14.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc- Nam phía Đông
Cập nhật: 25/09/2019
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, cuối năm 2019 giải phóng 50% khối lượng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ của cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là dự án trọng điểm quốc gia. Trước mắt, tuyến cao tốc sẽ được đầu tư 11 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 654km, tổng mức đầu tư hơn 118.000 tỷ đồng.
Dự án đi qua địa phận 13 tỉnh, bao gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Hiện nay, hầu hết các tỉnh có tuyến đường đi qua đã thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng và cam kết sẽ hoàn thành kế hoạch mà Bộ Giao thông - Vận tải đề ra. Nhiều địa phương mong muốn Bộ Giao thông - Vận tải sớm bàn giao mốc giới để triển khai việc giải phóng, tái định cư.
“Mặc dù kế hoạch rất cụ thể, chi tiết rồi, đã có tiến độ từng đoạn, từng tuyến một nhưng các địa phương vẫn đợi bàn giao cọc giải phóng mặt bằng. Sau khi bàn giao cọc giải phóng mặt bằng, địa phương mới có cơ sở xác định đo đạc địa chính và thu hồi đất, kiểm đếm” - ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, mục tiêu đến năm 2020, phải đưa vào khai thác 2.000 km đường cao tốc. |
Việc bàn giao mốc giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành trong tháng 4 năm nay. Theo đó, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ sớm bố trí kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để chuyển đến các Hội đồng giải phóng mặt bằng. Hiện, nguồn kinh phí 14.000 tỷ đồng dành cho công tác giải phóng mặt bằng đã chuẩn bị sẵn sàng, các Ban Quản lý dự án thường xuyên phối hợp với các địa phương để thực hiện công tác này.
“Chúng ta làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, nhà thầu, nhà đầu tư sẽ sớm có công địa để triển khai thi công. Về góc độ của Bộ thì chúng tôi phải cung cấp cho địa phương các cọc mốc một cách chính xác nhất, tránh tình trạng phải làm đi, làm lại, dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ, thực hiện thật tốt công tác giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm quốc gia” - ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, mục tiêu đến năm 2020, phải đưa vào khai thác 2.000 km đường cao tốc và 10 năm tiếp theo cố gắng có thêm 3.000 km cao tốc nữa. Riêng đối với tuyến cao tốc Bắc – Nam, đây là tuyến có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa và cũng là thước đo của sự phát triển. Tuyến cao tốc này dài hơn 2.000 km kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau, đi qua 32 tỉnh, thành phố và 4 trung tâm kinh tế trọng điểm, các khu dân cư, trung tâm văn hóa…
Đây là tuyến huyết mạch cực kỳ quan trọng. Vì vậy, các địa phương không để xảy ra "điểm nóng" trong quá trình giải phóng mặt bằng. Trong Quý III năm nay, sẽ khởi công một số đoạn, cuối năm nay sẽ hoàn thành 50% khối lượng giải phóng mặt bằng. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án.
“Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo chủ đầu tư thành phần giải phóng mặt bằng, các ban, ngành địa phương thực hiện tốt việc tuyên truyền vận động người dân về ý nghĩa quan trọng của con đường này. Con đường này làm được thì có lợi cho Nhà nước, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng đặc biệt cuối cùng là lợi ích của người dân, kinh tế tăng trưởng lên, thu thập người dân sẽ cao hơn, người dân nghèo sẽ được hỗ trợ nhiều hơn" - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh./.
Từ khóa: cao tốc bắc nam, giải phóng mặt bằng, đường bộ, Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN