13 mẹo chuyển nhà bỏ túi

Cập nhật: 21/09/2020

VOV.VN - Việc chuyển nhà quả thật là một cơn ác mộng. Một vài mẹo dưới đây chắc chắn sẽ giúp bạn có được một lần chuyển nhà thành công ngoài mong đợi.

Trước tiên, bạn cần ghi ra một thời gian biểu cho quá trình chuyển nhà của bạn, hôm nào thu dọn đồ, hôm nào di chuyển và xem xét tài chính của gia đình để thuê dịch vụ vân chuyển sao cho hợp lý. Sau đó, bạn mới nên suy tính đến những mẹo dọn đồ dưới đây.

1. Bỏ đồ vật không cần thiết
Bước quan trọng đầu tiên chính là việc bạn chọn lọc đồ đạc để di chuyển. Hãy sẵn sàng bỏ những thứ không cần thiết, hoặc không còn phù hợp với không gian ở mới của bạn nữa. Cân nhắc thật kĩ những thứ nào nên giữ, bỏ, bán hay quyên góp.

2. Mua hộp đựng chất lượng

Săn hàng giá rẻ luôn là điều chúng ta mong muốn. Tuy nhiên, bạn sẽ không hề hài lòng nếu tài sản của mình bị đựng trong những chiếc hộp dễ rách nát và đổ vỡ. Vì vậy, thêm một chút tiền để có được chất lượng tương ứng là hoàn toàn hợp lý. Ngoài ra, bản chất những chiếc hộp này đều có giá thành rất rẻ, mà chất lượng lại hơn hẳn những hộp đựng đã qua sử dụng, không bị ẩm ướt hay hỏng hóc. 

3. Chia thời gian ra các ngày

Hãy cố gắng phân chia các đầu việc đều theo các ngày, đừng để tất cả dồn vào một buổi tối trước ngày bạn di chuyển, như vậy sẽ tạo áp lực, mệt mỏi và thậm chí khiến bạn cuống và quên đồ đạc. Ví dụ, bạn có thể lên kế hoạch thu dọn một phòng một ngày, mỗi ngày một đến hai tiếng. Sắp xếp đồ đạc theo cặp và nhóm, đặt trong các hộp có kích thước phù hợp để dễ tìm kiếm và sử dụng.

4. Mỗi phòng một màu

Bạn nên in nhãn dán các loại màu hoặc băng dính màu cho các hộp của mỗi phòng khác nhau, ví dụ phòng ngủ màu xanh, phòng khách màu hồng. Sau đó, ghi tên nhóm đồ vật ấy lên hộp và bắt đầu thu dọn. Đồng thời, bạn nên qua nơi ở mới của mình, dính những nhãn dán ấy vào các phòng tương ứng, để khi di chuyển, bạn chỉ cần xếp hộp theo các màu là xong, thay vì phải mất thời gian đọc và tìm kiếm từng hộp. 

5. Không cho quá nhiều vào một hộp

Một sai lầm nhiều người thường mắc phải chính là cố gắng nhồi nhét tất cả đồ dùng vào những hộp đựng sẵn có. Hãy dùng càng nhiều hộp càng tốt, vừa tránh đồ vỡ, vừa nhẹ nhàng và gọn gàng. Cố gắng để chiếc hộp to nhất của bạn không vượt quá 25 kg.

6. Dùng đúng hộp

Cho những đồ nặng như sách vào các hộp bé, những đồ nhẹ hơn vào các hộp to. Việc này sẽ giúp ta dễ dàng sắp xếp hộp vào trong xe để không bị đổ vỡ: hộp đựng đồ nặng ở dưới, hộp đựng đồ nhẹ ở trên.

7. Lấp kín hộp

Lấp đầy các hộp bằng giấy vụn, quần áo thừa hoặc xốp để tránh cho chúng khỏi va đập và đổ vỡ. Dùng băng dính dán các mặt đáy và cạnh bên, nơi tập trung nhiều áp lực, của hộp. 

8. Xếp gọn quần áo

Sắp xếp quần áo là một trong những việc làm tốn thời gian nhất. Nếu bạn không cẩn thận, quần áo có thể lấy đi nhiều không gian của hộp, bạn nên chú ý sắp xếp sao cho tiết kiệm được càng nhiều chỗ càng tốt. Ví dụ, bạn nên cuộn tròn quần áo thay vì gấp chúng. Những loại trang phục không thể gấp nên cho vào các loại túi riêng, hút chân không và treo trên xe.

9. Chụp và dán nhãn cho nội thất

Hãy dành thêm thời gian cho các đồ dùng nội thất lớn như các loại tủ, giường và cửa. Bạn nên tháo hết các bộ phận của chúng ra  để thuận tiện cho việc di chuyển. Dán nhãn, đánh số cho các bộ phận ấy, riêng đinh ốc và các mảng nối nên được đựng vào một túi riêng và gắn phía sau đồ dùng. Đồng thời, bạn nên chụp lại tất cả các hình ảnh hoàn chỉnh của nội thất, từ các mảng nối dây điện đến các góc của tủ quần áo, kệ ti vi, giường ngủ, vân vân để dễ dàng hơn khi lắp ghép lại.

10. Xếp riêng những đồ vật sau

Bạn cần cân nhắc những đồ vật không nên mang lên xe tải, đặc biệt là các vật dễ đổ vỡ và hỏng hóc. Những đồ vật này nên được thu dọn riêng và vận chuyển sau.

Các dụng cụ và chất hóa học tẩy rửa cần được để riêng và ghi chú rõ ở ngoài hộp đựng. Bạn nên dùng hộp nhựa để đựng những đồ vật đó, tránh rò rỉ các chất độc hại ra ngoài. Ngoài ra, các chai nhựa và thuốc than nên được xếp cùng nhau và tách khỏi các đồ dùng khác, tương tự với bình chữa cháy, ammonia, sáp nến, sơn và pin.

11. Chú ý đồ dễ vỡ

Cân nhắc việc xếp các loại đĩa, đồ dùng làm bánh, thủy tinh và các đồ dùng làm bếp khác ở nơi riêng biệt. Nhét giấy báo, xốp, giấy bìa để tránh cho các đồ vật khỏi va chạm và gây đổ vỡ. Bạn nên bọc chúng bằng khăn tắm thừa hoặc giấy báo trước khi cho vào hộp. Hộp đựng của chúng phải nhỏ vừa đủ và được dán nhãn “đồ dễ vỡ” để thêm chú ý.

12. Dùng băng dính để tránh rò rỉ

Bạn nên chú ý tới các vật dụng dễ rò rỉ như sữa tắm hay dầu gội đầu. Dùng băng dính cố định nắp của sản phẩm và đựng những vật này tách riêng khỏi các đồ dùng khác, nếu bạn không muốn phải lau dọn lại toàn bộ đồ đạc của mình

13. Dùng ống hút để giữ trang sức

Cho vòng cổ của bạn qua một cái ống hút và cuộn tròn nó lại trong khăn, cách này sẽ giúp trang sức của bạn không bị rối và hỏng hóc. Dùng các vỉ thuốc đã sử dụng rồi để đựng những trang sức nhỏ gọn của bạn như nhẫn hay khuyên tai. Bạn nên mang theo những đồ vật đắt tiền này theo người thay vì để chúng trên xe./.

Từ khóa:

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập