3 tố chất không thể thiếu của nghề tổ chức sự kiện
Cập nhật: 18/12/2021
Công an Hòa Bình phá án ma túy lớn
Xác định 29 phóng viên, CTV Tạp chí Môi trường và Đô thị có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản
[VOV2] - “Nghề tổ chức sự kiện nói chung, nghề đám cưới nói riêng rất áp lực. Luôn có những yêu cầu đặc biệt đòi hỏi sự đáp ứng tối đa...", Thu Trang, chủ một doanh nghiệp chuyên tổ chức sự kiện chia sẻ.
Tổ chức tiệc cưới, công việc không có lần 2 để sửa sai
Dù dịch Covid-19 vẫn đang tác động xấu nhưng Nguyễn Thu Trang, một bạn trẻ thuộc thế hệ 9X đã bắt đầu trở lại công việc tổ chức đám cưới. Từ sáng, Thu Trang đã trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn nhân viên cũng như hoàn thiện những khâu cuối cùng cho tiệc cưới sẽ diễn ra vào lúc chiều tối tại một khách sạn 5 sao ở trung tâm thành phố. Vào thời điểm này, dù các tiệc cưới bị hạn chế số lượng khách nhưng phía gia đình cô dâu, chú rể vẫn muốn sự kiện diễn ra hoàn hảo, trọn vẹn nhất.
Sau khi tốt nghiệp ngành tổ chức sự kiện, bạn trẻ này đã làm việc ở một vài công ty lớn để học hỏi kinh nghiệm tổ chức tất cả các sự kiện ở các lĩnh vực, quy mô khác nhau. Và khi quyết định đứng ra làm chủ, bạn đã chọn và đầu tư cho tổ chức cưới, một lĩnh vực chuyên sâu của ngành học. Đã học ở trường, làm việc thực tế nhưng khi phụ trách một lĩnh vực chuyên sâu, Trang dần cảm nhận những khó khăn, thách thức riêng.
“Nghề tổ chức sự kiện nói chung, nghề đám cưới nói riêng rất áp lực. Luôn có những yêu cầu đặc biệt đòi hỏi sự đáp ứng tối đa. Những mâu thuẫn hay các vấn đề phát sinh luôn luôn khiến người làm nghề phải giải quyết. Bởi đám cưới không phải chỉ là việc riêng của cô dâu, chú rể. Còn họ hàng, bố mẹ đôi bên với rất nhiều yêu cầu, mong muốn cho sự kiện đặc biệt này”, Trang chia sẻ.
Chính vì vậy, đơn vị nhận đứng ra tổ chức sự kiện như doanh nghiệp của Thu Trang có trách nhiệm lắng nghe yêu cầu, mong muốn của từng bên, từng cá nhân, tổng hợp và lên bản kế hoạch chi tiết từng phần việc. Lên được ý tưởng chung, đáp ứng hoặc dung hòa tất cả các mong muốn được coi như phần việc khó nhất. Trang phụ trách chín phần việc này.
Các phần việc cụ thể sau đó được phân chia theo nhóm. Tất cả các dịch vụ trọn vẹn cho đám cưới từ trang trí, ảnh, tiệc, ăn hỏi… đơn vị của Trang đều có thể đảm bảo. Tuy nhiên, nhiều khách cầu kì sẽ chọn mỗi đơn vị một nhóm dịch vụ. Ví dụ như ở đám cưới này, Trang được mời phụ trách toàn bộ trang trí gồm phòng tiệc, phòng khách hai gia đình, phòng cưới trong cả lễ hỏi và lễ cưới. Chỉ một phần việc cụ thể cho đám cưới thôi nhưng cần các chuyên môn về hoa tươi, ánh sáng, âm thanh.
“Không được để xảy ra sai sót vì tiệc cưới không có lần 2 để sửa sai”. Đó là tâm niệm của người làm nghề sự kiện như Thu Trang. Và để có được điều này, người tổng chỉ huy cần có đầu óc quan sát, trí nhớ, sự cẩn thận, quan tâm tới từng chi tiết và theo thời gian còn cần cả kinh nghiệm để dịch vụ nào, dù nhỏ cho tiệc cưới đều phải hoàn hảo.
Những năng lực cần có để làm nghề Tổ chức sự kiện
Bà Trần Thị Hải Yến, giảng viên khoa PR- Tổ chức sự kiện, Cao đẳng FPT Polytechnic cho biết: Người làm tổ chức sự kiện là người thực hiện tất cả các công việc từ khi hình thành ý tưởng, chuẩn bị, điều phối cho đến khi sự kiện hoàn toàn kết thúc.
Để thành công ở nghề tổ chức sự kiện, bằng kinh nghiệm cá nhân cũng như từ học viên đã ra nghề, theo bà Hải Yến, các bạn trẻ cần đáp ứng ít nhất 3 yêu cầu về năng lực, tố chất:
Sự sáng tạo được đặt lên hàng đầu khi mỗi sự kiện được coi như một sản phẩm khác nhau. Cần hướng tới sự khác biệt và luôn phải làm mới trong mỗi chương trình, hoạt động.
Tiếp đến cần sự năng động, linh hoạt khi công việc này luôn gắn với yếu tố thời gian, sức ép chuẩn bị rất lớn. Và nếu không có sự năng động, linh hoạt, người làm sẽ gặp khó khăn khi phải xử lí một khối lượng lớn công việc cùng những phát sinh trong sự kiện.
Yêu cầu thứ 3 đặc biệt quan trọng, người làm sự kiện cần có sức khỏe và khả năng chịu áp lực. Công việc này thường xuyên đòi hỏi bạn phải có những chuyến đi xa, dài ngày, điều phối nhiều bên và thường xuyên về muộn.
Tuy nhiên, theo bà Hải Yến, tổ chức sự kiện được coi như nhu cầu thiết yếu của doanh nghiệp. Vẫn vận hành doanh nghiệp thì vẫn phát sinh nhu cầu tiếp cận nhóm khách hàng, đối tác, báo chí, chính quyền… Vì vậy đây vẫn sẽ là công việc "hot" trong hiện tại và tương lai.
Đại dịch tác động khiến nhiều ngành dịch vụ, trong đó có tổ chức sự kiện bị đình trệ. Tuy nhiên, nhiều cá nhân, đơn vị thực hiện công việc tổ chức sự kiện đã có những sáng tạo trong việc tổ chức các sự kiện online, trực tuyến hấp dẫn, thu hút người tham gia. Và đây được xem như cách thích ứng linh hoạt của người làm nghề.
Học ngành tổ chức sự kiện, bạn trẻ có thể tham gia vào các doanh nghiệp chuyên tổ chức sự kiện hoặc đứng ra tạo lập doanh nghiệp riêng của mình. Cơ hội nghề nghiệp và thu nhập của nghề tổ chức sự kiện theo bà Trần Thị Hải Yến luôn rộng mở và hấp dẫn.
Mời quý vị bấm nút nghe chương trình
Từ khóa: tổ chức sự kiện, nghề tổ chức sự kiện, đám cưới, cưới, sự kiện, FPT, cao đẳng FPT, vov2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2