3 năm liền, công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giữ đà tăng trưởng khá
Cập nhật: 21/12/2023
Chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam (21/11/2024)
Đường sắt tốc độ cao – cơ hội cho doanh nghiệp Việt (25/11/2024)
VOV.VN - Kết thúc năm 2023, kinh tế Quảng Ngãi tăng trưởng ngoạn mục. Nổi bật là lĩnh vực công nghiệp (ngành chủ chốt của địa phương) tăng trưởng khá. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, tỉnh Quảng Ngãi giữ được mức tăng trưởng ngoạn mục
Những ngày cuối năm, không khí lao động ở Nhà máy của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát trong Khu Kinh tế Dung Quất càng thêm nhộn nhịp. Đây là một trong những doanh nghiệp đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi. Anh Mạc Văn Quyên, nhân viên Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất cho rằng, anh và các đồng nghiệp rất vui vì thu nhập bình quân vẫn duy trì mức 15 triệu đồng mỗi tháng.
“Cá nhân tôi cũng thấy là làm việc trong môi trường Hòa Phát năm nay là may mắn bởi vì công ty từ đầu năm đến giờ cũng bố trí ca kíp, làm đủ công, đủ giờ, thu nhập vẫn ổn định. Không chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế như các công ty bạn bè tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh hay ở ngay quê tôi giảm giờ làm, lương, sản phẩm cũng bị giảm. Một số nhà máy còn bị đóng cửa, nhưng may mắn trong Tập đoàn Hòa Phát chưa có tình trạng như thế”- Anh Quyên thổ lộ.
Ngay từ đầu năm 2023, doanh nghiệp này đứng trước nhiều khó khăn. Từ quý 4/2022 đến hết quý I/2023 thì 2 trong số 4 lò cao của Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất phải tạm dừng hoạt động do hàng tồn kho quá lớn, lên đến 500.000 tấn thép. Đến tháng 7/2023, thị trường dần phục hồi, sức mua tăng lên, Công ty đã cho 2 lò cao hoạt động trở lại. Với 4 lò cao, mỗi ngày Công ty sản xuất 10.000 tấn thép cung ứng ra thị trường. Kết thúc năm 2023, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất sản xuất đạt sản lượng 4,4 triệu tấn thép. Công ty này đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 4.800 tỷ đồng chỉ trong 11 tháng của năm 2023. Công ty chủ động tìm các giải pháp khắc phục, tối ưu hóa chi phí sản xuất, sản xuất thép chất lượng cao để tìm kiếm đối tác ở nước ngoài.
“Khó khăn mà cần phải điều tiết sản xuất, cắt giảm công suất cũng là dịp chúng tôi điều chỉnh lại toàn bộ về chi phí sản xuất, cắt giảm những cái lãng phí và tối ưu lại để giúp giảm giá thành sản xuất. Với tình hình tiêu thụ trong nước khó khăn thì Công ty tập trung vào sản phẩm chất lượng cao, hàng thép xuất khẩu, cố gắng đẩy mạnh kênh tiêu thụ khác. Trước đây tiêu thụ trong nước chiếm 80% đến 90% đầu ra thì bây giờ hơn 40% là Công ty xuất khẩu”-Ông Hồ Đức Thọ, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất cho cho hay.
Thực tế 6 tháng đầu năm nay, công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi vẫn tăng trưởng âm gần 1%. Từ dự báo tăng trưởng âm, các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đối thoại doanh nghiệp để tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng đơn giản hóa thủ tục cho vay, tiếp cận các gói vay ưu đãi của Chính phủ; gia hạn các khoản vay, miễn giảm lãi suất. Lãnh đạo tỉnh cũng tổ chức nhiều chuyến đi xúc tiến đầu tư nước ngoài, tổ chức Hội nghị giới thiệu hợp tác đầu tư Quảng Ngãi ở nhiều nơi trong nước.
Kết thúc năm 2023, kinh tế tỉnh Quảng Ngãi nói chung và công nghiệp Quảng Ngãi nói riêng đã tăng trưởng khá. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp năm nay ước đạt hơn 134.000 tỷ đồng, tăng 4,6% so với năm 2022, vượt 21,6% kế hoạch; trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài sản phẩm lọc hóa dầu ước đạt hơn 82.000 tỷ đồng, tăng 6,1%. Một số sản phẩm đạt và vượt so với kế hoạch là: Lọc hóa dầu vượt 18%; thép vượt hơn 89%; sản phẩm may mặc vượt 6,3%; thủy sản chế biến đạt 100%...
“Trong quá trình triển khai nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thì Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất luôn đồng hành với các doanh nghiệp. Những vấn đề liên quan đến khó khăn trong đầu tư, trong sản xuất chúng tôi đều hỗ trợ về thời gian nhanh nhất, thủ tục nhanh nhất. Chia sẻ với nhau về thông tin, các kênh xúc tiến về thương mại hoặc thu hút đầu tư, thu hút doanh nghiệp mới vào Khu Kinh tế Dung Quất chúng tôi cũng đã làm có hiệu quả”- Ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ về niềm vui cuối năm như thế.
Đến nay, tại Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi có 344 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 385.000 tỷ đồng, trong đó 61 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 283 dự án đầu tư trong nước; có 250 dự án đã đi vào hoạt động. Năm 2023, trên địa bàn Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giải quyết việc làm cho hơn 67.300 lao động.
Theo ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, năm 2024 dự báo sẽ hụt khoản thu từ việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất bảo dưỡng 2 tháng, do đó tỉnh đang tìm giải pháp thúc đẩy các ngành công nghiệp khác.
“Nhà máy thép, nhà máy lọc dầu, hai đơn vị này giá trị sản xuất công nghiệp trong tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi chiếm 54% còn trong lĩnh vực công nghiệp nặng chiếm 74%. Nhưng nhà máy lọc dầu 6,1 triệu tấn sản lượng là hy vọng được. Thứ 2 là thép Hoà Phát sản lượng đạt hay không đạt không ảnh hưởng đến thu ngân sách của tỉnh nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chỉ tiêu tăng trưởng. Cho nên tỉnh Quảng Ngãi phải bằng mọi giá thúc đẩy các ngành công nghiệp khác tăng tốc để gánh bớt khi sự cố rủi ro đối với 2 doanh nghiệp lớn này” - ông Minh nhận định./.
Từ khóa: Nhà máy của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát; Khu Kinh tế Dung Quất, khu kinh tế dung quất
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: thành long/vov-miền trung
Nguồn tin: VOVVN