công trình biển được xây dựng trên nền đá san hô.

Có nhà, có nghĩa là cán bộ chiến sĩ không phải lênh đênh trên con tàu nhỏ, cũ kỹ. Cuộc sống lưng chừng giữa biển và trời của những người lính Hải quân cùng nhiều khó khăn, thử thách bắt đầu…

Ông Nguyễn Trọng Nhưng, Nguyên Trưởng ban quản lý khoa học và công nghệ, Công ty chế tạo giàn khoan Dầu khí tiếp tục chia sẻ: "Khi đã làm xong nhà giàn và chiến sĩ lúc bấy giờ ở trên tàu phải chuyển hết lên nhà giàn. Tất cả chúng tôi đã huy động toàn bộ những cái gì mà còn trên tàu cung cấp cho nhà giàn. Khi chia tay chúng ta biết là anh em rất gian khổ như thế nào, vì thế anh em nhường cơm sẻ áo".

Với ông Đặng Hữu Quý: "Những  người nào sống lênh đênh hàng tháng trên biển trong điều kiện khó khăn thiếu thốn nước ngọt, lương thực, thuốc men và kẻ thù luôn rình rập mới thấy được ý nghĩa, lẽ sống của con người để bảo vệ biên cương của tổ quốc".

Từ năm 1990 đến năm 1998 đã có 17 công trình nhà giàn nối tiếp nhau hiển hiện trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Đến năm 2011, Nhà nước đã đầu tư xây dựng 19 nhà giàn trên 6 bãi ngầm ở khu vực thềm lục địa phía Nam và 1 nhà giàn trên bãi cạn Cà Mau. Do thời tiết thiên nhiên khắc nghiệt, trước những cơn bão, sóng to, gió lớn đã làm cho 5 nhà giàn bị đổ. Hiện nay có 15 nhà giàn hiển hiện vững chắc trên các bãi ngầm ở khu vực thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, như những đóa sen nở trên mặt biển.

Đó cũng là ý nghĩa mà kỹ sư Đặng Hữu Quý khi thiết kế hình dáng nhà giàn trên biển Đông: "Nhà giàn giống như bông sen, những đóa hoa sen nở rộ giữa biển, trùng khơi đánh mốc đánh dấu mốc chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam, mãi mãi cho đời con cháu mai sau. Đó là ý nghĩa chúng tôi thiết kế và gửi gắm vào DK1. Chúng tôi đã ôm lấy nhau hát quốc ca và khóc".

Hệ thống nhà giàn DK1 đã trở thành những cột mốc chủ quyền trên biển của Việt Nam, là chốt tiền tiêu, là vành đai thép bảo vệ khu dầu khí. Đây cũng là nơi đặt các đèn biển báo hiệu cho các tàu thuyền trong nước và quốc tế qua lại trong khu vực; là nơi đặt các trạm nghiên cứu thời tiết thủy văn. Đặc biệt, nhà giàn là chỗ dựa cho bà con ngư dân vững lòng hơn khi vươn khơi bám biển ở khu vực này.

Thường trực tại đây là các cán bộ, chiến  sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam cùng cán bộ, nhân viên các ngành bảo đảm hàng hải, khí tượng, thủy văn, dầu khí đang ngày đêm kiên cường bám trụ, làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, đóng góp vào sự phát triển kinh tế biển của đất nước, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển.

35 năm qua, “ngôi làng” trên biển gồm 15 nhà giàn DK1 chênh vênh, nhỏ bé giữa trùng khơi nhưng lại minh chứng cho những điều hết sức phi thường. 35 năm qua các thế hệ CBCS Hải quân nói chung, Tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân nói riêng đã kiên cường vượt qua những mùa giông bão cùng vô vàn khó khăn, thử thách và cả những hiểm nguy.

Đã có biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ dành trọn tuổi thanh xuân của mình cống hiến cho sự phát triển của nhà giàn. Mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của các anh đã hòa vào biển khơi để xây dựng, gìn giữ “ngôi làng” trở thành những pháo đài thép hiên ngang giữa biển trời Tổ quốc.

Từ khóa: giữa biển khơi, nhà giàn, xây làng giữa biển, thềm lục địa phía nam, biển đảo việt nam, giữa biển khơi

Thể loại: Nội chính

Tác giả: thu lan - hà phương/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập