21 ngày chữa khỏi Covid-19 cho 2 bệnh nhân Trung Quốc tại BV Chợ Rẫy

Cập nhật: 13/02/2020

VOV.VN - Khi nằm trong vùng dịch, tâm lý ai cũng sợ kể cả bác sĩ, nhất là khi không ai biết về Covid-19.

Là một trong những bác sĩ trực tiếp điều trị cho hai bệnh nhân đầu tiên xác định nhiễm virus corona mới Covid-19 (nCoV) tại Việt Nam, ThS.BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy chia sẻ về nỗ lực của mình và các đồng nghiệp từ đêm 28 Tết để đến nay đã điều trị khỏi cho hai người bệnh này.

“Đó là sự hy sinh, hy sinh cái Tết đoàn viên. Tết không về nhà, gặp người thân lại phải tránh xa… ” - BS Anh Thơ nói. Bởi với khoa trực tiếp điều trị chống dịch, các bác sĩ đã có sự xáo trộn khủng khiếp. Toàn bộ y bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp điều trị, chăm sóc cho người bệnh hầu như không được ăn cái Tết này.

21 ngay chua khoi covid-19 cho 2 benh nhan trung quoc tai bv cho ray hinh 1
Sau 21 ngày cách ly, điều trị tại BV Chợ Rẫy, chiều 12/2 bệnh nhân người Trung Quốc - ca nhiễm virus corona đầu tiên ở Việt Nam đã khỏi bệnh và xuất viện.

Người dân lo 1 thì bác sĩ lo 10

Chiều 12/2, bệnh nhân người Trung Quốc Li Ding (SN 1954) đã xuất viện sau khi được BV Chợ Rẫy tiếp nhận và điều trị từ đêm 28 Tết. Ông Li Ding và con trai Li Zhichao (SN 1992) là hai bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam. Và hiện cả 2 đều đã được điều trị khỏi tại BV Chợ Rẫy. Trước đó, sáng 4/2, bệnh nhân Li Zhichao đã được các bác sĩ cho xuất viện sau khi được xác nhận kết quả âm tính với Covid-19.

BS Anh Thơ chia sẻ, việc BV Chợ Rẫy tiếp nhận 2 ca dương tính với Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, hơn nữa lại là người Trung Quốc, nên khó khăn không phải là nhỏ.

“Đây là loại virus mới nên thời điểm tiếp nhận hai ca bệnh đầu tiên mình chưa biết gì về nó cả và mình đối diện có rất nhiều khó khăn, từ vấn đề nguy cơ lây nhiễm cho chính các y bác sĩ và những quyết định của mình có đúng hay không. Từng bước điều trị phải thực hiện kỹ lưỡng thế nào và phối hợp với các ban ngành và các bộ phận khác trong quá trình điều phối và chống dịch như thế nào? Bên cạnh đó, vấn đề cách ly và giải thích cho bệnh nhân thế nào khi ngôn ngữ bất đồng, để giải thích cho họ hiểu được bác sĩ, hiểu được căn bệnh và họ an tâm hợp tác trong quá trình điều trị. Đó là những khó khăn ban đầu”, BS Anh Thơ chia sẻ.

Với ca bệnh của người cha, ông Li Ding có nền bệnh từng mổ ung thư phổi, từng có bệnh tim mạch, mạch vành phải đặt sten, cao huyết áp tiểu đường… trong khi virus corona mới không có hướng điều trị kháng virus đặc hiệu. Theo BS Anh Thơ, khi tổn thương phổi của bệnh nhân này tăng lên thì với các bác sĩ đó là thời điểm điều trị rất căng thẳng. Vì lúc đó, các bác sĩ sẽ có dự đoán khuynh hướng bệnh nặng hơn và yêu cầu hồi sức cao hơn.

BS Anh Thơ kể lại: “Sau khi tiếp nhận 2 ca đầu tiên, chúng tôi cũng không biết trước tình hình sẽ diễn tiến thế nào và phải dự trù việc có thể có thêm những trường hợp khác. Phải đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt giữa các cấp và trao đổi thông tin về bệnh giữa các bác sĩ điều trị để nắm được diễn biến bệnh nhân và hội chẩn kịp thời khi cần thiết, để đưa ra hướng điều trị nhanh nhất, rõ ràng nhất”.

Khi nằm trong vùng dịch, tâm lý ai cũng sợ, nhất là khi không ai biết về Covid-19. Có những y bác sĩ có vợ đang mang thai, có con nhỏ và ba mẹ lớn tuổi đang mắc nhiều bệnh, do vậy họ cũng lo sợ có thể mang “cái gì đó” về nhà. Bên cạnh đó, khi người ta nghe đến dịch bệnh đang diễn ra tại BV Chợ Rẫy, nhiều người khi gặp bác sĩ đã tránh xa cả mét. Đây là áp lực thực tế mà các bác sĩ phải đối mặt.

Người ta né dịch thì bác sĩ phải xông pha ở tuyến đầu

Khi nghe thông tin về virus Covid-19, nhiều người nghĩ rằng bệnh dịch vẫn còn ở xa bên Trung Quốc, nhưng ca bệnh đầu tiên đã xuất hiện ngay tại BV Chợ Rẫy. Thông tin này đã khiến nhiều người hoang mang bất ngờ. Song nhờ những kinh nghiệm phòng chống dịch SARS, H5N1… nên khi hai trường hợp bệnh nhân người Trung Quốc nhập viện cấp cứu, các nhân viên y tế đã có phản ứng nhanh nhạy.

Theo BSCKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết: “Sau khi hỏi thông tin dịch tễ của bệnh nhân, thì trong 1-2 phút, chúng tôi đã lập tức cách ly người bệnh. Đặc biệt là vận động người con nhập viện. Điều này rất quan trọng giúp giảm thiểu sự lây nhiễm cho nhân viên y tế. Và ngay trong đêm 28 Tết, BV Chợ Rẫy đã phối hợp với Viện Pasteur để tiến hành xét nghiệm và có kết quả sớm nhất”.

Ngoài điều trị chuyên môn, các y bác sĩ không quên chăm lo yếu tố tinh thần để hai bệnh nhân người Trung Quốc không cảm thấy bị lạc lõng vào những ngày Tết truyền thống. Đây cũng là một yếu tố góp phần củng cố tâm lý người bệnh, khiến họ tin tưởng, phối hợp với y bác sĩ trong quá trình điều trị để có kết quả tốt như hiện nay.

Theo BS Thức, nhân viên y tế đầu tiên tiếp xúc với hai bệnh nhân người Trung Quốc, theo đúng quy định y tế vẫn đeo khẩu trang y tế, đã cảnh báo và kích hoạt hệ thống phòng chống dịch của bệnh viện. Mọi quy trình sau đó được tiến hành nghiêm ngặt theo quy định của Bộ Y tế và nhân viên đầu tiên tiếp xúc được cách ly 14 ngày tại nhà và đến nay đã đi làm lại. Toàn bộ 28 nhân viên tiếp xúc với 2 trường hợp bệnh nhân này đến nay không có biểu hiện của bệnh.

Sau Tết, bệnh nhân trở lại khám bệnh rất lớn, mỗi ngày trung bình 6.000-7.000 người. Nhiều người điều trị cao huyết áp, đái tháo đường, suy thận… bày tỏ lo ngại khi tới bệnh viện có thể nhiễm virus Covid-19. Do vậy, BV Chợ Rẫy phải tách riêng khám chữa bệnh riêng với những người bệnh có yếu tố dịch tễ nghi ngờ liên quan đến dịch Covid-19. Nếu để một ca nhiễm vô tình xếp hàng chung với các bệnh nhân khác thì đó là điều cực kỳ khủng khiếp. Bệnh viện phải luôn sẵn sàng chống dịch, nhưng vẫn đảm bảo hoạt động bình thường của bệnh viện và chăm lo cho các bệnh khác đang điều trị tại bệnh viện.

“Bệnh viện đã chuẩn bị kịch bản đối phó ở cấp độ 3 - chuẩn bị về cơ sở vật cho khoảng 20 trường hợp nhiễm bệnh và cấp độ 4 - là 1.000 trường hợp nhiễm bệnh. Bên cạnh trang thiết bị, bệnh viện cũng đã diễn tập và chuẩn bị sẵn khu điều trị theo yêu cầu, sẵn sàng cho khu cách ly tuyệt đối…”, BS Thức nhấn mạnh.

Bệnh viện kỷ luật cũng như quân đội

Điều trị khỏi cho người bệnh, nhận được sự tin tưởng của người bệnh, là một quá trình nỗ lực của các y bác sĩ mà họ ví là “tuân thủ tuyệt đối theo quân lệnh”. Đặc biệt là những quy trình về cách ly và phòng ngừa chuẩn, bởi chỉ một mắt xích bị lỗi sẽ dẫn đến lỗi cả một hệ thống.

“Chúng tôi quen rồi. Các y bác sĩ không vào ứng phó dịch bệnh thì ai vào bây giờ. Tôi chỉ là một cá nhân trong tập thể các y bác sĩ đang tham gia chữa trị cho người bệnh. Chúng tôi luôn phải tự động viên bản thân, động viên lẫn nhau “phải cố gắng thôi”, BS Anh Thơ nói.

Ngoài hệ thống y tế, ý thức và nhận thức của người dân rất quan trọng, góp phần không nhỏ để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Các bác sĩ, điều dưỡng khác đã rất hy sinh trong đợt chống dịch bệnh này. Tất cả đã vượt qua nỗi sợ và làm hết sức mình có thể và nở nụ cười thỏa mãn khi chứng kiến bệnh nhân khỏe mạnh.

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cũng khẳng định, BV Chợ Rẫy đã triển khai công tác dự phòng rất tuyệt vời từ ngay những hành động đầu tiên dựa trên dịch tễ và các yếu tố lâm sàng của bệnh nhân.

Dấu hiệu lâm sàng khi mắc Covid-19 giống với các bệnh đường hô hấp khác và trong thời điểm chỉ nghe thông tin về dịch bệnh tại Trung Quốc. Dù đã có những cảnh báo nhưng những thông tin lúc đó rất khiêm tốn. Với sự kết nối nhiều khu vực và nỗ lực thâu đêm, đến sáng 29 Tết đã có kết quả xét nghiệm và ngay lập tức cảnh báo, báo cáo lên Bộ Y tế.

“Với người dân, việc đầu tiên phải đến cơ sở y tế để có chỉ định kỹ hơn trường hợp nào phải làm xét nghiệm, trường hợp nào không”, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM khuyến cáo./.

Từ khóa: covid 19, corona, virus corona, chữa khỏi corona, Bệnh viện Chợ Rẫy

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập