3 vấn đề cốt lõi cần giải quyết chuyển đổi số trong quản lý đô thị TP.HCM

Cập nhật: 10 giờ trước

VOV.VN - Chuyển đổi số không còn là một xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia, địa phương; trở thành một yếu tố cốt lõi, quyết định sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, cần phải có nhận thức đúng về chuyển đổi số và đầu tư xứng đáng.

Phải nhận thức đúng về chuyển đổi số

Ngày 19/9, báo Người Lao động tổ chức Tọa đàm “Chuyển đổi số trong quản lý đô thị: Xu hướng và giải pháp cho TP.HCM”. Theo các chuyên gia, cần phải nhận thức thức đúng về chuyển đổi số, đầu tiên là ở cấp lãnh đạo. Phải thay đổi lại toàn bộ văn hóa, tiến tới một đô thị văn minh hiện đại, lúc đó công nghệ mới có ý nghĩa. Bởi nếu ý thức không tốt thì có công nghệ lại càng hại. Cần có đầu tư xứng đáng cho chuyển đổi số, có lộ trình, có giải pháp về thể chế, luật hóa, biện pháp chế tài…

TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 nhấn mạnh: không thể dùng công nghệ số để chuyển đổi một đô thị nhếch nhác thành đô thị văn minh, hiện đại. Thách thức lớn nhất hiện nay của chuyển đổi số ở TP.HCM cũng như cả nước là nền tảng dữ liệu.

TS Trần Du Lịch cho rằng cần thay đổi cách tiếp cận về chuyển đổi số trong quản lý đô thị. Trong giao thông, TP.HCM làm sao phải tận dụng công nghệ để tiết kiệm nhân sự, tăng cường xử phạt để thay đổi hành vi; những quy định nào chưa phù hợp thì cần nhanh chóng thay đổi. Theo ông Trần Du Lịch, quản lý đô thị TP.HCM thì số hóa là công cụ. Tuy nhiên để công cụ này phát huy hết hiệu quả thì TP cần phải làm nhiều việc, như một cuộc cách mạng ở hầu hết các lĩnh vực.

"Chúng ta xây dựng hệ thống dữ liệu cần thiết cho từng lĩnh vực, từng ngành, từ hệ thống đó được số hóa thì như vậy chúng ta mới triển khai. Tôi cho rằng khi số hóa thì những quy định phải tương ứng, tương thích khi ứng dụng về số hóa, chứ không thể nào như những quy định trước đây. Đấy là những cái mà tôi cho rằng là thách thức cần phải làm, dĩ nhiên là thách thức nhưng phải làm" TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

3 vấn đề cốt lõi cần giải quyết

Còn Phó Giáo sư – TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải, Đại học Việt Đức cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay của TP.HCM là tăng cường nhận thức tại các cơ quan ra quyết định đầu tư giao thông của TP. Điều này giúp cho quá trình quản lý kế hoạch phân bổ vốn đầu tư hằng năm cho lĩnh vực giao thông và giao thông thông minh sẽ thay đổi.

Trước tiên TP.HCM cần có quy hoạch tổng thể về giao thông thông minh, xác định được tầm nhìn, mục đích, mục tiêu, các giải pháp, lộ trình để tránh lãng phí. Thông qua bản quy hoạch giao thông thông minh này, TP.HCM sẽ tập hợp được nguồn lực đầu tư, tạo ra đột phá trong quá trình triển khai; phải phân bổ vốn và cam kết đầu tư hàng năm cho giao thông thông minh. TP cũng tạo ra những nền tảng để thúc đẩy sự phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình phát triển giao thông thông minh cho thành phố.

Bên cạnh đó, cần tăng cường phương thức đối tác công – tư (PPP) để tạo ra những giá trị mới. Sở Giao thông vận tải nên có những kế hoạch áp dụng công nghệ mới vào thực tiễn. Đồng thời, TP.HCM phải có được chương trình thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, đào tạo với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện các dự án lớn về giao thông thông minh. Đặc biệt, tạo ra được môi trường thúc đẩy đổi mới, bình đẳng.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, TP.HCM cần giải quyết 3 vướng mắc, 3 vấn đề cốt lõi nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh, mạnh hơn và hiệu quả. Tuy nhiên, phải chấp nhận thực tiễn là việc này sẽ thay đổi dần dần:

"Có ba vấn đề cốt lõi mà chúng ta phải giải quyết để đạt được hiệu quả trong chuyển đổi số tại TP.HCM. Thứ nhất là thay đổi tư duy quản lý nhà nước theo quản lý số. Thứ hai là nâng cao cơ sở dữ liệu, chất lượng dữ liệu và thứ ba là có các cơ chế chính sách để thu hút tư nhân đầu tư vào công nghệ số, dữ liệu số", TS Vũ Anh Tuấn cho biết.

Từ khóa: chuyển đổi số, vấn đề cốt lõi,quản lý đô thị,giao thông thông minh

Thể loại: Xã hội

Tác giả: hà khánh/vov tp.hcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan