12 cách để nuôi dạy một đứa trẻ biết quan tâm, nhân ái

Cập nhật: 02/02/2021

VOV.VN - Lòng nhân ái là một phẩm chất mà trẻ học hỏi được qua thời gian và thông qua thực hành. Và cha mẹ chính là người thầy tốt nhất của trẻ trong việc làm gương, hướng dẫn, khuyến khích trẻ thể hiện lòng tốt, sự yêu thương với mọi người xung quanh.

Tin rằng con bạn có khả năng sống tử tế

Theo Alfie Kohn, tác giả cuốn sách “The Brighter Side of Human Nature: Altruism and Empathy in Everyday Life” (tạm dịch “Mặt sáng hơn của bản chất con người: Lòng vị tha và sự đồng cảm trong cuộc sống hàng ngày”), nếu bạn đối xử với con mình như thế nó luôn là đứa trẻ không ngoan thì chẳng bao lâu nữa, nó sẽ trở thành như vậy. Nhưng nếu bạn cho rằng, trẻ muốn giúp đỡ và quan tâm đến nhu cầu của người khác, trẻ sẽ có xu hướng đáp ứng những mong đợi đó.

Làm mẫu cho hành động tích cực

Những gì cha mẹ nói và làm rất quan trọng với trẻ. Bởi vậy, hãy để trẻ nhìn thấy những hành động tử tế của bạn, chẳng hạn như chở một người hành xóm lớn tuổi đến cửa hàng hoặc an ủi một người bạn. Cha mẹ hãy bắt đầu việc làm mẫu này ngay từ hôm nay để trẻ học hỏi.

Đối xử với con bạn một cách tôn trọng

Điều này có thể đơn giản như cách thông báo cho con bạn rằng giờ vui chơi sắp kết thúc. Kohn nói: “Tôi luôn nhăn mặt khi thấy các cha mẹ quyết định rằng đã đến lúc phải rời khỏi sân chơi và đột ngột kéo con đi vì đã đến giờ về nhà. Đó là cách đối xử thiếu tôn trọng với một con người ở bất kỳ tầm tuổi nào”. Bạn cũng có thể chỉ ra cách giải quyết xung đột thành công qua những trải nghiệm thực tế. Ví dụ, khi ở nhà, bạn có thể nói với con mình như thế này: “Bố mẹ không phải lúc nào cũng đồng ý với nhau, nhưng chúng ta hãy lắng nghe nhau và đối xử với nhau bằng sự tôn trọng thay vì hạ thấp nhau”.

Dạy con chú ý đến biểu cảm của người khác

Đây là bước đầu tiên để trẻ học cách hiểu quan điểm của người khác. Theo Kohn, chúng ta có nhiều khả năng tiếp cận với những người có nhu cầu được giúp đỡ khi chúng ta có thể hình dung thế giới trông như thế nào theo quan điểm của người khác.

Cho con biết rằng bạn coi trọng cách trẻ đối xử với người khác

Ví dụ, trẻ có thể nghĩ rằng thật buồn cười khi thấy ai đó bị nước bắn tung tóe lên người lúc một chiếc ô tô chạy ngang qua vũng nước. Bạn có thể chỉ ra cho trẻ thấy: “Con nhìn kìa, cô ấy không cười vì những gì đã xảy ra. Nhìn khuôn mặt của cô ấy trông thật buồn bã. Bây giờ, quần áo của cô ấy bẩn và ướt hết rồi”.

Dạy trẻ nhận thức về sự thô lỗ

Chẳng hạn, bạn cùng con đi siêu thị và khi tính tiền, người thu ngân hỏi hay trả lời bằng giọng rất khó chịu, thô lỗ thì nhân lúc này, hãy dạy cho trẻ nhận thức về sự thô lỗ. Bạn có thể nói: “Chà, người thu ngân đó hẳn đã có một ngày thực sự tồi tệ khi nói với chúng ta bằng giọng khó nghe như vậy ở siêu thị. Con có nghĩ vậy không?” Điều này sẽ dạy con bạn rằng, khi ai đó khó chịu với bạn, bạn không cần phải đáp lại một cách ác ý.

Luôn công nhận lòng tốt của người khác

Hãy để cho con bạn thấy rằng bạn luôn công nhận, cảm ơn khi ai đó làm điều gì đó tốt đẹp. Ví dụ, nếu ai đó giảm tốc độ để cho bạn ra khỏi đoạn đông đúc trong bãi đậu xe, hãy nói “Người lái xe đó thật tốt khi nhường cho mẹ lái xe ra ngoài”. Tương tự, nếu con bạn đối xử tử tế với ai đó, hãy nhớ ghi nhận và khen ngợi nỗ lực của trẻ.

Nhạy cảm với thông điệp con bạn tiếp thu từ phương tiện truyền thông

Trẻ em có khả năng bắt chước những hành động tử tế mà chúng thấy trong phim và đọc trong sách cũng như dễ bắt chước những hành động không tốt mà chúng xem được. Vì thế, cha mẹ hãy nhận biết các chương trình và phim ảnh mà con bạn xem và sẵn sàng nói chuyện về những gì mà chúng xem. Ngoài ra, hãy khuyến khích trẻ đọc những cuốn sách tập trung vào sự quan tâm và lòng trắc ẩn.

Đừng để trẻ chế nhạo hay làm tổn thương ai đó

Nếu bạn nghe thấy con mình đứa trẻ khác bằng những cái tên chế nhạo, chê bai thì hãy giải quyết ngay vấn đề này với hai đứa trẻ. Hãy chỉ ra cho con thấy đứa trẻ bị gọi tên chế nhạo khó chịu như thế nào: “Con có thể nhìn hấy những giọt nước mắt của bạn khi con gọi bạn với cái tên như thế không?”. Điều quan trọng nữa là đảm bảo đứa trẻ được gọi tên không cảm thấy mình là nạn nhân và khuyến khích con bạn xin lỗi. Hoặc khi trẻ xô xát với bạn để tranh giành, món đồ nào đó, hãy hỏi trẻ: “Nếu con muốn một thứ gì đó, thì còn cách nào khác để con có được nó mà không làm tổn thương người khác không?”.

Tránh tạo sự cạnh tranh trong gia đình

Nếu bạn nói: “Hãy xem ai có thể dọn dẹp nhanh nhất nào” thì có nguy cơ bạn đặt những đứa trẻ là đối thủ của nhau. Khi bọn trẻ đọ sức với nhau để nỗ lực giành chiến thắng ở bất cứ thứ gì, chúng sẽ học được rằng những người khác là những trở ngại tiềm tàng cho sự thành công của chúng. Thay vào đó, bạn có thể khuyến khích bọn trẻ làm việc cùng nhau để hoàn thành công việc và khen ngợi về nỗ lực của cả nhóm.

Chỉ cho con cách giúp đỡ người khác

Bạn có thể khuyến khích con mình tặng một món đồ chơi không còn phù hợp với tuổi của chúng nữa cho đứa trẻ khác, trong khi bạn mua một đồ chơi khác để tặng. Trẻ cũng có thể giúp bạn làm bánh tặng cho người vô gia cư hoặc cùng bạn đến thăm ai đó trong bệnh viện hay viện dưỡng lão.

Hãy kiên nhẫn với trẻ

Lòng tốt và lòng trắc ẩn là điều trẻ sẽ được học hỏi, bồi đắp dần lên và cuộc sống sẽ luôn đưa ra những tình huống thử thách cho trẻ. Và việc trở thành bậc cha mẹ giàu lòng yêu thương, tấm gương tuyệt vời cho con cái sẽ có tác động rất lớn trong việc nuôi dạy trẻ thành những con người tuyệt vời, bao dung, nhân ái./.

Từ khóa: cách nuôi dạy con, cách dạy trẻ, nuôi dạy trẻ

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập